Tạo đột phá trong phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai

Những năm gần đây, chính sách tài chính cho Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai (Quảng Nam) chưa thật ổn định. Gọi là Khu KTM, nhưng thật ra, các cơ chế, chính sách áp dụng tại đây không có gì khác biệt so với các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) thông thường. Song, bằng nỗ lực của địa phương, đến nay, Chu Lai đã thu hút hàng trăm dự án vào hoạt động, tạo bước đột phá trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Cảng Tam Hiệp (Khu kinh tế mở Chủ Lai) được đầu tư, đưa vào hoạt động tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa.
Cảng Tam Hiệp (Khu kinh tế mở Chủ Lai) được đầu tư, đưa vào hoạt động tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa.

Giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách

Mới rạng sáng, nhưng các tuyến đường dẫn vào Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp Ô-tô Chu Lai – Trường Hải (đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) đã rầm rập bước chân của công nhân tiến vào nhà máy. Đưa chúng tôi tham quan các nhà máy vừa đi vào hoạt động, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương nhớ lại, vào năm 2003, khi Khu KTM Chu Lai mới thành lập, theo lời kêu gọi, thu hút đầu tư của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, chúng tôi lặn lội từ Đồng Nai ra đây thăm dò, khảo sát, rồi quyết định xây dựng nhà máy. Quả thực lúc đó khó khăn trăm bề, nhưng nhờ sự động viên kịp thời của địa phương, hỗ trợ tích cực của T.Ư, các nhà máy sản xuất - lắp ráp ô-tô đã nhanh chóng được xây dựng, đưa vào hoạt động và ngày càng lớn mạnh. Đến nay, THACO đã đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng và đưa hàng chục nhà máy tại khu phức hợp vào hoạt động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Riêng năm 2015, THACO đã sản xuất, lắp ráp hơn 72 nghìn xe các loại (tăng 86% so với năm 2014); tiêu thụ gần 80.500 xe (tăng gần gấp hai lần), với doanh thu gần 46 nghìn tỷ đồng (tăng 89%). Nhờ sản xuất phát triển, lượng xe tiêu thụ tăng cao, cho nên ngoài việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, trong năm 2015, THACO đã nộp ngân sách tỉnh gần 10.100 tỷ đồng tiền thuế các loại (tăng gấp hai lần năm 2014) và chiếm khoảng 70% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Tìm hiểu vấn đề tại Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai, chúng tôi được biết, cùng với THACO, đến nay, đã có hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, thăm dò và đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa bàn Khu KTM Chu Lai. Hiện có 110 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 2,021 tỷ USD; trong đó, có gần 70 dự án được đầu tư và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD,... Bước đầu, các doanh nghiệp tại đây đã giải quyết việc làm cho gần 12 nghìn lao động, trong đó, 90% là người dân địa phương. Đồng chí Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại đây, như luồng và bến cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, cầu Cửa Đại, đường ven biển nối phố cổ Hội An đến TP Tam Kỳ, đường nối cảng Tam Hiệp với đường cao tốc,… Tỉnh đã xây dựng 13 khu tái định cư, diện tích hơn 280 ha, với đầy đủ hạ tầng về giao thông, điện, nước và thông tin liên lạc,… bảo đảm đủ chỗ ở cho các hộ dân trong diện giải tỏa; đồng thời xây dựng bốn KCN, với tổng diện tích gần 800 ha để bố trí mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, nhờ đó, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 60% diện tích, riêng KCN Bắc Chu Lai (giai đoạn 1) đã lấp đầy hơn 90% diện tích.

Tạo bước đột phá

Đầu năm 2016, tại Khu KTM Chu Lai, THACO đã chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất xe chuyên dụng hạng nặng và sơ-mi rơ-moóc. Nhà máy được THACO đầu tư gần 150 tỷ đồng hệ thống trang thiết bị hiện đại, dây chuyền công nghệ tiên tiến, có công suất thiết kế 5.000 sản phẩm/năm. Đây sẽ là nguồn cung cấp sơ-mi rơ-moóc và các sản phẩm xe chuyên dụng chất lượng cao, công năng ưu việt, phù hợp nhu cầu sử dụng của thị trường Việt Nam; góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; đa dạng hóa sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu. Theo dự kiến, trong năm 2016, nhà máy sẽ sản xuất 3.000 sản phẩm, gồm 1.200 sơ-mi rơ-moóc, 1.500 sản phẩm thùng ben nhấn các loại và 300 sản phẩm thùng bồn xe chuyên dụng. Phó Tổng Giám đốc THACO Phạm Văn Tài, người có hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất Chu Lai, cho biết: Dựa vào nhu cầu của thị trường, khả năng của đơn vị, trong năm 2016, THACO phấn đấu sản xuất, lắp ráp và tiêu thụ ra thị trường gần 100 nghìn xe các loại, doanh thu đạt khoảng 64 nghìn tỷ đồng và sẽ nộp ngân sách hơn 15 nghìn tỷ đồng... Để thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm 2016, THACO đầu tư thêm và nâng cấp các nhà máy lắp ráp ô-tô và sản xuất linh kiện, phụ tùng lên tầm khu vực với tổng mức vốn đầu tư 2.256 tỷ đồng nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với sản xuất và lắp ráp ô-tô, cuối năm 2015, Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh – Hàn Quốc khởi công dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Anh Hàn Quốc, trên diện tích 90 ha cho giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư 25 triệu USD. Trước đó, tại KCN Tam Thăng, TP Tam Kỳ (thuộc Khu KTM Chu Lai), Tập đoàn Panko đã phối hợp Công ty Duck San Enterprise (Hàn Quốc) xây dựng nhà máy Dệt may Panko Tam Thăng và Nhà máy Dệt, phụ kiện Duck San Vina với tổng nguồn vốn đầu tư 80 triệu USD. Khi các nhà máy này đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ sản xuất gần 100 nghìn tấn sản phẩm dệt may, 24 nghìn tấn sản phẩm nhuộm, 30 triệu tấn phụ liệu dệt may và khoảng 4.800 tấn vải/năm,... đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 15.500 lao động, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Dù đã đạt được những kết quả như vậy, nhưng so với mục tiêu đề ra, đến nay, tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong phát triển Khu KTM Chu Lai. Điều thấy rõ nhất, là qua gần 13 năm xây dựng, Chu Lai chưa thu hút được những dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao từ nước ngoài vào đầu tư. Hơn nữa, số dự án chưa triển khai xây dựng, hoặc “xếp hàng” chiếm đất còn nhiều. Nguồn thu ở Khu KTM hiện nay chủ yếu chỉ trông ngóng vào các nhà máy của THACO, nhưng dự báo nguồn thu này sẽ có chiều hướng giảm xuống trong vài năm tới,…Từ chỗ nhiều dự án chưa được triển khai, hoặc triển khai chậm và không theo đúng cam kết đã làm cho công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư cho người dân trong vùng dự án gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm, gây bức xúc trong nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, Tỉnh ủy đã đề ra nghị quyết, xác định phát triển Khu KTM Chu Lai theo hướng tổng hợp, lấy công nghiệp ô-tô, may mặc và khí - điện làm trung tâm, kết hợp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành dịch vụ như du lịch, đô thị, vận tải hàng hóa và hành khách quốc tế, dịch vụ thương mại. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư nâng cấp, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng như xây dựng tuyến đường ven biển nối TP Tam Kỳ với Núi Thành để kết nối với Dung Quất (Quảng Ngãi) và xây dựng, nâng cấp sân bay Chu Lai thành Cảng hàng không quốc tế; tiếp tục nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà để tàu tải trọng 30 nghìn DWT có thể vào làm hàng thuận lợi. Để xây dựng Khu KTM Chu Lai trở thành KKT trọng điểm của quốc gia, tỉnh đề nghị các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thật sự thông thoáng, vượt trội để thu hút các dự án lớn, nhằm tạo ra bước đột phá đối với Khu KTM này, góp phần thúc đẩy kinh tế miền trung phát triển nhanh và bền vững hơn.