Thương nhớ đệm bàng

Vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang từng nổi tiếng với những xóm nghề làm đệm bàng. Cùng với chiếu Cà Mau, chiếc đệm bàng An Giang ở Ðồng bằng sông Cửu Long đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân vùng nông thôn.
Những người thợ gắn bó với nghề đệm bàng ở Núi Nước.
Những người thợ gắn bó với nghề đệm bàng ở Núi Nước.

Thất Sơn gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên một thời có nhiều xóm nghề sống bằng nghề đươn (đan) đệm bàng, nhưng theo thời gian, làng nghề thu hẹp dần. Hiện chỉ còn xóm làm đệm bàng tại Núi Nước nằm trong quần thể dãy núi Thất Sơn thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn với vài chục hộ. Các thợ cao tuổi cho biết, họ dùng tay đươn những cọng bàng lại thành chiếc nệm dày và ấm để trải lên giường, chõng tre nằm ngủ.

Vào những ngày Tết cổ truyền, xóm đệm bàng lại rộn ràng để làm kịp những chiếc đệm, giỏ xách, nón... giao cho khách, mối lái, cho các chủ cơ sở đã đặt hàng gia công. Bà Ngô Thị Kiểm, 70 tuổi, là thợ đệm cao niên của vùng Núi Nước kể, không biết nghề đệm bàng có từ bao giờ nhưng từ tấm bé, bà đã quen với cảnh mẹ ruột, cô dì ngồi đươn đệm.

Như bao cô gái khác trong xóm, năm 14 tuổi, bà Kiểm rành rọt nghề đươn. Cọng bàng rất dai, khi nhổ xong phải đem phơi nắng cho khô rồi giã dẹp hẳn đi mới đươn được. Ðây là công đoạn rất cực. Ðể giã cọng bàng, người thợ phải dùng cái chày to bằng gỗ, dài gần 2m, nặng 7 kg đứng giã.

Lá bàng nhìn mềm mại nhưng khi giã cọng dẹp lép rất lâu cho nên công việc đòi hỏi sự nhẫn nại này chỉ dành cho phụ nữ. Do công việc mệt nhọc nên chị em hay rủ nhau làm chung, vừa hò hát vừa kể pha trò để quên vất vả, làm thôn xóm rất vui. Ðặc biệt, những đêm trăng sáng cùng nhau giã bàng, tiếng hát hò quyện với tiếng chày giã làm náo nhiệt đêm trăng.

Bà Kiểm thở dài, mới đó đã là chuyện xưa vì bây giờ đã có máy giã bàng thay sức người nên những đêm giã bàng cực mà vui nay không còn nữa. Và cùng là nghề đươn nhưng nghề làm chiếu vẫn có thợ nam, còn đươn đệm bàng lại không.

Ðể có cọng bàng, ngày trước cánh đàn ông vùng Thất Sơn chèo xuồng qua vùng Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang tìm nhổ. Nghề nhổ bàng cực nhọc nên chỉ sức đàn ông mới chịu nổi. Ngày xưa mùa đông trời rất lạnh, có chiếc đệm bàng dày và ấm nằm ngủ thật êm. Ðệm bàng còn trải trên chiếc võng cho trẻ con nằm, đệm hút nước nên dù trẻ đái dầm cũng không sợ bị ướt lưng.

Nhắc về chiếc đệm xưa, bà Kiểm sống lại bao kỷ niệm. Ðó là lúc cùng ông bà, song thân cắt lúa xong đem về đổ trên đệm bàng phơi nắng cho lúa mau khô. Khi trong nhà có đám tiệc, ai cũng dùng đệm bàng trải trước hay trong sân nhà cho khách ngồi tề tựu. Ngoài đệm bàng, giỏ xách và nón rộng vành làm từ cọng bàng một thời cũng được ưa chuộng do nón che nắng mưa tốt, còn giỏ xách sử dụng lâu dài, khi giỏ dơ giặt lại đem phơi nắng.

Thợ đệm còn đươn chiếc nóp cho nhà nông, người chăn vịt yên tâm nằm ngủ trong nóp giữa đồng ruộng vì nóp vừa giữ ấm vừa chống muỗi mòng, côn trùng. Ngày trước, từ thành thị đến nông thôn đều dùng đệm bàng ngủ nhưng từ năm 2000 về sau, đệm bàng trở nên quê mùa do đệm làm bằng cao su được sử dụng phổ biến hơn. Rồi theo thời gian, chiếc đệm bị lãng quên dần kéo theo nghề xưa mai một. Các cô thợ trẻ vì ngồi đươn cực nhọc nhưng tiền công không cao nên nhiều người cũng đã chuyển nghề.

Chị Trần Thị Trang, chủ cơ sở Trung Trang ở thị trấn Ba Chúc tâm sự, gia đình chị làm nghề đệm bàng, song thấy mưu sinh từ nghề này khó khăn cho nên chị đến tỉnh Bình Dương tìm việc làm. Sau nhiều năm, chị Trang quyết định trở về quê nhà sống bằng nghề xưa nhưng ngoài làm các mặt hàng truyền thống, chị làm thêm túi xách, ba-lô, ví, dép… từ cọng bàng. Trải qua những khó khăn ban đầu, sản phẩm mới đã được khách hàng các nơi tiếp nhận, giúp chị yên tâm sống với nghề. Cơ sở của chị đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 40 lao động vùng nông thôn. Những sản phẩm mới từ cọng bàng đã giúp chị có thu nhập khá, nhưng với chị, niềm vui lớn nhất chính là níu giữ được làng nghề xưa.

Tâm sự của chị Trang cũng là nỗi lòng của người thợ xóm đệm bàng. Những cô thợ trẻ năm nào nay tóc bạc màu theo thời gian khắc khoải với kỷ niệm khó quên về một làng nghề nổi danh, về đêm vui cùng tiếng chày giã bàng đêm trăng, cảnh quây quần ấm cúng cùng người thân bên chiếc đệm ấm trong tiết trời giá lạnh khi gió bấc và vô vàn ký ức khó quên về một nghề bình dị thân thương.