Tính đến hết năm 2024, Hà Nội đã có hơn 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98,2%; tạo việc làm cho 55,1% lao động, đóng góp hơn 40% GRDP cho thành phố.
Cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Thành lập từ năm 1995, từ vài chục hội viên ban đầu, đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đã lớn mạnh với hơn 11 nghìn doanh nghiệp thành viên. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HANOISME Mạc Quốc Anh cho biết, Hiệp hội hiện có 28 câu lạc bộ quận, huyện; bốn câu lạc bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, có năm văn phòng đại diện tại: Mỹ, Nhật Bản, Áo, Singapore và Séc. Thông qua mạng lưới liên kết rộng khắp, Hiệp hội đã kết nối, hỗ trợ và kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp năng động, hiệu quả, đóng góp hơn 40% GRDP và 35% kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, tạo việc làm cho hơn 5,5 triệu lao động.
Hiệp hội còn tích cực tham gia phản biện chính sách, đề xuất kịp thời hàng trăm kiến nghị quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thực hiện trách nhiệm xã hội. Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng mong muốn, thời gian tới, HANOISME sẽ phát huy hơn nữa vai trò là tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, là cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp và chính quyền, giúp VCCI lắng nghe, ghi nhận và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Mới đây, HANOISME đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1995-2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố nhận định, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng, số doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2025 cũng giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn...
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất
Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu trong năm 2025, Hà Nội có thêm 30.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, năm sau cao hơn năm trước để từ nay đến năm 2030, Hà Nội có thêm 200.000 doanh nghiệp. Năm 2025, thành phố phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đạt hơn 50%; giải quyết việc làm cho 167.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55%...
Để đạt mục tiêu này, thành phố tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong năm 2025 phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ đối với nhóm thủ tục hành chính và thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng rà soát, kiến nghị với bộ và cơ quan ngang bộ bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; chuyển mạnh quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời, xác định khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đón nhận nghị quyết quan trọng này với tinh thần phấn khởi. HANOISME đặt mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 có hai triệu doanh nghiệp, đóng góp từ 55-58% GDP, đến năm 2045 có hơn ba triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP.