Then chốt là chọn được những thủ lĩnh chuyên môn

Để tạo nên bước đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở nước ta, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về những giải pháp hữu hiệu trong công tác thu hút, trọng dụng nhân tài.
0:00 / 0:00
0:00
Cần tạo điều kiện để sinh viên được sớm bắt tay vào nghiên cứu khoa học, công nghệ. Nguồn: Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng
Cần tạo điều kiện để sinh viên được sớm bắt tay vào nghiên cứu khoa học, công nghệ. Nguồn: Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng

- Nghị định số 179/2024/NĐ-CP về quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Triển khai Nghị định này có phải xét đến yếu tố đặc thù trong lĩnh vực khoa học, công nghệ không, thưa ông?

- Nghị định số 179/2024/NĐ-CP đã cụ thể hóa hơn các quan điểm và định hướng chính sách vốn đã được khẳng định trong Quyết định số 899/2023/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Về quy trình, nguyên tắc, cách thức, biện pháp, chế độ đãi ngộ… thì tôi thấy Nghị định số 179 đã khá đầy đủ, toàn diện nên chúng ta cần thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, để áp dụng với các lĩnh vực khoa học và công nghệ thì trước hết cần quan tâm đến những đặc thù của mỗi chuyên ngành và mỗi cơ quan. Bởi lẽ, các tiêu chí để nhận diện nhân tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ thì sẽ khác với các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quản trị và chính sách, hay khoa học lý luận chính trị. Tương tự, phụ thuộc chức năng và nhiệm vụ, mỗi đơn vị công lập cũng sẽ có quan niệm, tiêu chí khác nhau về nhân tài. Chẳng hạn, đơn vị nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ có những kỳ vọng và yêu cầu về nhân tài khác với đơn vị về phát triển, chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ. Đơn vị quản lý nhà nước, hoạch định và thực thi chính sách thì yêu cầu về nhân tài sẽ không thể giống với các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy.

Vì thế, căn cứ vào Nghị định số 179, mỗi đơn vị cần soạn thảo văn bản hướng dẫn chi tiết hơn nữa để có thể thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài gắn với bối cảnh cụ thể. Theo đó, đặc biệt quan trọng là phải nêu bật định nghĩa cùng các tiêu chí rõ ràng để xác định nhân tài phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, cần phân biệt giữa thu hút nhân sự chất lượng cao để xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên môn (số đông) với xác định các vị trí, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đang cần đột phá để thu hút các “thủ lĩnh chuyên môn” (thiểu số xuất sắc), đảm nhiệm vai trò đầu tàu để bảo đảm khả năng thành công.

Then chốt là chọn được những thủ lĩnh chuyên môn ảnh 1

TS Nguyễn Văn Đáng

- Nhìn rộng hơn, ông có đề xuất gì để công tác tuyển chọn nhân sự tìm được đúng người tài, tránh tình trạng lãng phí cơ hội và nguồn nhân lực?

- Khoa học và công nghệ nói chung là những lĩnh vực không chỉ yêu cầu tri thức chuyên môn mà còn đòi hỏi năng lực sáng tạo liên tục. Vì thế, khả năng thành công của việc tuyển chọn người tài phụ thuộc vào mức độ coi trọng tiêu chí tiên quyết là năng lực chuyên môn. Những thước đo cơ bản cho năng lực chuyên môn là quá trình đào tạo, lịch sử làm việc, những kết quả công việc cụ thể, mức độ tác động và ảnh hưởng kinh tế-xã hội tính cho đến khi ai đó được tuyển dụng.

Do đó, để chọn được người thực tài, phù hợp vị trí, vai trò và nhiệm vụ cụ thể thì cần phải tiến hành đánh giá, tuyển lựa dựa trên nguyên tắc cạnh tranh năng lực chuyên môn. Theo đó, bên cạnh quy trình tuyển dụng nhân sự với các cơ quan Nhà nước, mỗi đơn vị cần ban hành thêm các nguyên tắc, tiêu chí để áp dụng với nhân tài. Toàn bộ quy trình đánh giá và tuyển dụng phải được công khai và thực hiện bởi các Hội đồng thẩm định bao gồm nhiều nhà chuyên môn có uy tín trong lĩnh vực mà cá nhân ứng tuyển. Người được chọn phải là người chứng minh được sự ưu trội hơn hẳn về năng lực chuyên môn so với những người cùng dự tuyển.

Vì nghiên cứu khoa học và công nghệ là những hoạt động đòi hỏi kiến thức chuyên môn rất sâu cho nên một yêu cầu then chốt nữa là phải chọn được thủ lĩnh chuyên môn, rồi trao cho họ toàn quyền lựa chọn các thành viên cho ê-kíp thực hiện nhiệm vụ. Những người với năng lực chuyên môn vượt trội thì tự khắc thuyết phục được những người có tài khác, quy tụ họ để hình thành những nhóm làm việc chất lượng cao, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

- Để thu hút và giữ chân người tài, liệu rằng chính sách đãi ngộ tài chính có đủ không, thưa ông?

- Với hiểu biết của tôi, trong bối cảnh hiện nay thì các điều kiện về tài chính, trong đó có mức độ đãi ngộ dành cho cá nhân nhà khoa học luôn rất quan trọng, đặc biệt là khi họ được xác định là nhân tài để cải thiện chất lượng hoạt động của đơn vị, hoặc để triển khai những nhiệm vụ khó, yêu cầu đột phá. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử phát triển khoa học và công nghệ của nhân loại thì chúng ta sẽ thấy vô vàn những phát minh, sáng chế, công trình lý luận tạo nên bước phát triển đột phá, tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt trong đời sống xã hội lại được các nhà khoa học thực hiện trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.

Thực tế nêu trên gợi ra rằng điều kiện tài chính rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố tiên quyết. Thay vào đó, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, những người tài năng, khát vọng mãnh liệt, và có năng lực sáng tạo cần rất nhiều điều kiện về động lực làm việc, môi trường làm việc, nhưng trên hết là sự tự do sáng tạo. Tôi cho rằng, người tài năng về khoa học và công nghệ sẽ phát huy tối đa năng lực khi khát vọng sáng tạo được khuyến khích, tôn trọng, bảo vệ, và được tạo mọi điều kiện để họ có thể theo đuổi và thực hiện khát vọng đó. Như vậy, bảo đảm các điều kiện vật chất cho nhà khoa học mới chỉ là một điều kiện cần; điều kiện đủ và thách thức hơn là phải bảo đảm môi trường làm việc luôn khuyến khích sự tự do sáng tạo.

- Thưa ông, mọi chính sách đều có độ rủi ro nhất định. Đối với lĩnh vực thu hút và trọng dụng nhân tài, cần làm gì để hạn chế thấp nhất được rủi ro chính sách?

- Rõ ràng, rủi ro dễ xảy ra thứ nhất là tuyển dụng sai, không chọn đúng người thực tài. Rủi ro thứ hai là dù chọn đúng người tài năng xuất sắc, nỗ lực tối đa nhưng vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu hai loại rủi ro này xảy ra thì Nhà nước đều đối diện với nguy cơ thiếu hiệu quả của chính sách đầu tư. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là những công việc đòi hỏi tính sáng tạo rất cao cho nên tôi cho rằng rủi ro sẽ luôn là một nguy cơ tiềm ẩn, chúng ta phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định.

Về vấn đề rủi ro khi thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định quan điểm “chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Nghị định số 179/2024/NĐ-CP cũng có hướng dẫn về việc dừng áp dụng chính sách ưu đãi khi diễn tiến công việc không như kỳ vọng. Vì thế, tôi cho rằng các cơ quan, đơn vị vẫn hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát mức độ rủi ro khi thực hiện chính sách ưu đãi với người tài năng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!