Sài Gòn nghĩa tình từ những con hẻm nhỏ

Vùng đất mà nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn xưa vun đắp và bảo vệ trăm năm qua, đã chứng kiến bao cuộc kháng chiến huyền thoại. Vùng đất sản sinh những con người không bao giờ biết khuất phục nhưng luôn bao dung, nhân ái, nghĩa tình, chở che những phận người nghèo khó, những mảnh đời tha hương. Vùng đất hun đúc và hình thành rõ tính cách của người Nam Bộ, người Sài Gòn-Chợ Lớn-TP Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Hẻm 181 đường Bình Thới (Phường 9, Quận 11, TP Hồ Chí Minh).
Hẻm 181 đường Bình Thới (Phường 9, Quận 11, TP Hồ Chí Minh).

Hẻm 181 đường Bình Thới (Phường 9, Quận 11, TP Hồ Chí Minh), sáng tháng tư bình yên đến lạ. Tuy phía ngoài xe cộ như nêm, mà ngay trong ngôi trường mẫu giáo giữa hẻm, tiếng trẻ ê a hát, tiếng cô giáo trìu mến vang lên, nhẹ nhàng ôm ấp. Vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn sản sinh những con người huyền thoại không bao giờ chịu khuất phục cũng là chứng nhân của biết bao sự kiện lịch sử. Không có dân tộc nào không yêu nước, nhưng tinh thần yêu nước của người Việt nói chung, của người Sài Gòn vẫn có những nét riêng có: kiên cường, bất khuất, dũng cảm vô song, không chịu cúi đầu. Vì theo dòng lịch sử, người Việt vào vùng đất này không phải để “ngâm thơ, vịnh nguyệt”. Họ vào đây để mong thoát khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến và cũng để… mưu sinh. Tới vùng đất mà “chim kêu phải sợ, cá vùng phải kinh” nên người Nam Bộ dần hình thành cho mình tính cách phóng khoáng, nghĩa tình, dám đương đầu thử thách, hy sinh vì đại nghĩa. Minh chứng rõ nhất là để chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, với tinh thần chủ động và quyết liệt, lãnh đạo Nam Bộ khi ấy – ông Trần Văn Giàu – đã đưa ra quyết định nổ súng kháng chiến. Quyết định này sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là đúng đắn và kịp thời.

Dịp này, các con, cháu của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sai cũng tề tựu tại căn nhà 181/31/10 trong con hẻm 181, mừng 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tưởng nhớ 32 năm mẹ Sai về trời! Trên bàn thờ mộc mạc đơn sơ theo kiểu Nam Bộ, ảnh mẹ thánh thiện được đặt ở giữa, hai bên là di ảnh hai con trai liệt sĩ Ngô Bá Tòng, Ngô Văn Thật. Lịch sử Đảng bộ Quận 11 ghi: “Từ năm 1938 đến năm 1940, bà và chồng bà đều làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1956, chồng bị bắt, bà may mắn thoát rồi buôn bán rau tảo tần nuôi con, sau đó mua được một chiếc xe Lambro để chở hàng. Mặc dù chiếc xe Lambro là tài sản lớn nhất mà bà có nhưng khi cách mạng cần xe để vận chuyển vũ khí vào nội thành, bà đã giao xe. Năm 1969, tài xế xe Lambro bị bắt và khai ra bà, bà bị tra tấn dã man nhưng kiên quyết không nhận. Một tháng sau ngày miền nam giải phóng, bà đề xuất thành lập đội mai táng miễn phí đầu tiên ở thành phố, là “hạt giống thiện lành và nhân ái” hình thành ra biết bao hành động đẹp khác, về sau!”. Việc nhỏ ấy là minh họa cho dòng chảy “phóng khoáng, nghĩa tình” khi truyền thuyết ghi lại những người Việt xưa lưu cư rồi đến vùng đất này, họ sợ những người đến sau không có nước để uống nên đã làm những nhà bè chứa nước, trên lợp lá ven sông, để hôm nay chúng ta còn đó địa danh Nhà Bè. Những giá trị nhân văn ấy vẫn đang được trao truyền và tiếp nối…

Trước bàn thờ mẹ Sai hương cháy đỏ, tàn cong vút, người con trai Ngô Tấn Quân (Chín Giang) hồi tưởng: Để trả thù cho Tổ quốc và gia đình, tôi tham gia Đội Võ trang Biệt động Thành Đoàn. Tháng 9/1968, Lê Minh Trí từ Mỹ về làm Bộ trưởng Giáo dục, có nhiều đàn áp với phong trào của giới trí thức và học sinh, sinh viên nên cấp trên yêu cầu diệt đối tượng CIA này. Hôm ấy, tôi và các đồng chí Ba Tung, Tư Thừa, Năm Thắng đi hai xe Honda 67. Vũ khí là quả lựu đạn da láng gói thêm 100 gam chất nổ C4, đựng trong một hộp trà. Khi xe chở đối tượng Trí đến ngã tư thì kẹt xe, chúng tôi áp sát, anh Ba Tung giật chốt và ném cả hộp trà vào bên trong. Tôi cầm súng bảo vệ tổ chiến đấu, hai xe dìu nhau thoát an toàn. Hôm sau báo đăng tin “Việt Cộng ném lựu đạn vào xe ô-tô làm chết Bộ trưởng Giáo dục”.

Sài Gòn nghĩa tình từ những con hẻm nhỏ ảnh 1

Ông Ngô Tấn Quân cùng con trai Ngô Kiến Quốc thắp hương tưởng nhớ mẹ Nguyễn Thị Sai và các liệt sĩ Ngô Bá Tòng, Ngô Văn Thật.

Rồi em của ông Ngô Tấn Quân là ông Ngô Tùng Chinh (Bé Đi), con út của mẹ Sai, lại tiếp nhận và vận chuyển 20 đợt vũ khí, trực tiếp chiến đấu trong 8 trận, cùng đồng đội tham gia 4 trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Năm 1969, Bé Đi bị bắt. Nhằm kiên quyết bảo vệ khí tiết, chống chào cờ, chống đàn áp, đòi quyền dân sinh, dân chủ..., Bé Đi đã sử dụng hình thức đấu tranh quyết liệt nhất: tự mổ bụng. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2009.

Những thanh niên họ Ngô này mang trong huyết quản dòng máu nghĩa hiệp, trượng phu và nhân văn sâu sắc. Ấy là khi ập vào nhà một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, trước ánh mắt của những đứa trẻ trong nhà, ông Quân đã không bóp cò. Người sĩ quan này sau đó cũng quay đầu…Ông Quân kể: “Ở miền nam ngày ấy, thanh niên nếu không thoát ly thì phải đi quân dịch. Hơn thế nữa, chúng ta chiến đấu để đem lại hạnh phúc cho nhân dân, nên khi thấy lính công binh ấy không gây hại, tôi cũng mong gia đình anh ấy không phải chịu tang thương như gia đình tôi!”. Tha cho người ở phía bên kia chiến tuyến, vào thời điểm ấy, ông Quân có thể đã đối mặt với sự nghi ngờ, thậm chí chỉ trích. Nhưng đó không phải là hành động nhất thời. Nếu nhìn sâu vào mạch nguồn lịch sử, sẽ thấy quyết định ấy phản ánh phẩm chất đã ăn sâu trong tâm khảm người Việt: lòng yêu nước gắn liền với lòng nhân ái – một truyền thống được hun đúc và trao truyền qua bao thế hệ. Phẩm chất tốt đẹp ấy lưu chảy trong huyết quản và hơi thở của những lưu dân theo dòng mở cõi, tiếp tục hòa kết, sinh sôi, làm nên phẩm chất của con người nhân hậu. Phải chăng vì lẽ đó, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi “mở cửa” sớm nhất, và được các “cựu thù” tìm đến giao thương nhanh nhất?

Từ con hẻm 181 ấy, những người con của mẹ Sai lớn lên, trưởng thành, sau khi giã từ binh nghiệp vẫn toàn tâm toàn ý đóng góp sức mình cho xã hội, thương yêu giúp đỡ và trả ơn những người đã cho họ “sống một cuộc đời đáng sống!”. Nếu như ông Chinh tuy tuổi cao sức yếu vẫn đảm nhiệm chủ tịch một quỹ chuyên xây dựng, sửa nhà cho gia đình đồng đội thì ông Quân dù đang bạo bệnh vẫn tích cực vận động làm được công trình đê bao chống lũ cho vùng chiến khu xưa. Các cháu nội của mẹ Sai như Ngô Kiến Quốc, Ngô Tấn Quốc; người chắt Ngô Trường An là những đảng viên giàu nhiệt huyết, tận tâm cống hiến cho cộng đồng.

Từ ngày 29/4 đến 31/10/2021, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Quận 11 phức tạp với 19.219 ca nhiễm, 432 ca tử vong. Bất chấp hiểm nguy, những người trẻ này đã xung phong vào tâm dịch, góp sức cùng chính quyền chăm lo an sinh xã hội, vận chuyển hàng hóa vật tư y tế, tham gia các tổ chăm sóc người nhiễm tại cộng đồng, làm tình nguyện viên các đội xử lý thi hài…

Đã có nhiều nghiên cứu đúc kết các giá trị tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, là: yêu nước, thương người, kiên trung, tôn sư trọng đạo... Sắc thái văn hóa Sài Gòn, Nam Bộ vừa có những điểm chung với văn hóa dân tộc, vừa có những nét đặc trưng riêng. Theo một khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong các đặc trưng tính cách nổi bật của người dân thành phố được nhiều ý kiến đồng tình là: nghĩa tình, có ý chí làm giàu, sáng tạo, đoàn kết, tư duy đổi mới, vượt khó, tôn trọng pháp luật thì phẩm chất “nghĩa tình” đã nhận được tỷ lệ đồng thuận cao nhất, đến 65,42%. Phẩm chất này phải chăng đã là máu thịt, ruột gan hình thành nên tính cách người Nam Bộ, người Sài Gòn, người TP Hồ Chí Minh.

Thế nên thành phố mới là nơi khởi phát nhiều phong trào lớn của đất nước: xóa đói, giảm nghèo, thanh niên tình nguyện, hiến máu nhân đạo, bảo trợ bệnh nhân nghèo, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, vì Trường Sa thân yêu… TP Hồ Chí Minh còn là nơi xuất phát hình ảnh những bình nước mát, những quán cơm 2.000 đồng, ATM gạo trong những ngày dịch dã, là các quán “cơm treo”… Nhà văn Sơn Nam, người được mệnh danh là “ông già Nam Bộ” đã viết đại ý rằng, người Việt đi về phương nam với quãng đường quá dài và quá lâu, vậy nên những gì rườm rà thì họ vứt bớt đi cho nhẹ gánh. Có lẽ vì vậy mà trong giao tiếp, người Sài Gòn thường ngắn gọn, dứt khoát, rành mạch, dễ hiểu theo kiểu “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “thương người như thể thương thân”. Cái tư duy ấy sẵn có từ trong công cuộc mở đất, trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng kinh tế, đã lan tỏa một cách tự nhiên dù những người đến với mảnh đất này, có thể xuất thân từ nhiều quê hương khác nhau.