Buông lỏng quản lý, xuất hiện tiêu cực
Hàng loạt các vụ việc hàng giả bị phát hiện trong thời gian gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận xã hội. Đáng chú ý, những mặt hàng bị làm giả ngày càng đa dạng, phương thức tiêu thụ ngày càng tinh vi, từ những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... đến các mặt hàng như điện tử, linh kiện ô-tô, thời trang…cũng được các đối tượng làm giả và đưa ra thị trường.
Ngoài trách nhiệm của các đối tượng trực tiếp sản xuất, tiêu thụ hàng giả, người dân cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết thì chỉ có hai khả năng: một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực.
Nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm ( Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cùng 4 người khác bị khởi tố với cáo buộc có hành vi nhận hối lộ liên quan đến đường dây sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả là thí dụ điển hình cho những tiêu cực. Họ là những người trực tiếp quản lý, kiểm soát, kiểm định chất lượng nhưng lại cố tình để hàng giả được đưa ra thị trường. Đây là điều khó có thể chấp nhận.
Một số đại biểu Quốc hội đánh giá công tác hậu kiểm thời gian qua còn lơ là, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn thiếu trách nhiệm. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp, các cơ quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về công tác hậu kiểm. Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai thì cho rằng, nhiều vụ việc như sữa giả, thuốc chữa bệnh giả xảy ra trong thời gian qua cho thấy, công tác quản lý còn chưa thực sự hiệu quả. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng vẫn còn lỏng lẻo, cần phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn, bên cạnh vấn đề đạo đức của các nhà quản lý.
Ngoài trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, thì còn đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương khi hàng trăm tấn hàng giả được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn nhưng chính quyền lại không hề hay biết, trong khi đó, để làm được việc này cần phải có kho bãi, vận chuyển…
Hàng giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, rất nhiều hàng giả hiện nay được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội và các sàn giao dịch. Với sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý để tuồn hàng giả lên các nền tảng như Facebook, TikTok, Shopee, Lazada… Các sản phẩm bị làm giả được quảng bá bằng hình ảnh bắt mắt, giá bán thấp hơn thị trường từ 30-70%, khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa.
Theo Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công điện nêu rõ, sẽ xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Hoàn thiện quy định pháp luật để kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đang được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã nâng mức phạt (dự kiến) tiền đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả và một số tội danh liên quan sẽ được nâng lên gấp hai lần. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội. Trước đó, Quốc hội đã xem xét sửa đổi quy định của Luật Quảng cáo, gắn trách nhiệm của người có ảnh hưởng đến công chúng.
Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, việc quản lý thực phẩm chức năng liên quan đến các bộ: Y tế, Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc quản lý, giám sát thì phần lớn Bộ Y tế đã phân cấp, ủy quyền cho các tỉnh, thành phố và các sở y tế, Bộ Y tế chỉ quyết định về tiêu chí, tiêu chuẩn. Cách quản lý đó đã bộc lộ những bất cập, chồng chéo, khi các vụ việc hàng giả bị phanh phui, thì các bộ, ngành đùn đẩy trách nhiệm.
Chính vì vậy, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/5, các cơ quan cần khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Thủ tướng cũng yêu cầu xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường... trong quản lý an toàn thực phẩm; phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước.
Trận chiến chống hàng giả không chỉ chuyện của riêng lực lượng chức năng, mà là vấn đề của toàn xã hội. Khi người tiêu dùng vẫn thiếu tỉnh táo, ham mua hàng giá rẻ và kẽ hở pháp luật chưa được lấp đầy, ma trận hàng giả sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, việc những người nổi tiếng như Hoa hậu quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs bị khởi tố cho thấy, pháp luật đang ngày càng nghiêm minh hơn trong việc xử lý các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.