Thành phố của đổi mới, sáng tạo
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay vào công cuộc tái thiết với tinh thần khẩn trương, sáng tạo và trách nhiệm. Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố nhớ lại: Khi đất nước mới thống nhất, thành phố đối diện với nạn đói và thất nghiệp tràn lan. Trước tình cảnh đó, Thành Đoàn quyết định thành lập lực lượng Thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới với hơn 10.000 thanh niên, trong đó có không ít người từng là binh lính, công chức chế độ cũ, đã cùng thanh niên, học sinh, sinh viên cách mạng bắt tay vào lao động, sản xuất, dựng xây thành phố sau chiến tranh.
Phong trào thanh niên xung phong không chỉ thể hiện quyết tâm hàn gắn vết thương chiến tranh, mà còn là minh chứng cho tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm của thành phố. Cùng với đó là hàng loạt phong trào như “Bàn tay vàng”, phát triển mạng lưới Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi từ thành phố đến cơ sở, đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới văn minh, tiến bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh: Hành trình phát triển đô thị hiện đại, văn minh
Sự sáng tạo và linh hoạt của thành phố thể hiện rõ trong việc từng bước tháo gỡ cơ chế quản lý cũ kỹ, cứng nhắc. Hàng loạt đơn vị sản xuất đã chủ động “xé rào”, tổ chức lại mô hình sản xuất, liên kết khai thác nguyên liệu, gia công thành phẩm, vượt chỉ tiêu được giao. Những vành đai trắng thời chiến tranh dần được phủ xanh, đời sống nhân dân từng bước ổn định. Chính những “biện pháp tình thế” nhưng phù hợp thực tiễn đã trở thành chất liệu quý cho việc hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng năm 1986.
Tiến vào thời kỳ đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là nơi khởi nguồn nhiều mô hình tiên phong. Là địa phương đầu tiên cả nước thành lập khu chế xuất, Khu Chế xuất Tân Thuận năm 1991, cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng chính sách phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp. Thành phố cũng là nơi đầu tiên thành lập trung tâm chứng khoán, khởi xướng thị trường vốn, quỹ đầu tư phát triển đô thị, phát triển khu đô thị kiểu mẫu, tiêu biểu là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thành phố còn đi đầu về chính sách xã hội, nhân văn. Từ những năm đầu đổi mới, thành phố đã sớm phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, khởi xướng chương trình “Xóa đói giảm nghèo” tạo nên sức lan tỏa sâu rộng, góp phần bồi đắp truyền thống nghĩa tình, nhân ái, một phẩm chất tiêu biểu của người Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Từ thực tiễn sinh động, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổng hợp, nâng tầm nghiên cứu lý luận, góp phần làm sáng tỏ và hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, thể hiện vai trò đi trước mở đường của thành phố mang tên Bác.
Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
Với vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển quốc gia, suốt 50 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành bốn nghị quyết riêng về Thành phố Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 đánh giá: “Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới”. Những định hướng chiến lược này là sự ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong hành trình nửa thế kỷ qua.
Vượt qua đại dịch Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở lại mạnh mẽ, thể hiện năng lực phục hồi và sức bật lớn. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Được, đến năm 2024, thành phố có hơn 230.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 28% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp khoảng 25% ngân sách quốc gia. GRDP quý I/2025 đạt mức tăng trưởng 7,51%, cao nhất kể từ năm 2020.
Thành phố đang chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghệ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó là mô hình đô thị đa trung tâm, hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 là một đô thị ngang tầm khu vực và thế giới.
Năm 2025 cũng là thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn phát triển mới với bước ngoặt lịch sử: mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Với diện tích hơn 6.772 km² và dân số hơn 13,7 triệu người, Thành phố Hồ Chí Minh tương lai sẽ trở thành một siêu đô thị của vùng Đông Nam Bộ, một “cực tăng trưởng” mới có sức lan tỏa quốc gia và khu vực. Không gian phát triển mới sẽ là cơ hội vàng để thành phố tháo gỡ những điểm nghẽn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, nhiều nhân tố mới đang hình thành, hứa hẹn tạo đột phá trong giai đoạn tới: Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tuyến Metro số 1 đi vào hoạt động, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ cùng sự đồng hành, tin tưởng của Trung ương và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước thời cơ vàng để tạo nên những bứt phá mang tính lịch sử. 50 năm nhìn lại là hành trình của niềm tin, bản lĩnh và trí tuệ, với tâm thế vững vàng, tinh thần dấn thân, đổi mới và trách nhiệm, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tỏa sáng, góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc, xứng đáng với tên gọi thiêng liêng: Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu-Thành phố Anh hùng.