An toàn giao thông

Thói quen xấu cần loại bỏ

Ùn tắc, va chạm, tai nạn phần lớn đều bắt nguồn từ những thói quen xấu của người tham gia giao thông, như phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, không chấp hành tín hiệu, biển báo giao thông... Những hành vi này không chỉ vẽ nên những bức tranh giao thông xấu xí mà còn đe dọa đến tính mạng của người khác.
Nghị định số 168 đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Ảnh | KHÁNH AN
Nghị định số 168 đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Ảnh | KHÁNH AN

NgườiI có văn hóa khi tham gia giao thông là người có hành vi ứng xử tích cực, hợp chuẩn trong tham gia giao thông, bao gồm cả việc chấp hành pháp luật về giao thông. Ngược lại với văn hóa giao thông là những thói quen xấu. Có thể kể đến những hiện tượng chủ yếu như chạy xe trái đường, ngược chiều, lạng lách, vượt đèn đỏ, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi bộ không đúng nơi quy định, trèo qua dải phân cách, dừng đỗ xe ô-tô không đúng nơi quy định gây cản trở giao thông, không thắt dây an toàn, lái xe quá nhanh hoặc quá chậm, uống rượu, bia rồi tham gia giao thông... Tiện lợi với người này chỉ mấy chục giây đến vài phút, nhưng tiềm ẩn rủi ro có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người khác.

Gần đây trên nhiều diễn đàn mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một số người không kiểm soát tốt cảm xúc khi lái xe, mất bình tĩnh sau va chạm khi tham gia giao thông dẫn đến những hành vi bột phát như phá hoại tài sản, gây thương tích cho người khác, trong đó không ít trường hợp đã sử dụng rượu, bia trước khi lái xe.

Thói quen của con người hình thành từ rất sớm ngay từ lúc còn nhỏ, chủ yếu là từ lối sống cộng đồng, tập quán mà nên. Những thói quen xấu trong giao thông không phải gần đây mới xuất hiện mà chủ yếu là do sự tùy tiện, vô nguyên tắc của từng cá nhân bị ảnh hưởng, lây nhiễm từ những người chung quanh, từ cộng đồng xã hội. Những hành vi đó không chỉ xuất hiện ở người lớn mà đang ảnh hưởng nhiều đến thế hệ trẻ. Cha mẹ, người lớn chở con em, trẻ nhỏ không đội mũ bảo hiểm, thường xuyên lấn vạch, lấn làn, vượt đèn đỏ là tấm gương xấu khiến đứa trẻ khi lớn lên cũng tham gia giao thông theo kiểu như vậy.

Đây chắc chắn không phải chuyện của riêng mỗi nhà mà là vấn đề chung của toàn xã hội, khi bao người giữ thói quen lái xe phạm luật vẫn đây đó ngoài đường. Đầu tháng 12 vừa qua, báo Dân Trí đăng tải đoạn video cho thấy, chỉ trong vòng một nhịp đèn đỏ dài 2 phút tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Hà Nội), có tới 164 phương tiện (xe hai bánh) vượt đèn đỏ, già trẻ, lớn bé có cả. Qua đó cho thấy ý thức, văn hóa tham gia giao thông của một bộ phận lớn người dân, nhất là tại những thành phố lớn rất kém. Nhiều người coi việc vượt đèn đỏ hay đi xe trên vỉa hè là việc bình thường, vì họ không nhận thức được điều đó là vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Trước thực trạng đó, ngày 26/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế Nghị định số 100/2019. Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định cho hay, những hành vi được đề xuất tăng mức phạt không chỉ là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông, mà còn gây bức xúc xã hội, như: vượt đèn đỏ, vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn, che biển số, giao xe cho người không đủ điều kiện hoặc đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng... Ngoài xử lý trực tiếp người điều khiển phương tiện, những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc bởi hành vi này gián tiếp gây nguy hiểm cho xã hội.

Ngay từ những ngày đầu năm 2025, khi Nghị định số 168 có hiệu lực đã làm thay đổi thấy rõ ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông của người dân. Hiệu quả từ việc tăng mức phạt của Nghị định số 168 đã làm giảm đáng kể lượng người điều khiển phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, mỗi người dân cần phải tự mình ý thức chấn chỉnh, sửa đổi, đồng thời nhắc nhở nhau từ bỏ những thói quen xấu trong giao thông, vì nó không chỉ ảnh hưởng đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng đến phong cách, lối sống, hình ảnh của cả đất nước, đặc biệt là gây mất trật tự an toàn xã hội.