Duy trì mức sinh thấp hợp lý ở Quảng Ninh

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên nguồn lực tài chính, triển khai đồng bộ các hoạt động công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGÐ). Nhờ vậy, sau bảy năm, mức sinh giảm từ 2,38 con/phụ nữ (năm 2003) còn 2,0 con/phụ nữ (từ năm 2010 đến nay), từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).
Tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Hạ tuần tháng 12, trong cái lạnh "cắt da, cắt thịt" của vùng biển Quảng Ninh, chúng tôi đến trung tâm xã Kim Sơn (huyện Ðông Triều). Hai bên đường, nhà cao tầng, mái bằng khang trang mọc lên san sát, đường bê-tông kiên cố. Sự trù phú nơi đây khiến chúng tôi ngỡ ngàng, quên đi cái rét và ấm áp trong lòng. Chị Nguyễn Thị Yêng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Ðông Triều tươi cười cho biết: Tất cả sự thay đổi này có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện hiệu quả "Ðề án giảm sinh, duy trì mức sinh hợp lý". Ðó là công lao của những người làm công tác dân số cũng như sự đồng lòng của chính người dân nơi đây. Từ khi triển khai đề án, chất lượng dân số của 21 xã trong huyện đạt những kết quả đáng ghi nhận. Người dân ý thức được mỗi gia đình chỉ nên sinh từ một đến hai con; con cái được chăm sóc tốt, kinh tế phát triển hơn. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ ba giảm đáng kể; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm từ 11,6%o xuống còn 9%o. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. "Lúc còn làm cán bộ tuyên truyền viên dân số, khi đến tư vấn cho gia đình chị Nguyễn Thu Hương mới ngoài 26 tuổi, chị đã sinh bốn đứa con gái, hoàn cảnh nheo nhóc, thuộc diện hộ nghèo. Sáu nhân khẩu trú ngụ trong căn nhà trống trước, hở sau, mỗi cái giường là tài sản giá trị nhất. Mỗi lần chúng tôi đến vận động, người vợ nước mắt lưng tròng, chị rất muốn thôi đẻ, nhưng chồng vẫn nhất quyết phải có con trai. Có lần, đứa con gái lớn sáu tuổi ốm nặng, nhà chỉ có 70 nghìn đồng, phải chạy đến nhà tôi vay tiền cho cháu đi viện. Sau khi cháu ở viện về, tôi đến thăm và tỉ tê khuyên nhủ. Hiểu ra tác hại của việc đẻ nhiều, người chồng chủ động lên trạm y tế xã triệt sản - chị Yêng kể. Gia đình chị Hương được vay vốn giảm nghèo, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện. Hôm nay, đứng trước ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ của vợ chồng chị Nguyễn Thu Hương, chúng tôi thật sự khâm phục sự quyết tâm vươn lên của họ, sự kiên trì trong công tác vận động tuyên truyền của những người làm công tác dân số nơi đây đã thu được "quả ngọt".

Tương tự các xã Kim Sơn, Phú Hải (huyện Hải Hà), Ðiền Xã (huyện Tiên Yên), Ðồng Tiến (huyện Cô Tô), nhiều xã khác ở tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác DS - KHHGÐ. Nhờ đó, những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ ba của tỉnh đã giảm từ 8,75% (năm 2003) xuống còn 4,78% (năm 2014). Quy mô dân số năm 2014 của tỉnh là 1,225 triệu người. Theo Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện, năm 2012, Quảng Ninh đề ra mục tiêu, giảm tỷ suất sinh 0,2%o; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 0,2%; tăng 0,5% tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; giữ vững tỷ số giới tính khi sinh là 115/100. Ðể các chương trình mục tiêu DS-KHHGÐ triển khai thuận lợi, cùng nguồn kinh phí từ Trung ương hỗ trợ, mỗi năm tỉnh quyết định cấp ba tỷ đồng thực hiện chương trình.

Ðiều đáng ghi nhận, đến nay công tác kiện toàn bộ máy làm công tác DS-KHHGÐ của tỉnh Quảng Ninh được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Hiện nay, 186/186 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có biên chế chuyên trách công tác DS-KHHGÐ. Cả tỉnh có hơn hai nghìn cộng tác viên DS-KHHGÐ tại 1.557 thôn, bản, khu phố được đào tạo bài bản về nghiệp vụ. Hoạt động truyền thông, vận động được triển khai đều khắp các nơi trong tỉnh. Chi cục Trưởng DS - KHHGÐ tỉnh Nguyễn Thị Luyến chia sẻ: Chi cục đã chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền đến cộng đồng; coi trọng việc vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGÐ đến vùng đông dân cư, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn; tích cực tư vấn và cấp phát các dịch vụ KHHGÐ kịp thời đến các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ tháng 8 năm nay, tỉnh áp dụng biện pháp mới nhằm nâng cao chất lượng dân số, giảm số người sinh con thứ ba. Theo đó, đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ có hộ khẩu tại Quảng Ninh tự nguyện thực hiện các biện pháp đình sản nam hoặc nữ sẽ được tỉnh hỗ trợ hai triệu đồng/người/một lần; hỗ trợ các xã, phường, thị trấn hai năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên từ 8 đến 10 triệu đồng.

Nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù công tác DS - KHHGÐ của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy, công tác DS-KHHGÐ đang đối mặt không ít khó khăn, khi các chỉ số về dân số vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; tỷ lệ sinh con thứ ba, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGÐ ở cơ sở còn yếu và thiếu, chưa phù hợp đặc điểm môi trường và khí hậu biển. Ðáng chú ý, hiện nay vẫn còn một số xã ven biển, đảo chưa có trạm y tế và 19,7% số trạm y tế xã chưa có bác sĩ. Phần lớn nam giới ở các xã ven biển lao động và sinh sống trên biển nhiều hơn trên đất liền, cho nên công tác truyền thông, vận động gặp nhiều khó khăn, phải dựa vào thời vụ. Ðịa bàn dân cư vùng biển rộng, khoảng cách giữa các hộ cách xa nhau, đường giao thông không thuận lợi đã gây khó khăn không nhỏ cho cán bộ tuyên truyền DS-KHHGÐ. Trong khi đó, hiện nay kinh phí hỗ trợ cho tuyên truyền DS - KHHGÐ rất thấp...

Ðể giải quyết những vấn đề vướng mắc, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh, nhằm kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý nhất. Ðặc biệt, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số; nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản... Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai Ðề án 52 với phương châm "công dân biển phải có sức khỏe biển và trí tuệ biển". Ðây là đề án quan trọng, tạo bước chuyển trong việc duy trì mức sinh hợp lý trên quy mô toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng và phát triển bền vững.

Chia tay Quảng Ninh vào xế chiều, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi mà kinh phí hỗ trợ cho mỗi tuyên truyền viên dân số chỉ vỏn vẹn 100 nghìn đồng/tháng. Nhưng có lẽ, như lời Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện, nếu để làm tốt công tác dân số thì phải làm bằng cái tâm, bằng sự nhiệt huyết... Thành quả của công tác DS-KHHGÐ Quảng Ninh hôm nay, là cả sự vất vả, nhọc nhằn, sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ làm công tác này.

Hiện nay, dân số nước ta có sự khác nhau giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố. Các tỉnh miền Ðông và miền Tây Nam Bộ có mức sinh thấp, còn 1,33 con/phụ nữ; phía bắc, Tây Nguyên và miền Trung, mức sinh còn khá cao (trên dưới ba con/phụ nữ). Nếu duy trì được mức sinh thấp hợp lý (từ 1,8 đến 2,0 con/phụ nữ) thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức 115 đến 120 triệu người và điều này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguyễn Văn Tân

Tổng cục trưởng Dân số - KHHGÐ (Bộ Y tế)