Quy trình giải quyết chế độ ốm đau, thai sản trên Cổng dịch vụ công từ ngày 1/7/2025

NDO - Quy trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm 2 bước. Quy trình sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
0:00 / 0:00
0:00
Quy trình giải quyết chế độ ốm đau, thai sản trên Cổng dịch vụ công từ ngày 1/7/2025

Ngày 27/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 1674/QĐ-BHXH về quy trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Cơ quan Bảo hiểm xã hội khu vực và bảo hiểm xã hội cấp huyện; tổ chức, cá nhân đề nghị giải quyết hưởng các chế độ nêu trên.

Quy trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm 2 bước như sau.

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ điện tử

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cơ quan bảo hiểm xã hội huyện/khu vực tiếp nhận Mẫu số 14B-HSB và Mẫu số 01D-HSB do các cá nhân, tổ chức kê khai hoặc gửi trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam; kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của các thông tin; chuyển Bộ phận/Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội cơ quan bảo hiểm xã hội huyện/khu vực trên phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thiếu thông tin hoặc thông tin đối chiếu không khớp với dữ liệu đang quản lý, trong thời gian không quá 1 ngày làm việc, lập Mẫu số 03/TB-GDĐT (quy định tại Quyết định số 838/QĐ-BHXH ngày 29/5/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bảo hiểm thất nghiệp) gửi vào địa chỉ email cho tổ chức, cá nhân để biết và hoàn thiện hồ sơ.

Bước 2. Giải quyết hưởng

Bộ phận/Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội cơ quan bảo hiểm xã hội huyện/khu vực thực hiện:

- Đối chiếu thông tin từ các Mẫu số 14B-HSB và Mẫu số 01D-HSB do cá nhân, tổ chức gửi đến trên phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ với thông tin liên quan đến việc giải quyết hưởng của từng chế độ ốm đau, thai sản trong Dữ liệu điện tử liên thông và Dữ liệu quá trình đóng bảo hiểm xã hội của từng người lao động đang quản lý; xác định điều kiện hưởng và mức hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; lập Mẫu số C70a-HD, C70b-HD và D03-TS trình lãnh đạo phê duyệt, ký điện tử.

- Chuyển các biểu mẫu trên phần mềm xét duyệt chính sách (TCS):

Chuyển Mẫu số C70a-HD, C70b-HD cho Bộ phận Tài chính - Kế toán/Phòng Kế hoạch - Tài chính để chi trả theo quy định.

Chuyển Mẫu số D03-TS cho Bộ phận Quản lý thu/Phòng Quản lý thu và phát triển người tham gia để cấp thẻ BHYT đối với cá nhân đủ điều kiện.

Chuyển Mẫu số C70a-HD và C70b-HD cho Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả để lưu trữ hồ sơ, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân và cập nhật kết quả giải quyết vào kho giấy tờ, kết quả trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thời hạn giải quyết và chi trả các chế độ tối đa 6 ngày làm việc đối với tổ chức; tối đa 3 ngày làm việc đối với cá nhân - kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Trong tổ chức thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao Bảo hiểm xã hội khu vực có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai quy trình này. Qua đó, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 và Quyết định số 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc liên thông điện tử dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, dữ liệu dân cư, dữ liệu hộ tịch để giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Văn bản phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân trong quản lý sử dụng tài khoản truy cập ph ần mềm và tổ chức thực hiện các bước theo quy trình, bảo đảm: chi trả kịp thời, đầy đủ cho người hưởng; phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản; kịp thời phản ánh những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện về Bảo hiểm xã hội Việt Nam (qua Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội).

Văn bản cũng quy định về trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai việc thực hiện quy trình này; kịp thời đề xuất giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số kịp thời điều chỉnh, bổ sung chức năng trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các phần mềm nghiệp vụ đáp ứng việc thực hiện quy trình này; đề xuất giải quyết vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành dịch vụ công trực tuyến để thực hiện quy trình này.

Các đơn vị liên quan trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ; kịp thời phản ánh những vướng mắc phát sinh gửi Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Quyết định số 1674/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 1995 đến hết năm 2024, hệ thống của cơ quan này đã giải quyết hơn 172 triệu lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác liên quan. Trong đó, năm 2024 có khoảng 8,8 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tăng 8 lần so với năm 2000 (1,1 triệu lượt).

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 cũng gia tăng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, đồng thời, hoàn thiện toàn bộ hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng đa tầng, linh hoạt và bao trùm.

Cụ thể, về chế độ thai sản, Luật bổ sung quy định điều kiện hưởng đối với lao động nữ sinh con. Theo đó, lao động nữ chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con.

Luật cũng sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết. Người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Luật còn bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây được xem là một trong những bước tiến mới nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Lao động nữ là người dân tộc thiểu số, hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, khi sinh con, ngoài chế độ thai sản theo quy định vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ.

Cùng với đó, bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động không chuyên trách ở cấp xã thay vì chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành.