Mong sớm được vào chiến trường
Trò chuyện cùng người lính già từng trải qua lửa đạn chiến trường, CCB Nguyễn Văn Khánh, nguyên là chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, khi tôi đang làm cán bộ đoàn, đội của Trường cấp 1, 2 xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm (Hà Nội), thực hiện Lệnh tổng động viên chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 3-1967, tôi cùng các thanh niên ở địa phương náo nức lên đường nhập ngũ. Chỉ trong tháng 3 và tháng 4-1967, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã có khoảng 1.500 thanh niên ưu tú của quê hương nhập ngũ vào Sư đoàn 312 để xây dựng Trung đoàn 209. Trung đoàn 209 có Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 cùng một số đại đội trực thuộc nhưng phần lớn các chiến sĩ là người Hà Nội, vì thế đơn vị được gọi là “Trung đoàn Thủ đô thời đánh Mỹ”.
Suốt một năm huấn luyện, chiến sĩ Hà Nội ở Trung đoàn 209 được trui rèn về chiến thuật đánh công kiên, đánh tập kích, chống địch đổ bộ đường không và bắn đạn thật; sau đó đơn vị hành quân đến dốc Cun (Hòa Bình) nhận lệnh cấp trên lên đường tham gia giải phóng miền nam. Những ngày sau đó, tại khu rừng già thuộc tỉnh Hòa Bình, cán bộ, chiến sĩ đơn vị của Trung đoàn nhanh chóng tiến hành đổi súng, nhận quân trang, gói ghém đồ đạc gửi lại, nhận thư nhà “đợt vét”…, mọi hoạt động diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương nhưng bảo đảm bí mật. Theo đó, Trung đoàn 209 được trang bị các loại vũ khí bộ binh tốt nhất thời điểm đó như: Súng B41 và lựu đạn chống tăng; các loại súng đại liên K73, trung liên RBD, AK 47, mặt nạ phòng hóa; tăng, võng, trang phục Tô Châu và mũ sắt Liên Xô. Đó cũng là lý do Trung đoàn 209 còn được gọi là Trung đoàn Mũ sắt.
Đầu tháng 2-1968, đúng dịp Tết Mậu Thân 1968, được lệnh của cấp trên, Trung đoàn 209 hành quân bằng cơ giới vào chiến trường, cứ hai tiểu đội lên một xe ô-tô phủ bạt chạy ngày đầu từ Hòa Bình vào Thanh Hóa. Những ngày sau, các xe ô-tô đều để trần, phủ lá ngụy trang chạy theo đường qua nước bạn Lào và đường mòn Hồ Chí Minh. Có đêm, đoàn xe ô-tô của Trung đoàn chạy qua vùng trọng điểm, pháo sáng đầy trời, những người lính trẻ Hà Nội hai tay ôm súng, khuôn mặt lấm lem bụi đất, nhưng trong lòng ai nấy đều phấn khởi và mong xe đi nhanh để sớm có mặt tại chiến trường. Việc chuyển quân của Trung đoàn bị quân Mỹ phát hiện, cho nên chúng cho không quân đánh chặn, làm một xe ô-tô của đơn vị bị lật khiến hơn chục người hy sinh; trong đó, Tiểu đoàn 8 (chiến sĩ đều quê ở Đông Anh) phải chuyển sang hành quân bộ cho phù hợp tình hình chiến sự.
Gần nửa tháng trời xe ô-tô chạy vượt qua các loại địa hình, toàn đơn vị mới đến khu vực phía bên kia sông Sa Thầy, thuộc huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Sau khi vượt sông rồi leo qua ngọn núi Chư Pông, đơn vị chúng tôi đóng quân tại khu rừng Săng Nể - Ngọc Hồi. Đêm đầu tiên tại Kon Tum, toàn đơn vị được xem văn nghệ, có các nhạc sĩ Doãn Nho, Hồng Liên... biểu diễn làm cho tinh thần tư tưởng bộ đội trong đơn vị rất phấn khởi. Những ngày sau đó, đơn vị được học tập chính trị, nghe các chiến sĩ quân giải phóng báo cáo kinh nghiệm chiến đấu, học tập chiến thuật trên sa bàn, chuẩn bị lương thực, bảo quản vũ khí chuẩn bị vào chiến đấu.
Trận đánh quyết tử đầu tiên
Cơ động đến Trạm T3 - vùng ngã ba biên giới trên đất bạn Lào, Trung đoàn 209 thay Trung đoàn 320 nhập vào Sư đoàn 1 và được lệnh của cấp trên đánh trại biệt kích Kleng (căn cứ Lệ Khánh) - mật danh M1, ở phía tây - tây bắc tỉnh Kon Tum. Khi Kleng bị đe dọa, quân Mỹ điều Sư đoàn 4 Sơn cước và Lữ đoàn dù 173 lên Kleng và Đắc Tô, Tân Cảnh để ngăn chặn quân ta. Ngày 21-3-1968, khi Trung đoàn 209 vừa tập kết quân ở khu vực Chư Tan Kra, Chư Tan An, cách Kleng khoảng 10 km, quân Mỹ dùng trực thăng đổ quân một tiểu đoàn tăng cường gồm: Một đại đội pháo 105 mm, ba đại đội bộ binh, cùng lực lượng trinh sát, công binh và sở chỉ huy tiểu đoàn xuống cao điểm 995 (núi Chư Tan Kra), thuộc huyện Sa Thầy, để lập căn cứ hỏa lực FSB12 (gọi là M2) ngay giữa đội hình tập kết của Trung đoàn. Do vậy, Trung đoàn 209 phải bỏ mục tiêu đánh Kleng và buộc phải đánh M2; bởi căn cứ này chặn đường từ Kon Tum về vùng ngã ba biên giới và nằm giữa đội hình tập kết của quân ta.
Với quyết tâm tiêu diệt quân địch, chính trị viên Phan Trọng Bắc và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Trương Ân xung phong nhận mũi chủ công đánh địch tại cao điểm 995. Nếu không đánh địch ở đây quân ta sẽ không thể tiêu diệt được địch ở trại biệt kích Kleng và nếu không đánh sớm, địch sẽ xây dựng căn cứ M2 ngày càng kiên cố. Thực hiện chủ trương càng đánh sớm càng bớt xương máu, cấp trên cho phép ba đại đội cùng đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 7 là mũi chủ công đánh địch ở cao điểm 995; Tiểu đoàn 9 (thiếu một đại đội), đánh hướng thứ yếu tập kích vào cao điểm 995. Như vậy, một Trung đoàn thiếu của quân ta đánh một tiểu đoàn Mỹ trong lô cốt, có chiến hào, công sự, trận địa dã chiến.
Đúng 1 giờ 15 phút ngày 26-3-1968, quân Mỹ phát hiện bộ đội ta di chuyển vào căn cứ M2; khoảng 3 giờ 20 phút, không thể chờ đặc công nổ súng làm hiệu lệnh tấn công vì quá giờ hẹn đã lâu, trời lại sắp sáng, điện thoại không liên lạc được với Trung đoàn, do vậy chỉ huy Tiểu đoàn 7 đã quyết định nổ súng tiến công tiêu diệt quân địch tại cao điểm 995. Cuộc chiến đấu giữa bộ đội Trung đoàn 209 với lực lượng Sư đoàn 4 Sơn cước và Lữ đoàn dù 173 của Mỹ diễn ra rất ác liệt. Địch ở căn cứ M2 có vũ khí, trang bị hiện đại, hệ thống công sự, trận địa kiên cố, lại được không quân, pháo binh chi viện…, do vậy trong chiến đấu đơn vị gặp nhiều khó khăn. Song bộ đội đơn vị đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, nhiều tấm gương như: Đồng chí Lê Nhạc, Đại đội phó Đại đội 1, dù bị thương rất nặng nhưng vẫn anh dũng, kiên cường tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu; Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm, một mình ôm bộc phá xông lên diệt lô cốt địch để bộ đội xung phong và chỉ huy bộ đội chiến đấu cho đến khi hy sinh. Trong trận đánh này, đơn vị đã tiêu diệt 204 lính Mỹ; tuy nhiên đơn vị cũng tổn thất nặng nề, trong đó có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh. Sáng ngày 26-3 năm ấy, các chiến sĩ nuôi quân của đơn vị ở tuyến sau chuẩn bị cơm đợi mà không thấy mấy người về ăn, làm ai nấy đều chảy nước mắt. 70% lính mũ sắt Hà Nội của đơn vị tham gia trận đánh lần đầu trong đời đã không còn có thể trở về nơi đóng quân, một số mất tại bệnh xá tiền phương, còn hầu hết trong số hơn 200 chiến sĩ đã nằm lại trên cao điểm 995 Chư Tan Kra trước lúc trời sáng.
Sau trận đánh, quân Mỹ làm chủ trận địa... Địch còn tổ chức bao vây, chốt chặn đường giao liên qua đèo, cắt đường tiếp tế lương thực của quân ta hai tuần liền. Không có gạo ăn, bộ đội đơn vị phải chia nhau bát cháo loãng, tìm cây rừng, rau rừng để ăn cầm cự cho trận đánh tiếp theo. Trong đó, riêng tại cao điểm 995 núi Chư Tan Kra, Trung đoàn 209 còn tổ chức ba trận đánh lớn. Gần hai tháng chiến đấu tại đây, hơn 400 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209 đã hy sinh.
Sau ba tháng chiến đấu tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Trung đoàn 209 tiếp tục cơ động tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền Đông Nam Bộ, tây nam. Các trận đánh như: Chư Gò Tông, Chư Toác, Chư Beng, Đức Lập, Dầu Tiếng, Công Pông Thom và Sài Gòn đã ghi dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ đơn vị; trong đó, có trận đánh Tiểu đoàn 7 và các đơn vị Trung đoàn 209 đã tiêu diệt cả chiến đoàn địch, diệt 500 tên, bắt sống 334 tên, thu 12 khẩu pháo, 287 súng và gần 100 máy thông tin; bắn cháy 162 xe quân sự các loại tại quốc lộ 13, khi Trung đoàn đã chốt tại đây 150 ngày. Được biết, quân số của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 trước khi vào miền nam chiến đấu có khoảng 2.500 người, nhưng đến Ngày giải phóng miền nam (30-4-1975), điểm lại chỉ còn khoảng 200 người. Tuy có nhiều người chuyển đơn vị, hoặc là thương binh, bệnh binh không ở lại chiến đấu trong đội hình đơn vị cũ, nhưng phần nhiều đã hy sinh, chưa xác định được tên và mộ chí.
Điểm nổi bật trong tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209 đã phát huy được truyền thống và khí phách của người Hà Nội, xây dựng Trung đoàn trở thành đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), trong đó, Tiểu đoàn 8 (Đông Anh) cũng được tuyên dương là đơn vị Anh hùng LLVTND. Những chiến công, thành tích của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312) - “Trung đoàn Thủ đô thời đánh Mỹ” không chỉ là tấm gương sáng, niềm tự hào để thế hệ hôm nay học tập, trân trọng, tri ân, mà còn góp phần thiết thực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để tri ân hơn 400 liệt sĩ Trung đoàn 209 hy sinh trong chiến đấu tại phía bắc Kon Tum, sau khi có kiến nghị của Ban liên lạc CCB Mũ sắt Trung đoàn 209 và Ban Liên lạc tìm đồng đội của đơn vị, năm 2009, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý trích hơn 30 tỷ đồng để xây dựng khu tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ, nhà đón khách dưới chân núi Chư Tan Kra, thuộc huyện Sa Thầy; công trình đã được triển khai xây dựng từ cuối năm 2009 và hoàn thành vào đầu năm 2012. Tại đây, hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động dâng hương, tưởng niệm, tri ân, giáo dục truyền thống; đồng thời đây cũng chính là ngôi nhà chung của các CCB Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.
“Dù chiến tranh đã lùi xa, CCB Trung đoàn 209 chúng tôi lấy ngày 26-3 hằng năm là ngày giỗ trận; đó là trận đánh ám ảnh người lính của cả hai phía suốt hơn 52 năm qua. Hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, CCB mũ sắt 209 chúng tôi ai nấy đều nhắc nhau giữ vững bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Trung đoàn 209 hai lần Anh hùng; đồng thời, nguyện ước: Khi còn sống, hằng năm phải thay nhau vào thắp hương các liệt sĩ, gặp lại linh hồn các anh qua những nén hương thơm, chia sẻ nỗi nhớ nhung Hà Nội của các liệt sĩ: Nằm đây ngắm cảnh núi sông/ Trăng suông gió mát, hương vòng cuộn đưa/ Nằm đây dãi nắng dầm mưa/ Ngóng về Hà Nội sao chưa được về…!”, CCB Nguyễn Văn Khánh, xúc động tâm sự.