Đồng hành cùng người bệnh phong

Trước kia, khi nhắc đến cái tên Trại phong Văn Môn, người ta thường hình dung ra đó là nơi cư ngụ cuối cùng của những người xấu số và mang theo chết chóc, bệnh tật cho xã hội. Ngày nay, bệnh phong dẫu không còn là loại bệnh quá nguy hiểm như trước, song ở Bệnh viện Da liễu Thái Bình (cơ sở 2) đặt tại huyện Vũ Thư vẫn luôn có những con người thầm lặng chăm sóc, chở che cho từng phận đời éo le, già yếu, không nơi nương tựa.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Bệnh viện Da liễu Thái Bình (cơ sở 2), nơi nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 80 bệnh nhân phong.
Một góc Bệnh viện Da liễu Thái Bình (cơ sở 2), nơi nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 80 bệnh nhân phong.

Không nằm trên trục đường chính, Trại phong Văn Môn ẩn mình trên triền đê sông Hồng, đoạn chảy qua xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư. Hiện tại, ở đây có khoảng 80 bệnh nhân phong đến từ 6 tỉnh, thành phố khác nhau. Họ sống chung với những nỗi đau về thể xác và sự mặc cảm về tinh thần, chủ yếu là người tàn tật, sống độc thân, không còn khả năng lao động và được Nhà nước nuôi dưỡng. Ở đây có nhiều bệnh nhân nặng: Mù lòa, liệt cả người không đi lại được, họ là những mảnh đời chắp vá, ghép nối về đây nương tựa những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời.

Bệnh viện Da liễu Thái Bình (cơ sở 2) đặt ở xã Vũ Vân, Vũ Thư, Thái Bình ngày nay, tiền thân là khu điều trị phong Văn Môn, thành lập từ năm 1900. Kể từ năm 1901 đến năm 1944, số lượng bệnh nhân điều trị trong trại lên tới 7.000, đến từ 21 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Tháng 10/1960, trại được đổi tên là Khu điều trị bệnh phong Văn Môn trực thuộc Bộ Y tế. Tháng 10/1979, Bộ Y tế đã chuyển giao cho tỉnh Thái Bình quản lý và dưới sự quản lý trực tiếp của Ty Y tế Thái Bình. Ngày 6/10/2003, theo Quyết định số 379/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh, đổi tên từ Khu điều trị phong Văn Môn thành Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn, trực thuộc Sở Y tế Thái Bình. Đến năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình sáp nhập vào Bệnh viện Da liễu Thái Bình và trở thành cơ sở 2.

Hiện tại, bệnh viện còn khoảng 80 bệnh nhân nặng, chủ yếu già cả, neo đơn, sức khỏe giảm sút, bị cụt chi, thậm chí mù mắt, cho nên hằng ngày, hằng giờ 82 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải rất vất vả hỗ trợ chăm sóc mọi việc từ ăn uống, tắm gội, vệ sinh cá nhân… cho người bệnh. Nhiều người trong số đó đã gắn bó gần như suốt thời gian công tác của mình với bệnh viện phong.

Những thập niên 50-60 của thế kỷ 20, phong bị coi là bệnh nan y, là thứ dịch hạch khủng khiếp, người mắc bệnh thường bị đuổi ra khỏi làng... Đến nay, dù quan niệm đã cởi mở hơn, song nhiều người vẫn tìm cách tránh. Trong khi đó, cán bộ, y, bác sĩ ở đây vẫn hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc trực tiếp, điều trị bệnh nhân phong.

Chúng tôi bắt gặp những điều dưỡng tận tụy, chịu thương, chịu khó bám bệnh viện, giữ nghề hết lòng vì người mắc di chứng của bệnh phong. Các điều dưỡng cho hay, người cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Nhật, năm nay đã 105 tuổi; còn người ở xa nhất là ông Lý Diệu Hoa quê ở tỉnh Tuyên Quang.

Được biết, trước đây đông bệnh nhân, bệnh viện chia làm nhiều dãy nhà, mỗi dãy nhà có từ 8-10 người bệnh, được gọi chung là một gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân ít dần, vì vậy bệnh viện tập trung về hai khu để tiện theo dõi và chăm sóc.

Theo các điều dưỡng viên, phần lớn bệnh nhân phong đến đây từ khi còn nhỏ tuổi. Có người mấy chục năm không bước chân ra khỏi cánh cổng của bệnh viện. Có người thì may mắn còn người thân, nhưng một năm cũng chỉ đến thăm một lần hoặc có khi vài năm mới đến thăm. Ở đây nhiều người thường nhắc tới cụ ông Nguyễn Đỗ Ích quê ở Bình Lục (Hà Nam) và cụ bà Vũ Thị Lỉnh quê ở Ân Thi (Hưng Yên), hai cụ xác định sống chung và đỡ đần nhau cho đến cuối đời.

Mặc dù phải chăm sóc cho hàng chục bệnh nhân nặng, nhưng chị em điều dưỡng viên luôn hiểu hoàn cảnh và tính cách của từng người để động viên, giúp đỡ họ. Nhờ đó, các bệnh nhân phong dần vơi bớt mặc cảm trong cuộc sống. Với những cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng ở đây, chăm sóc, chia sẻ với những người bệnh thiệt thòi là niềm hạnh phúc lớn của người làm ngành y.

Một bác sĩ của bệnh viện chia sẻ: “Cùng chuyên môn da liễu, nếu làm ở bệnh viện tuyến trên, hoặc ra ngoài mở phòng khám tư, chúng tôi sẽ có điều kiện kinh tế tốt hơn, giúp đỡ gia đình. Nhưng nhìn bệnh nhân, toàn những người đáng tuổi bố mẹ, ông bà mình sống cô đơn không con cháu ở đây, thấy thương cảm vô cùng. Lời thề y đức cùng với tình người đã níu kéo chúng tôi ở lại...”.