Huế - Thành phố môi trường bền vững

Thành phố Huế, thành phố di sản với vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, đang tích cực triển khai các dự án bảo vệ môi trường để xây dựng thành phố xanh, sạch và bền vững. Những dự án này giúp nâng cao chất lượng môi trường sống và thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Huế, một thành phố di sản với vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, đang tích cực triển khai các dự án bảo vệ môi trường để xây dựng một thành phố xanh, sạch và bền vững.
Thành phố Huế, một thành phố di sản với vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, đang tích cực triển khai các dự án bảo vệ môi trường để xây dựng một thành phố xanh, sạch và bền vững.

Dự án môi trường trọng điểm

Một trong những dự án quan trọng nhất trong chiến lược phát triển môi trường của Huế là cải thiện môi trường nước. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 24 tỷ yên Nhật, được thực hiện với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án tập trung cải tạo và xây mới hơn 298 km hệ thống cống thoát nước hỗn hợp, đồng thời xây dựng tám trạm bơm nước thải.

Nước thải sẽ được tách ra tại 96 giếng tách và đưa về nhà máy xử lý nước thải với công suất 30.000m³/ngày đêm, sử dụng công nghệ bùn hoạt tính để xử lý nước. Mục tiêu của dự án là giảm ngập úng, cải thiện chất lượng nước sông Hương và các con sông trong khu vực thành phố Huế. Dự án này giúp giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sống của người dân và góp phần phát triển thành phố bền vững.

Bên cạnh đó, thành phố Huế cũng triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II, với các hạng mục cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường như: hệ thống thoát nước, kè và nạo vét để phòng chống ngập lụt, đồng thời tạo ra các không gian xanh cho đô thị Huế.

Bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao ý thức cộng đồng

Bảo tồn đa dạng sinh học là một ưu tiên trong chiến lược phát triển của Huế. Thành phố tham gia vào các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, điển hình là Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng và Dự án Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học với biến đổi khí hậu. Huế xây dựng và quản lý các khu bảo tồn, phục hồi diện tích rừng, đặc biệt là tại khu vực Tam Giang - Cầu Hai, nơi có hệ sinh thái đầm phá và các loài chim hoang dã quý hiếm.

Các hoạt động trồng rừng, sinh kế dựa vào rừng cũng đã được triển khai, giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương và bảo vệ hệ sinh thái. Các khu bảo tồn này không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn thúc đẩy du lịch sinh thái, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng thành phố xanh là nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Huế đã phát động nhiều chiến dịch truyền thông, điển hình là phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh”, với mục tiêu thay đổi thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Chiến dịch này đã lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng nhựa và túi ni-lon, đồng thời tái chế và xử lý chất thải hiệu quả.

Thành phố Huế tổ chức các chương trình giáo dục môi trường trong trường học, giúp thế hệ trẻ hình thành ý thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ. Đồng thời, các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội cũng tích cực tham gia vào việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến toàn cộng đồng.

Thách thức và giải pháp phát triển bền vững

Theo ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế: Dù đạt được nhiều thành tựu, Huế còn đối mặt với một số thách thức trong việc thực hiện mục tiêu trở thành thành phố xanh và bền vững. Một trong những vấn đề lớn là hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đặc biệt là trong hệ thống thu gom, xử lý chất thải và thoát nước. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác bừa bãi và nhận thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Thêm vào đó, thành phố phải đối mặt những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt và hạn hán; gây khó khăn trong việc duy trì và phát triển các dự án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ từ JICA, Huế có thể vượt qua những thách thức này.

“Trong các năm tiếp theo, thành phố Huế sẽ tiếp tục triển khai các dự án về xử lý chất thải, cải thiện hệ thống thoát nước, bảo vệ đa dạng sinh học, và phát triển giao thông xanh. Thành phố sẽ đẩy mạnh chiến dịch “Ngày Chủ nhật Xanh”, tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường và khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Các mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế sẽ tiếp tục được nhân rộng, đồng thời các chính sách và cơ chế hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ” - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hoàng Hải Minh chia sẻ.

Với những dự án và chiến lược bảo vệ môi trường đầy tâm huyết, Huế đang từng bước xây dựng một thành phố xanh, sạch và bền vững. Đây là một quá trình dài hạn đòi hỏi sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng và các cơ quan chức năng. Tuy còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm và đồng lòng, thành phố Huế sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường và thông minh trong tương lai.