Không chỉ có hoạt động trưng bày, Bảo tàng Hà Nội đã chuyển mình trở thành một không gian sáng tạo hấp dẫn. hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Có những không gian mang tính tổ hợp, gồm nhiều loại hình văn hóa, sáng tạo. Các không gian còn lại chủ yếu là các không gian “chuyên đề”, có thể về âm nhạc, nghệ thuật thị giác, kiến trúc…
Gần đây, một xu hướng mới nổi lên là sự ra đời, hoạt động của những không gian sáng tạo liên quan thủ công mỹ nghệ, hoặc nghệ thuật trình diễn truyền thống như: Magic of Color (phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm), Am Càkê (đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) hay Hợp tác xã Vụn Art (phố Lụa, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông)… Về hình thức sở hữu, trước đây, phần lớn các không gian sáng tạo là của tư nhân thì hiện nay, các cơ quan nhà nước cũng đang chuyển mình mạnh mẽ.
Nhiều cơ quan nay đã trở thành không gian sáng tạo như: Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm)… Các không gian sáng tạo này vừa là động lực phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, vừa đem những giá trị văn hóa đến gần hơn với công chúng, nhất là lớp trẻ.
Ngay từ khi xây dựng hồ sơ ứng cử Thành phố Sáng tạo năm 2019, các không gian sáng tạo luôn được coi là điểm mạnh của Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, thành phố đang thiếu những không gian sáng tạo quy mô bởi phần lớn các không gian sáng tạo đều nhỏ lẻ, manh mún. Thậm chí, không ít không gian “sớm nở tối tàn”. Điển hình như 60S Thổ Quan (quận Đống Đa) phải giải thể vì không thuê được địa điểm phù hợp. Một điểm nữa là tuy các không gian sáng tạo đem lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế và văn hóa, nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ của thành phố.
Khi gia nhập “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện những cam kết, đồng thời hợp tác với các thành viên khác trong mạng lưới để xây dựng thành phố sáng tạo. Để cụ thể hóa những cam kết với UNESCO, cuối năm 2024, thành phố đã thành lập Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo.
Tiếp đó, tháng 5/2025, thành phố chính thức kêu gọi cộng đồng sáng tạo và không gian sáng tạo tham gia Mạng lưới Không gian Sáng tạo thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, khi trở thành thành viên mạng lưới, các không gian sáng tạo sẽ nhận được hàng loạt hỗ trợ.
Giám đốc Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Nguyễn Thị Ngọc Hòa cho biết: “Các không gian thuộc mạng lưới được đăng ký tổ chức các hoạt động tại Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo và tại Bảo tàng Hà Nội; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định; được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá các hoạt động trên hệ thống các kênh thông tin chính thức của Hà Nội - thành phố sáng tạo; được hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp phép tổ chức sự kiện và cấp phép quảng cáo theo quy định. Các thành viên còn được hỗ trợ địa điểm và hỗ trợ tổ chức các hoạt động sáng tạo tại các không gian tuyến phố đi bộ, các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử- văn hóa phù hợp…”.
Ngoài ra, khi tham gia mạng lưới, các thành viên được tạo điều kiện để giao lưu, học hỏi với các thành phố sáng tạo trên thế giới. Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker cũng ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập mạng lưới và chia sẻ: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các không gian sáng tạo lớn và nhỏ, công cộng và độc lập tham gia vào hệ sinh thái đang phát triển này. Ý tưởng, tiếng nói và biểu đạt văn hóa của bạn là điều cần thiết để định hình tương lai sáng tạo của Hà Nội”.
Đại diện không gian sáng tạo Heritage Art Space Phạm Út Quyên đặt nhiều kỳ vọng vào việc Mạng lưới Không gian Sáng tạo Hà Nội ra đời. Chị cho biết: “Đây không chỉ là cơ hội cho không gian của chúng tôi, mà còn là cơ hội để góp phần xây dựng một Hà Nội sáng tạo, một thành phố vừa giàu bản sắc truyền thống, vừa năng động, hiện đại”.
Dự kiến, thành phố sẽ nhận hồ sơ đăng ký tham gia Mạng lưới Không gian Sáng tạo Hà Nội đến ngày 30/5/2025. Cuối tháng 6, lễ công bố và trao chứng nhận thành viên mạng lưới sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội. Đây là bước tiến lớn trong việc mở lối cho không gian sáng tạo phát triển. Từ đó, các không gian sáng tạo sẽ đóng góp thiết thực hơn cho việc xây dựng thành phố sáng tạo nói riêng, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển nói chung.