Tháng 3 nghĩa tình với Sa Thầy

Tháng 3 Tây Nguyên - "mùa con ong đi lấy mật" - năm nào các cựu chiến binh Trung đoàn 209 cũng vượt chặng đường xa xôi từ Hà Nội vào huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum để tiếp nối hành trình tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ đã nằm lại ở dãy núi Chư Tan Kra.

Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 còn có tên gọi quen thuộc, thân thương là "Trung đoàn mũ sắt" và hầu hết những người lính đều là người Hà Nội. Trong trận giao tranh ác liệt với quân đội Mỹ ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26/3/1968, hơn 200 người lính của Trung đoàn đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến, nay cũng đã ngoài 70 tuổi, vẫn trăn trở khôn nguôi về những đồng đội còn nằm lại chiến trường. Bắt đầu từ năm 2009, họ đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội.

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thường diễn ra vào mùa khô, nhưng các cựu chiến binh vẫn căn cứ tình hình cụ thể để lên đường.

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thường diễn ra vào mùa khô, nhưng các cựu chiến binh vẫn căn cứ tình hình cụ thể để lên đường.

Hơn 10 năm qua, các cựu chiến binh vẫn về lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận… nhưng đã lên đường thì lương khô, nước suối, rau rừng cũng chia nhau. Mọi kinh phí trong những chuyến đi đều được họ tiết kiệm từ lương hưu, chế độ thương binh, tiền trà nước, quà sáng…

Hành trình thầm lặng này đã giúp cho "đường về quê hương" của các liệt sĩ gần hơn, nhiều gia đình đã tìm thấy hài cốt người thân, và đặc biệt, nhiều ngôi mộ tập thể của liệt sĩ Trung đoàn mũ sắt được phát hiện. Đóng góp thầm lặng của các cựu chiến binh đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận với nhiều Bằng khen, chứng nhận... và họ cũng được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái "Vì tình yêu Hà Nội".

Tháng 3/2025, cựu chiến binh Hồ Đại Đồng cùng anh Trương Đức Bình - người cháu của 2 liệt sĩ - tiếp tục hành trình. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum đã phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn huyện Sa Thầy.

Trước mỗi chuyến đi, như thông lệ, các cựu chiến binh đều liên hệ với một số tình nguyện viên để cùng nhau bàn bạc. Họ dành nhiều giờ đồng hồ làm việc với công nghệ thông tin, cập nhật, khai thác tư liệu của quân đội ta kết hợp tư liệu phía Mỹ giải mật, nguồn dữ liệu từ địa phương nơi xảy ra trận đánh, từ gia đình thân nhân liệt sĩ…

Các dữ liệu được phân tích kỹ lưỡng.

Các dữ liệu được phân tích kỹ lưỡng.

Các phương pháp mới cho độ chính xác cao, như: chọn tọa độ chuẩn tìm dung sai, tọa độ bản đồ quân sự, tọa độ thiết bị định vị GPS… đều được áp dụng. Các "bố" trong nhóm cựu chiến binh có một đàn "con" là các kỹ sư, chuyên gia công nghệ, bản đồ đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc.

Mỗi người một công việc riêng, không ai lên mặt báo, sóng truyền hình, phát thanh... nhưng hễ có việc đều nhập cuộc, triển khai công việc nhanh chóng, chuẩn xác. Nếu thu xếp được công việc, họ cũng hăm hở ba-lô tăng võng lên đường cùng các cựu chiến binh.

Item 1 of 3

Năm nay, cựu chiến binh Hồ Đại Đồng vào chiến trường xưa đúng dịp giỗ mẹ. Niềm riêng gác lại, mặc vợ "càm ràm", ông vẫn đúng kế hoạch. Ký ức về trận giao tranh với Mỹ trên dãy núi Chư Tan Kra không bao giờ ông và những đồng đội may mắn được trở về có thể quên… Đôi mắt ông ngấn nước khi nhắc tới những ngôi mộ tập thể mà đồng chí của mình lúc ngã xuống đã bị quân địch thu gom, đốt và vùi lấp.

Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng trên hành trình về lại chiến trường xưa.

Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng trên hành trình về lại chiến trường xưa.

Mười mấy năm qua, các cựu chiến binh vẫn về lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận… nhưng đã lên đường thì lương khô, nước suối, rau rừng cũng chia nhau. Mọi kinh phí trong những chuyến đi đều được họ tiết kiệm từ lương hưu, chế độ thương binh, tiền trà nước, quà sáng…

Tuổi cao, sức yếu dần, đường xa, rừng thẳm… nhưng các cựu chiến binh chưa bao giờ nói về nỗi vất vả của mình cũng như chưa bao giờ tìm nguồn tài trợ. Với họ, đó là hành trình đầy tự nguyện, thiết tha và tự trọng.

Cách đây 6 năm, khi đạo diễn Vũ Minh Phương (Điện ảnh Quân đội nhân dân) xin theo đoàn cựu chiến binh để làm phim tài liệu thì ông Hồ Đại Đồng đã nhắc ngay trước lúc lên đường: "Con muốn quay gì thì quay, tuyệt đối không làm ảnh hưởng tới việc của các bố. Các bố vào Chư Tan Kra không phải để làm diễn viên, để trả lời phỏng vấn".

Sau nhiều nỗ lực, thành quả mà nam đạo diễn nhận được là giải Bông sen bạc cho hạng mục phim tài liệu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 diễn ra vào cuối năm 2019.

Đợt tìm kiếm nào cũng vậy, cả đoàn vào đến Tây Nguyên, sẽ có thêm một đàn "con" khác trẻ trung, sôi nổi, nhiệt tình nhập cuộc. Đó là các chiến sĩ của những đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn từng diễn ra trận đánh.

Hành trang của một người lính trẻ khi theo chân các cựu chiến binh.

Hành trang của một người lính trẻ khi theo chân các cựu chiến binh.

Hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thường được tiến hành vào mùa khô, gió cao nguyên thổi bạt người, nắng như rót lửa xuống đỉnh đầu cháy khét, ai lạ nước vừa ngả lưng xuống võng đã sốt sôi sùng sục lên ngay.

Dù vậy, cũng nhiều lần chuyến đi diễn ra ở thời điểm không thuận lợi, điều kiện thời tiết khó khăn. Đặc biệt, không phải chuyến đi nào cũng may mắn tìm được đồng đội. Và cũng không phải cứ tìm được là có thể mang hài cốt trở về… Những cựu chiến binh quay mặt hướng khác và khóc.

Ở các ngôi mộ tập thể, đất đen đã quyện vào nhau. Nhiều hài cốt đồng đội đã hoàn thổ.

Ở các ngôi mộ tập thể, đất đen đã quyện vào nhau. Nhiều hài cốt đồng đội đã hoàn thổ.

Ở các ngôi mộ tập thể, đất đen đã quyện vào nhau. Nhiều hài cốt đồng đội đã hoàn thổ. Khối đất đen dựng đứng hình người, dưới cùng lưỡi xẻng mòn sắp tan vào đất là liệt sĩ Tản, bị bom vùi trong hầm cá nhân.

"Tản đã đứng hơn bốn mươi năm, chắc mỏi chân lắm đấy!" - người cựu chiến binh nói ngắt quãng và im lặng rất lâu.

Ông Hồ Đại Đồng quê gốc miền trung, 2 tuổi đã mồ côi mẹ, theo bố ra Hà Nội định cư. Trước câu hỏi: "Ở chiến trường, ông hay nghĩ về điều gì nhất?", ông đáp: "Tôi nghĩ về lời ru. Lời ru tôi chưa bao giờ được nghe từ mẹ. Đồng đội tôi cũng chẳng kịp nghe khi ngã xuống chiến trường…".

Ở chiến trường, ông hay nghĩ về điều gì nhất?

- Tôi nghĩ về lời ru. Lời ru tôi chưa bao giờ được nghe từ mẹ. Đồng đội tôi cũng chẳng kịp nghe khi ngã xuống chiến trường…

Trận đánh Chư Tan Kra quá khốc liệt. Chỉ trong chớp nhoáng, máy bay trực thăng, phản lực Mỹ đã đồng loạt dội bom. Súng phóng lựu, súng máy, pháo… đua nhau nã. Bộ đội hy sinh khi chưa kịp nghĩ gì, chỉ xông pha như lần cuối.

Hết nghĩ về lời ru, cựu binh lại ước, giá mà đồng đội của ông có thể thốt lên được hai tiếng "Mẹ ơi!" - tiếng gọi đầu tiên, tiếng gọi cuối cùng, ngọn nguồn của hy sinh và sức mạnh.

Cũng như các "bố", mỗi người "con" trong câu chuyện đi tìm liệt sĩ có một hoàn cảnh riêng. Anh Trương Đức Bình có 2 người chú là liệt sĩ Trương Đức Chính (sinh năm 1948) và Trương Văn Khánh (sinh năm 1950), đã hy sinh trên đỉnh gió Chư Tan Kra. Một người chú khác chiến đấu tại đây, trở về là thương binh. Liệt sĩ Trương Văn Khánh nhập ngũ năm 17 tuổi và hy sinh năm 18 tuổi. Câu cuối "Hẹn ngày trở về khi Tổ quốc đã thống nhất" trong một bức thư của liệt sĩ gửi về luôn khiến anh Bình và gia đình rơi nước mắt.

Người nhận được bức thư gửi từ mặt trận từng nói với bố anh Bình trước lúc Trương Văn Khánh nhập ngũ: "Khánh đi là sẽ khó trở về. Hãy suy nghĩ thật kỹ... vì 2 anh ruột của Khánh đang trong quân ngũ rồi...".

Những năm qua, người cháu ấy đã cùng các cựu chiến binh tìm hài cốt liệt sĩ. Anh Bình vẫn chưa tìm được 2 chú của mình, nhưng trong hành trình đầy yêu thương và trắc ẩn, anh dần nhận ra rằng, tất cả liệt sĩ đều như ruột thịt.

Hành trình đi tìm đồng đội của các cựu chiến binh Trung đoàn 209 cũng được tiếp nối bởi những bước chân của thế hệ trẻ, như các phóng viên, biên tập viên của Chương trình Đi tìm đồng đội (kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam). Họ đầy nhiệt huyết, không quản gian khó và giàu lòng trắc ẩn với công việc ý nghĩa này. Có người vì lý do cá nhân mà đã dừng công việc ở chương trình, nhưng vẫn mang theo những bộ hồ sơ, chỉ cần có thời gian là lên đường cùng các cựu chiến binh.

Tháng 3 nghĩa tình với Sa Thầy ảnh 13

Nhiều chuyến đi đã có sự đồng hành của các cựu binh Mỹ với mong mỏi hàn gắn vết thương chiến tranh, hướng tới hòa giải dân tộc.

Nhiều chuyến đi đã có sự đồng hành của các cựu binh Mỹ với mong mỏi hàn gắn vết thương chiến tranh, hướng tới hòa giải dân tộc.

Sự tiếp nối thế hệ là giá trị rất quan trọng và ý nghĩa của hành trình.

Sự tiếp nối thế hệ là giá trị rất quan trọng và ý nghĩa của hành trình.

Bàng quả vuông ở Trường Sa được các cựu chiến binh trồng trên miền đất đỏ.

Bàng quả vuông ở Trường Sa được các cựu chiến binh trồng trên miền đất đỏ.

Ngày xuất bản: 3/2025
Thực hiện: LỮ MAI
Trình bày: NAM ĐÔNG - BẢO MINH