Theo các chuyên gia, để xây dựng thành phố thông minh, cần chú trọng đến ba nhóm nội dung trọng tâm: Hạ tầng cho phát triển đô thị thông minh; các giải pháp đô thị thông minh; quản trị đô thị thông minh.
Nơi hội tụ của công nghệ số
Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Công ty TNHH Exporum, Hội Tự động hóa Việt Nam… phối hợp tổ chức Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á (Smart City Asia 2025). Sự kiện thu hút hơn 450 gian hàng, với gần 300 đơn vị trưng bày các nhóm giải pháp về giáo dục thông minh; công nghệ và ứng dụng AI trong các lĩnh vực quản lý đô thị; công nghệ chiếu sáng công cộng; các hệ thống bảo mật-an ninh an toàn trong hệ sinh thái thành phố thông minh. Smart City Asia 2025 cũng trưng bày, giới thiệu trang thiết bị để xây dựng và quản lý tòa nhà thông minh; các giải pháp tự động hóa, ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất thông minh, tòa nhà và căn hộ thông minh chất bán dẫn...
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Smart City Asia 2025 năm nay thu hút hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp cùng hàng nghìn lượt chuyên gia, khách tham quan trong nước và quốc tế, là cơ hội kết nối chính sách-công nghệ- đầu tư giữa các địa phương Việt Nam và đối tác toàn cầu. Smart City Asia 2025 cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa các địa phương với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về phát triển đô thị, thành phố thông minh.
Trong khuôn khổ Smart City Asia 2025 còn diễn ra các diễn đàn về công nghệ bán dẫn và AI; xây dựng hệ sinh thái số cho phát triển đô thị bền vững; giáo dục thông minh cho xã hội thông minh...
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Smart City Asia 2025 mang đến cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp, thúc đẩy hợp tác và nâng cao nhận thức cộng đồng về đô thị thông minh. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đã được thành phố ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Thành phố đã triển khai nhiều dự án, chương trình cụ thể tập trung vào các lĩnh vực then chốt như giao thông thông minh, quản lý đô thị thông minh, phát triển dịch vụ công trực tuyến và xây dựng hạ tầng số hiện đại.
Lấy người dân làm trung tâm
Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tận dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là AI, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)... để tạo ra những đột phá trong xây dựng đô thị thông minh. Địa phương đặt mục tiêu phát triển không chỉ là một đô thị thông minh về hạ tầng, mà còn là một đô thị thông minh về kinh tế số, xã hội số và chính quyền số, trong đó người dân là trung tâm. Ông Thắng nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là chìa khóa để mở ra một tương lai thịnh vượng cho thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Thành phố đã và đang nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ các startup công nghệ.
Trong xây dựng thành phố thông minh, các chuyên gia cho rằng, hạ tầng số đóng vai trò là hạ tầng mới cho đô thị thông minh, là nền tảng phục vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số. Hạ tầng số bao gồm: Hạ tầng viễn thông và internet; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng tiện ích số và công nghệ số…
Hạ tầng số cung cấp môi trường và công cụ để giải quyết các bài toán của đô thị thông minh, tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Vì thế, hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, bền vững và hiệu quả.
Trong quá trình chuyển đổi sang môi trường số, người dân và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc các dịch vụ số thông minh để đáp ứng nhu cầu sống, học tập, làm việc, tương tác với chính quyền. Việc phát triển đô thị thông minh cần đặt con người và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, với hệ sinh thái dịch vụ linh hoạt, dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn dữ liệu, quyền riêng tư.
Ông Phúc cho biết thêm, chủ trương phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đã được đưa ra từ rất sớm. Gần đây, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện. Để đạt mục tiêu này, các địa phương cần chú trọng đến ba nhóm nội dung trọng tâm khi triển khai đô thị thông minh, đó là hạ tầng cho phát triển đô thị thông minh; các giải pháp đô thị thông minh phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; và quản trị đô thị thông minh.