Hồi sinh các giống lúa bản địa tại Thái Bình

Tận dụng điều kiện tự nhiên, khí hậu, tiềm năng đất đai, đặc biệt là những giống lúa bản địa, nhiều năm qua tỉnh Thái Bình đã phục tráng và hồi sinh các giống lúa mang tính đặc trưng của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed bên giống lúa nếp Bể được phục tráng thành công.
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed bên giống lúa nếp Bể được phục tráng thành công.

Giống lúa thuần bản địa có tên gọi nếp Bể (hay nếp Keo) tại huyện Vũ Thư trước đây bị mai một, diện tích sụt giảm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát triển của địa phương và doanh nghiệp, nếp Bể đã hồi sinh và bước đầu có chỗ đứng trên thị trường.

HỒI SINH GIỐNG LÚA BẢN ĐỊA

Từ năm 2021, Tập đoàn ThaiBinh Seed đã triển khai đề tài nghiên cứu bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa nếp Bể Vũ Thư để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Bình. Qua đánh giá của các nhà chuyên môn, giống lúa nếp cổ truyền này đang bị thoái hóa giống cho nên mất đi một số đặc điểm, vốn quý trước đây. Sau ba năm thực hiện, Viện Nghiên cứu cây trồng thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã phục tráng thành công giống lúa này với những ưu điểm, như: Cây sinh trưởng và cho năng suất cao hơn, chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo thơm, ngon đặc trưng.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: “Là doanh nghiệp khoa học công nghệ, chúng tôi xác định rõ phải chung tay và có trách nhiệm góp phần bảo tồn nguồn gen quý bản địa. Ðây cũng nằm trong mục tiêu của đơn vị trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu và chọn tạo các giống cho năng suất, chất lượng cao hơn nữa và đích cuối cùng là phải xây dựng được thương hiệu lúa gạo Thái Bình”.

Giống lúa nếp Bể đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ra quyết định công nhận giống lưu hành đặc cách. Việc cấp lại “căn cước công dân” cho giống lúa không chỉ làm lành mạnh hóa thị trường giống cây trồng mà còn tạo cơ hội cho thương hiệu gạo nếp Bể làng Keo vươn xa hơn. Với những giá trị riêng có của mình, gạo nếp Bể làng Keo của xã Duy Nhất đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng 3 sao.

TẠO DỰNG THƯƠNG HIỆU GẮN VỚI BẢN SẮC ĐỊA PHƯƠNG

Tại huyện Quỳnh Phụ, nhận thấy cần phục hồi và tạo dựng thương hiệu cho giống lúa nếp cái hoa vàng - đặc sản của địa phương, vài năm gần đây Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Thái đã xây dựng vùng sản xuất riêng và phát triển thành sản phẩm gạo Mễ Thương đặc biệt thơm ngon. Chủ tịch xã Đoàn Đức Hợp cho biết, với những người yêu cây lúa và yêu lịch sử, chắc chắn khi nghe đến gạo Mễ Thương đều rất hứng thú; nó bắt nguồn từ tên kho gạo của thời Trần, khi tinh thần đoàn kết dân tộc đã tạo nên những kho lương thực lớn giúp binh sĩ có sức chiến đấu chống quân thù.

Sản phẩm gạo Mễ Thương giữ trọn vẹn những đặc điểm của giống lúa nếp cái hoa vàng đặc sản. Hạt gạo mầu trắng sữa, mẩy và thơm ngào ngạt. Khi nấu lên gạo vẫn giữ nguyên hạt, tơi ráo và đặc biệt dẻo thơm, vị đậm đà; khi nguội xôi vẫn giữ được độ dẻo, mềm. Sản phẩm gạo Mễ Thương là niềm tự hào của người dân Quỳnh Phụ về một giống lúa quý, phù hợp thổ nhưỡng xã An Thái mà không nơi nào có được. Hiện Gạo Mễ Thương đã được bày bán tại các điểm bán nông sản tại tỉnh Thái Bình và các địa phương lân cận.

Làng Thượng Liệt có tên Nôm là làng Giắng thuộc xã Đông Tân, huyện Đông Hưng. Nơi đây gần cửa sông Hồng, sông Trà Lý nên đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Cũng bởi “thiên thời, địa lợi” mà hạt thóc gieo cấy trên những cánh đồng làng Giắng được đánh giá vượt trội hơn so với nơi khác, như: mẩy đều, hạt gạo dài nhỏ, hơi đục. Khi nấu thành cơm thì mềm, dẻo, có vị thơm, đậm. Để có hạt gạo đạt tiêu chuẩn phải lựa chọn từ khâu giống, gieo cấy, chăm bón đến thu hoạch, bảo đảm lúa thuần không tạp lẫn.

Sau khi thu hoạch bắt buộc phải đưa ngay tới lò sấy để bảo đảm giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên của gạo, làm tăng giá trị sử dụng của sản phẩm. Để giữ lại hồn cốt hạt gạo làng Giắng, Hợp tác xã sản xuất dịch vụ gạo chất lượng cao xã Đông Tân ra đời, thực hiện giám sát, điều hành, quản lý quy trình sản xuất từ khi xuống giống đến việc đóng gói trong bao bì chuẩn quy cách, có truy xuất nguồn gốc. Gạo làng Giắng được công nhận là sản phẩm OCOP đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp Thái Bình có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Không chỉ tăng về quy mô, diện tích mà các sản phẩm gạo đang dần khẳng định thương hiệu và nâng tầm giá trị nông sản. Thái Bình đã sản xuất được loại gạo ngon nhất thế giới tại vùng đất nhiễm mặn của tỉnh, xây dựng nhãn hiệu Gạo 3T đạt chuẩn và đề nghị xếp hạng 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Một số sản phẩm lúa gạo được bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, đó là: Gạo làng Giắng, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng; gạo thơm 14-10, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải; gạo chợ Gốc, xã Bình Thanh, huyện Kiến Xương… Đây là cơ sở thực tiễn để Thái Bình xây dựng sản phẩm lúa gạo mang thương hiệu đặc trưng và giàu bản sắc truyền thống.