Sau cuộc đàm phán Mỹ-Trung, tâm lý lạc quan lan tỏa trên thị trường hàng hóa thế giới

NDO - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, sau cuộc đàm phán tích cực Mỹ-Trung, tâm lý lạc quan lan tỏa trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Lực mua chiếm ưu thế hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,15% lên mức 2.196 điểm. Đáng chú ý, giá đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương đồng loạt tăng mạnh. Ở chiều ngược lại, đồng USD mạnh lên vô tình tạo sức ép lên thị trường cà-phê.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Formosa, Goias, Brazil. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Formosa, Goias, Brazil. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường đậu tương hưởng lợi sau đàm phán

Theo ghi nhận của MXV, thị trường nông sản phản ứng sớm với kết quả của cuộc đàm phán thuế quan. Trong đó, giá đậu tương bật tăng mạnh 1,85% lên mức 393 USD/tấn trong phiên hôm qua. Đáng chú ý, hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu tương và dầu đậu tương cũng đồng loạt tăng mạnh, lần lượt 1,36% lên 328 USD/tấn và 2,78% lên 1.100 USD/tấn.

Sau cuộc đàm phán Mỹ-Trung, tâm lý lạc quan lan tỏa trên thị trường hàng hóa thế giới ảnh 1

Bảng giá nông sản.

Tâm điểm của thị trường trong phiên giao dịch ngày hôm qua không gì khác ngoài kết quả của cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào ngày thứ Bảy 10/5 tại Geneva (Thụy Sỹ). Sau nhiều tháng căng thẳng thương mại, việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí giảm thuế nhập khẩu trong 90 ngày làm thổi bùng tâm lý lạc quan trên thị trường.

Theo thông báo chính thức, hai nền kinh tế lớn nhất đã tiến đến được thỏa thuận cắt giảm mức thuế suất áp lên hàng hóa nhập khẩu từ nước còn lại. Hiện mức thuế mà Mỹ áp dụng đối với các mặt hàng từ Trung Quốc đã giảm từ 145% xuống còn 30%; đối với Trung Quốc, mức giảm là từ 125% xuống còn 10%. Đây là mức giảm đáng kể, mở ra kỳ vọng lớn cho hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là đậu tương, trong thời gian tới.

Đà tăng giá đậu tương càng được củng cố sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo WASDE tháng 5 với loạt số liệu tích cực. Theo đó, tồn kho cuối kỳ vụ cũ giảm xuống còn hơn 9,53 triệu tấn, thấp hơn so với dự đoán của thị trường, trong khi tồn kho vụ mới được khởi điểm ở mức hơn 8,03 triệu tấn, giảm tới 16% so với năm trước và thấp hơn đáng kể so với dự báo trung bình của các nhà phân tích. Thay vì điều chỉnh giảm mạnh xuất khẩu như lo ngại trước đó, USDA chỉ hạ nhẹ dự báo xuất khẩu 952.500 tấn, trong khi tiêu thụ ép dầu được nâng thêm 1,9 triệu tấn, phản ánh triển vọng tiêu dùng nội địa vẫn tích cực. Đồng thời, giá bán trung bình theo kỳ vọng của nông dân cũng được điều chỉnh tăng thêm 30 cent, lên mức 376,63 USD/tấn cho vụ mới.

Sau cuộc đàm phán Mỹ-Trung, tâm lý lạc quan lan tỏa trên thị trường hàng hóa thế giới ảnh 2

Chỉ số MXV-Index.

Trên bình diện toàn cầu, USDA tiếp tục ghi nhận sản lượng đậu tương của Brazil đạt mức cao kỷ lục 175 triệu tấn trong niên vụ 2025-2026, củng cố vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đồng thời, dự báo nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ tăng lên 112 triệu tấn, phản ánh nhu cầu tiêu thụ lớn tại thị trường này. Tuy nhiên, tồn kho đậu tương toàn cầu được USDA dự báo tăng lên 124,33 triệu tấn, cho thấy nguồn cung vẫn ở mức dồi dào và là yếu tố cần tiếp tục theo dõi. Đáng chú ý, Trung Quốc đang đẩy mạnh lộ trình cắt giảm tỷ lệ sử dụng khô đậu tương trong thức ăn chăn nuôi, với mục tiêu giảm xuống dưới 13% vào năm 2025 và chỉ còn 10% vào năm 2030. Xu hướng này có thể khiến áp lực nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc giảm bớt trong các niên vụ tới, qua đó tác động lên cân đối cung-cầu toàn cầu.

Đối với hai mặt hàng thành phẩm, giá dầu đậu tương đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của cả nhóm khi tăng mạnh 2,78% trong phiên vừa qua. Đà tăng này chủ yếu nhờ thông tin gói tín dụng thuế 45Z dành cho nhiên liệu sinh học tại Mỹ nhiều khả năng sẽ được gia hạn đến năm 2031, qua đó tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu đậu tương làm nguyên liệu sản xuất biodiesel.

Giá cà-phê chịu sức ép lớn do tỷ giá

Trái ngược với xu hướng chung trên thị trường, nhóm nguyên liệu công nghiệp trải qua phiên giao dịch kém tích cực khi hầu hết các mặt hàng chủ chốt trong nhóm đồng loạt giảm giá. Trong đó, giá cà-phê Arabica đánh mất gần 4% về mức 8.222 USD/tấn, giá cà phê Robusta cũng giảm hơn 3% xuống còn 5.052 USD/tấn.

Theo MXV, giá cà-phê chịu áp lực giảm mạnh trong phiên vừa qua, chủ yếu do đồng USD tăng vọt sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, cùng với triển vọng nguồn cung tiếp tục được đánh giá tích cực.

Sau cuộc đàm phán Mỹ-Trung, tâm lý lạc quan lan tỏa trên thị trường hàng hóa thế giới ảnh 3

Bảng giá Nguyên liệu công nghiệp.

Chỉ số DXY bật tăng mạnh trong phiên hôm qua, lên mức cao nhất trong vòng một tháng, đẩy tỷ giá USD/BRL tăng 0,26%, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tại quốc gia Brazil.

Về nguồn cung, báo cáo điều chỉnh mới nhất của tổ chức Safras & Mercado công bố cuối tuần qua đã nâng dự báo sản lượng cà-phê Brazil niên vụ 2024-2025 lên 65,51 triệu bao loại 60kg, tăng 4,9% so với mức 62,45 triệu bao dự báo hồi tháng 12 năm ngoái. Safras & Mercado cho biết, điều kiện thời tiết thuận lợi hơn trong tháng 1 và tháng 2 là yếu tố chính thúc đẩy điều chỉnh tăng sản lượng. Dự báo này cũng phù hợp với ước tính mà tổ chức đưa ra hồi giữa tháng 4. Trong đó, sản lượng cà-phê robusta dự kiến đạt khoảng 25 triệu bao, tăng 4,16% so với dự báo tháng 12, còn sản lượng arabica được nâng lên 40,46 triệu bao, tăng 1,15% so với giữa tháng 4 và tăng 5,5% so với tháng 12. Trước đó, cơ quan Conab cũng đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng cà-phê arabica của Brazil lên 37 triệu bao từ mức 34,7 triệu bao dự báo đầu năm, đồng thời nâng tổng sản lượng cà-phê lên 55,7 triệu bao so với 51,8 triệu bao trong dự báo tháng 1.

Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ Succafina, nông dân tại các vùng trồng Robusta chủ lực của Brazil đã bắt đầu thu hoạch cà-phê niên vụ 2025-2026 từ cuối tháng 4, muộn hơn đôi chút so với năm trước. Khảo sát thực địa cho thấy hai bang Espírito Santo và Bahia tiếp tục dẫn đầu về sản lượng, với dự báo khối lượng thu hoạch năm nay có thể vượt các mùa vụ trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và năng suất cao. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận gián đoạn lớn nào tại các vùng trồng Robusta của Brazil. Nhờ đó, sản lượng Robusta toàn quốc được kỳ vọng sẽ đạt mức cao kỷ lục.

Về tình hình thời tiết, những cơn mưa được mong đợi đã xuất hiện tại các vùng trồng cà-phê Tây Nguyên vào cuối tuần trước và dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, tạo điều kiện thuận lợi cho cây cà-phê phát triển. Ngược lại, Brazil dự kiến sẽ đối mặt với tình trạng khô hạn trong 10 ngày tới, kèm theo nền nhiệt cao hơn mức trung bình, có thể ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng vụ thu hoạch cà-phê tại nước này.