Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Dung Quất

Nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành triển khai mô hình cộng đồng tham gia quản lý, bảo tồn hệ sinh thái, văn hóa bản địa và phát triển sinh kế bền vững cho cư dân ven biển Khu kinh tế Dung Quất. Với ý thức tự giác, cách làm sáng tạo của người dân thông qua việc thành lập các tổ cộng đồng, mô hình đã tạo hiệu ứng lan tỏa, có ý nghĩa cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Rừng dừa nước Cà Ninh - Điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan, trải nghiệm.
Rừng dừa nước Cà Ninh - Điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan, trải nghiệm.

Theo ông Lê Quang Thích, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi: Trên địa bàn các xã nằm trong Khu kinh tế Dung Quất còn lưu giữ các hệ sinh thái đặc trưng, những giá trị văn hóa, tri thức bản địa rất có giá trị. Tiêu biểu như hệ sinh thái rạn san hô nổi tại Gành Yến (xã Bình Hải), rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận), rừng dừa nước Cà Ninh (xã Bình Phước)... Trong bối cảnh công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra với quy mô lớn và tốc độ tương đối nhanh tại Khu kinh tế Dung Quất đặt ra nhiều thách thức đối với môi trường và hệ sinh thái, bao gồm ô nhiễm không khí, nước, đất, mất rừng và suy thoái nguồn tài nguyên biển, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh kế truyền thống của người dân nơi đây. Thực tế này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, trong đó vai trò của cộng đồng hết sức quan trọng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và phát triển bền vững.

Năm 2022, được sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được cấp thẩm quyền giao chủ trì, phối hợp triển khai mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại các xã của huyện Bình Sơn, gồm: Bình Hải, Bình Thuận, Bình Phước và thị trấn Châu Ổ.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn Nguyễn Ngọc Trân, để triển khai mô hình đạt hiệu quả cao, thời gian qua, huyện tập trung nâng cao năng lực cho các tổ cộng đồng, hỗ trợ cho các tổ cộng đồng xây dựng và thực hiện các phương án bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn các hệ sinh thái hiệu quả, hình thành các điểm kết nối du lịch cộng đồng, bố trí vốn đối ứng để xây dựng sản phẩm, hoàn thiện dịch vụ du lịch OCOP, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Đến nay, đã thành lập được ba tổ cộng đồng gồm: Tổ cộng đồng quản lý bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến, tổ du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái, tổ du lịch cộng đồng Cà Ninh.

Điển hình, từ khi triển khai mô hình bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Bàu Cá Cái do tổ cộng đồng với 26 thành viên trực tiếp quản lý và điều hành, các hoạt động sinh kế, hoạt động du lịch cộng đồng tại đây như: dịch vụ chống xuồng, dịch vụ homestay, dịch vụ ẩm thực hình thành và phát triển, tạo sinh kế cho cộng đồng. Năm 2024, khu du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái đón hơn 12.000 lượt khách tham quan. Từ đầu năm 2025 đến nay đón hơn 4.000 lượt khách, tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Tổ du lịch cộng đồng tại rừng dừa nước Cà Ninh với 17 thành viên tham gia dịch vụ du lịch chở khách tham quan: chèo ghe, thuyền thúng, ca-nô, vịt đạp nước, thuê trang phục... Với lợi thế vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, người dân nơi đây luôn hiền hòa, hiếu khách, nên lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm ngày càng đông. Trong những năm qua có hơn 20.000 lượt khách đến tham quan tại rừng dừa nước Cà Ninh, doanh thu của các hộ kinh doanh và các dịch vụ du lịch cộng đồng khoảng hơn 3 tỷ đồng.

“Các tổ cộng đồng đã vận dụng hiệu quả, sáng tạo mô hình phát triển du lịch tại địa phương. Đặc biệt, tập hợp và phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của thành viên trong việc sáng tạo, thiết kế ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến tham quan tăng đáng kể, người dân có thêm thu nhập. Quan trọng hơn, ý chí muốn làm du lịch của người dân nâng lên, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bảo vệ hệ sinh thái được bảo đảm”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ.

Đánh giá một cách toàn diện kết quả và sự tác động, lan tỏa của mô hình cộng đồng tham gia quản lý, bảo tồn hệ sinh thái, văn hóa bản địa và phát triển sinh kế bền vững cho cư dân ven biển Khu kinh tế Dung Quất, tại hội thảo do Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng, mô hình mang tính thực tiễn độc đáo, đó là hướng đến thúc đẩy sự hài hòa giữa các yếu tố sinh thái-xã hội-phát triển công nghiệp và tìm ra giải pháp sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn. Đây không chỉ là một sáng kiến của Bình Sơn mà còn mang ý nghĩa toàn cầu trong việc định hình một mô hình phát triển bền vững, giúp cân bằng giữa công nghiệp, môi trường và xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhìn nhận: “Nếu tiếp tục thực hành và thúc đẩy mô hình, Dung Quất không chỉ là một trung tâm công nghiệp mà còn trở thành một hệ sinh thái xã hội bền vững đặc sắc, trong đó công nghiệp phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường nhờ các giải pháp phát triển xanh; sinh kế cộng đồng được cải thiện, không ai bị bỏ lại phía sau; du lịch học tập, du lịch sinh thái phát triển, tạo ra các trải nghiệm kết nối thiên nhiên, văn hóa và kinh tế; nông nghiệp và các sản phẩm OCOP được hỗ trợ, tạo ra chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ”.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, các mô hình du lịch cộng đồng đều hướng đến bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa, đóng góp vào sự phát triển bền vững của huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi, song các mô hình này vẫn còn non trẻ. Thời gian tới, để các mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần phải xây dựng, triển khai các giải pháp thiết thực và hiệu quả. Trong đó, vấn đề cốt yếu là chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch từ nền tảng là người dân địa phương, đầu tư xây dựng các yếu tố hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch và hỗ trợ kinh phí từ các nguồn vốn vay ưu đãi cho những hộ dân tham gia làm du lịch, nghiên cứu và đưa ra chính sách marketing hiệu quả cho du lịch cộng đồng...

“Việc gắn kết các chương trình mục tiêu quốc gia trong phát triển nông thôn mới trong đó có chương trình OCOP là một trong giải pháp đúng đắn trong việc kế thừa và phát huy các kết quả của mô hình, từ đó hỗ trợ các tổ du lịch cộng đồng phát triển bền vững”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên, Viện Phát triển công nghệ xanh nhấn mạnh.