Những miền quê xanh đáng sống ven biển

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực cao, huyện ven biển Tiền Hải đang trở thành địa phương có cách làm hay, sáng tạo trong đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao của tỉnh Thái Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Hội Cựu chiến binh xã An Ninh tích cực tham gia điều tiết giao thông, xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn”.
Hội Cựu chiến binh xã An Ninh tích cực tham gia điều tiết giao thông, xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn”.

Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh thôn Trình Trung Đông, ông Phạm Ngọc Tú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Ninh hồ hởi cho biết: Đây là mô hình thôn thông minh, mạng wifi được phủ sóng miễn phí để người dân truy cập đọc báo, xem tin tức tại nhà văn hóa thôn, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, toàn xã còn có 7 điểm cung cấp wifi miễn phí cho tất cả cán bộ và nhân dân nằm ở trụ sở xã, bưu điện văn hóa xã, các trường học và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Ngoài ra, chính quyền địa phương thành lập 5 Tổ công nghệ số cộng đồng thôn. 70% người dân xã An Ninh đã được tập huấn, phổ biến kiến thức kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp; 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử.

Lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Bình quân thu nhập đầu người ở xã đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm. Với một loạt các chỉ tiêu đạt và vượt, An Ninh đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Tiền Hải năm 2024.

Tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Nam Cường, để đạt được tiêu chí đề ra chính quyền sở tại có cách làm hay, phát huy được thế mạnh của địa phương. Hiện nay, Nam Cường có 6 sản phẩm OCOP (gạo sạch Nam Cường, nước mắm Tiền Châu, tôm nõn Tiền Châu, tép tươi Biển Đông, tinh dầu hương nhu và tinh dầu sả chanh) mang lại giá trị kinh tế cao.

Các sản phẩm đều được giao dịch sôi động trên sàn thương mại điện tử, được nhiều khách hàng biết đến. Để thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Nam Cường triển khai nhiều cuộc vận động thiết thực như: Hội Cựu chiến binh với phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động phong trào “Phân loại, xử lý rác thải rắn tại nguồn”; Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp có mô hình “Sản xuất gạo sạch Nam Cường”...

Trong suốt thời gian xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã huy động khoảng 39 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng 37 công trình, trong đó có cả nguồn vốn do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Ông Lại Hồng Thăng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tiền Hải cho hay, qua báo cáo của các xã, việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao tại Tiền Hải rất lớn. Tại xã nông thôn mới kiểu mẫu An Ninh hơn 14 tỷ đồng; xã nông thôn mới nâng cao Nam Thịnh hơn 24 tỷ đồng; xã nông thôn mới Phương Công hơn 21 tỷ đồng.

Đặc biệt, xã Tây Giang đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với tổng nguồn lực đầu tư lên tới 200 tỷ đồng. 100% các tuyến đường trục xã qua khu vực dân cư có rãnh thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng dọc tuyến bảo đảm tầm nhìn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; cảnh quan, môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Cả ba trường học đều đạt trường chuẩn quốc gia mức độ II. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn ngày một phát triển. Nhà văn hóa các thôn có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời; các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên.

Diện mạo nông thôn ở xã Tây Giang đổi mới từng ngày, đời sống người dân ngày một nâng cao. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0,35%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 85%; 100% người dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Với cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở Tiền Hải, tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng đã ký quyết định phân bổ kinh phí thưởng cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, huyện Tiền Hải là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong phong trào này. Cụ thể, trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có 2 xã là Nam Cường và An Ninh được chính quyền tỉnh thưởng 5 tỷ đồng/xã; còn đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương có 7 xã được Ủy ban nhân dân tỉnh thưởng với mức 3 tỷ đồng/xã gồm: Đông Hoàng, An Ninh, Nam Cường, Tây Lương, Tây Ninh, Nam Thịnh và Phương Công.

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cho biết: Địa phương biết phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực và chủ động triển khai, không trông chờ, phụ thuộc vào cấp trên. Công tác vận động, tuyên truyền vẫn là điểm mấu chốt để lan tỏa phong trào xuống từng xóm ngõ, từng người dân.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung khơi dậy, phát huy những thế mạnh sẵn có tại từng địa phương, lấy đó làm trụ cột để nâng tầm và thúc đẩy các lĩnh vực, phong trào khác cùng phát triển một cách đồng đều, thực chất. Kế hoạch đề ra trong năm nay, Tiền Hải phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Cùng với việc hoàn thành các tiêu chí, huyện cũng chỉ đạo các xã xây dựng ngay phương án để giữ vững các tiêu chí một cách bền vững. Tinh thần chung là xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng và tất cả để phục vụ nhân dân, chính nhân dân cũng là người làm và trực tiếp thụ hưởng thành quả hiện nay ■