Theo số liệu cập nhật mà Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/2 vừa qua, tình hình lao động, việc làm quý IV/2024 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so quý trước và cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động đều tăng so quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.
![]() |
Các chỉ số cơ bản về dân số, việc làm năm 2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Không thiếu việc, chỉ lo thiếu kỹ năng
Bước sang năm 2025, một yếu tố không thể không lưu ý, đó là trong bối cảnh công cuộc tinh giản tổ chức, bộ máy, sẽ có một lượng lớn người lao động ra khỏi khu vực công và tham gia vào thị trường lao động ngay từ cuối quý đầu năm, tạo áp lực kết nối việc làm.
Tuy chưa có số liệu đầy đủ, nhưng theo thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Tại tỉnh Bắc Giang, Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang) cần hơn 2.000 nhân sự quý I/2025 và cả năm 2025 khoảng 20.000 người. Cũng trong quý I/2025, Công ty TNHH Fukang Technology cần hơn 6.600 nhân sự, tính chung cả năm cần hơn 14.000 người. Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu cần hơn 11.600 nhân sự cả năm 2025, riêng quý I/2025 gần 3.000 nhân sự. Tại Bắc Ninh, Tập đoàn Goertek (đối tác của Apple) đang đầu tư bốn dự án tại các khu công nghiệp với vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD, dự kiến sử dụng tới 60.000 lao động trong năm 2025. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động cho biết, năm 2025, thành phố cần khoảng 310.000 - 330.000 lao động…
Thế nhưng, việc có tìm được người và người có tìm được việc không lại là chuyện khác. Vẫn theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, trong số hàng trăm nghìn việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ việc làm đòi hỏi người lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 88%, lao động phổ thông chỉ chiếm gần 12%.
Nhìn chung, các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trong các ngành nghề liên quan công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Những vị trí như: lập trình viên, chuyên viên phân tích dữ liệu, kỹ sư an ninh mạng... tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu nhân lực.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ chỉ “nhích” lên rất nhẹ: quý IV/2024, tỷ lệ này tăng 0,1 điểm phần trăm so quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023.
Thậm chí, ngay cả số công chức, viên chức từ khu vực công bổ sung vào thị trường lao động, dù đại đa số có bằng cấp, cũng chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu, vì được đào tạo không đúng ngành nghề, không có kỹ năng trong những ngành nghề, lĩnh vực mà thị trường lao động đang cần. Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định: “Thách thức lớn nhất có lẽ là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu. Kỹ năng và trình độ của họ không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm, khả năng tiếp cận thông tin về thị trường lao động còn hạn chế”.
Theo các nghiên cứu thị trường, một số công việc chắc chắn phát triển nhanh nhất năm 2025 được dự báo là chuyên gia công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này không có gì khó hiểu ở thời đại công nghệ số đang phát triển như vũ bão. Thuận lợi hết sức căn bản là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã vạch ra “con đường ngắn nhất để đưa đất nước tới tương lai tươi sáng”, như Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội chiều 14/2.
Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng nhận định, sau bước chạy đà năm 2025, mục tiêu tăng trưởng hai con số “không có gì là xa vời cả”, nếu chúng ta làm tốt ba mũi đột phá gồm thể chế, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực. Dĩ nhiên, để hiện thực được điều đó, điều kiện không thể thiếu là phải có được nguồn nhân lực không chỉ đông mà còn có chất lượng.
Thời hoàng kim sắp qua
Ở góc độ xã hội, xu hướng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam đang ngày càng rõ nét. Tại thời điểm này, Việt Nam vẫn trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Nhưng thời hoàng kim này sẽ không kéo dài lâu nữa.
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức sinh thấp nhất quan sát được từ trước đến nay. Cả nước có đến 32 tỉnh, thành phố trực thuộc có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ).
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, chất lượng cuộc sống được cải thiện, hệ thống y tế tốt hơn với nhiều công nghệ hiện đại đã góp phần kéo dài tuổi thọ của con người. Tỷ lệ sinh có xu hướng giảm trên thế giới đã làm cho số người cao tuổi ngày càng tăng, dẫn đến hiện tượng già hóa dân số. Vấn đề già hóa dân số gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế trong dài hạn, cụ thể đối với thị trường lao động là làm giảm lực lượng và năng suất lao động.
Thị trường lao động năm 2025 và những năm tới đây dự báo sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt. Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong nhiều ngành nghề, mở ra cơ hội cho những ai nỗ lực thay đổi và cập nhật bản thân; chuẩn bị kiến thức và kỹ năng phù hợp.
Đối với Việt Nam, những dấu hiệu già hóa dân số đã bắt đầu từ năm 2011, đáng ngại hơn, nước ta là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so năm 2024.
Những yếu tố kể trên trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng cao, bền vững đang đặt ra áp lực ngày càng lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Đặc biệt ở góc độ vĩ mô, nhà nước cần có chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi; tạo điều kiện và khuyến khích lao động lớn tuổi tham gia công việc phù hợp. Lâu dài, lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định có thể tiếp tục điều chỉnh. Thực tế cho thấy có không ít trường hợp người cao tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 60 đến 75, vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, nhiều khả năng đóng góp thu nhập cho gia đình và đóng góp vào tăng trưởng chung.