Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), trong năm 2024, từ thông báo của người dân, tổ chức này đã ghi nhận hơn 470 vụ việc, với 1.759 vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo, buôn bán 45.307 cá thể ngoại lai. Các loài ngoại lai thường bị buôn bán phổ biến bao gồm: rùa sul-ca-ta, rùa tai đỏ, thằn lằn, rắn, các loài thú nhỏ và vẹt. Hầu hết được nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam hoặc có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi không được cấp phép và những người chuyên “chơi” sinh vật cảnh.
Hơn 82% số động vật ngoại lai bị buôn bán trái phép thuộc loài bò sát, với 37.048 cá thể rùa, rắn và thằn lằn ngoại lai. Tỷ lệ này với các loài chim là 9% và các loài thú nhỏ khác là khoảng 4% tổng số động vật ngoại lai bị buôn bán. Rùa tai đỏ và rồng đất Nam Mỹ là hai trong số những loài ngoại lai thường bị buôn bán ở Việt Nam. Nằm trong Danh mục loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rùa tai đỏ được biết đến là một trong những loài xâm hại nhất trên thế giới.
Trong khi đó, quần thể rồng đất Nam Mỹ đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài. Một trong những quan ngại chính với hoạt động buôn bán loài ngoại lai là khả năng hình thành quần thể tự nhiên khi chúng bị thả ra môi trường hoặc trốn thoát, đe dọa nghiêm trọng đến sự sống của các loài bản địa khi chúng cạnh tranh về nguồn thức ăn, môi trường sống và từ đó phá vỡ cấu trúc cũng như sự cân bằng hệ sinh thái.
Năm 2024, các cơ quan thực thi pháp luật đã xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến hoạt động buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài ngoại lai. Một số vụ việc đã được đưa ra xét xử, một số vụ việc đang trong quá trình điều tra, xử lý. Ngày 29/11/2024, Tòa án nhân dân thành phố Vinh (Nghệ An) đã tuyên phạt đối tượng Chảo A Lai (trú tại xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) 10 năm 9 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Trước đó, đối tượng này bị lực lượng chức năng phát hiện có hành vi vận chuyển trái phép 416 cá thể động vật hoang dã, chủ yếu là các loài rùa, kỳ đà, rắn ngoại lai (không có phân bố tự nhiên ở Việt Nam). Lai khai nhận được thuê 15 triệu đồng để chở “hàng” từ Hà Tĩnh về Hà Nam.
Ngày 23/11/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng đã xử phạt đối tượng Nguyễn Hữu Hạ (trú tại xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Đối tượng Nguyễn Hữu Hạ đã bị Công an tỉnh Cao Bằng phát hiện và bắt giữ vào giữa tháng 3/2024 khi đang vận chuyển 392 cá thể động vật hoang dã ngoại lai, chủ yếu là các loài bò sát như rùa, rắn…
Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà chia sẻ, việc kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép loài ngoại lai là rất quan trọng nhằm loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người. Những nguy cơ và rủi ro này đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc tăng cường công tác quản lý và giám sát để kiểm soát hoạt động buôn bán các loài ngoại lai đang gia tăng “chóng mặt” ở Việt Nam ngay khi hoạt động này vẫn còn đang nằm trong tầm kiểm soát. Không ai mong muốn tình trạng này ngày càng gia tăng và trở thành một cuộc khủng hoảng đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết các hệ lụy mà chúng đã tác động đến đa dạng sinh học, rủi ro đối với sức khỏe con người và sự an toàn của các loài nguy cấp trên toàn cầu.
Theo Luật Đa dạng sinh học, loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nuôi loài ngoại lai. Cụ thể, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến mức cao nhất là 1 tỷ đồng. Chủ thể có hành vi phát tán các loài ngoại lai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.