Ông giáo làng và bộ sưu tập đồ đá cổ

NDO -

NDĐT- Một ông giáo làng ở huyện Bố Trạch tặng Bảo tàng Quảng Bình 28 hiện vật đồ đá quý hiếm gồm các loại lưỡi cuốc, rìu, bôn, mảnh tước mà người Việt cổ dùng sản xuất. Ông là thầy giáo Lê Quốc Tường, giáo viên dạy lịch sử trường THCS Phú Ðịnh, Bố Trạch.

Những rìu đá cổ mà thầy giáo Lê Quốc tường sưu tập được.
Những rìu đá cổ mà thầy giáo Lê Quốc tường sưu tập được.

Gần 30 sưu tầm hiện vật đồ đá cổ

Thầy giáo Lê Quốc Tường kể, năm 1985 khi được phân công dạy môn lịch sử cho học sinh lớp 6, ông bắt đầu dành thời gian để sưu tập, tìm kiếm tư liệu nhằm tạo sự sinh động cho bài giảng. Ban đầu là những mẫu tranh, ảnh tư liệu, sau là các hiện vật liên quan đến chiến tranh.

Trong một lần sau giờ giảng, một cậu học trò rụt rè đưa cho thầy một mảnh đá thon nhỏ gần như được gọt đẽo tinh tế. Ông liên tưởng mảnh đá có điều gì đó rất giống với rìu đá của người Việt cổ mà thường thấy trong tài liệu, sách báo. Nhưng sao nó lại ở đây? Em học sinh cho biết là em nhặt được nó dưới lòng suối trong một lần đi chăn trâu.

Ít hôm sau, ông tình cờ gặp một người nông dân đang cố mài miếng đá giống với mảnh đá mà cậu học sinh đưa cho ông. Ông dừng lại hỏi thì được biết, người này mài miếng đá để pha cho con uống bớt quấy khóc. Miếng đó là đá gì thì người kia bảo đó là lưỡi tầm sét của thiên lôi cắm xuống đất Phú Định. Ông không tin điều đó.

Về nhà ông mang ngay mảnh đá cậu học sinh đưa ra tra cứu, tìm hiểu, đối chiếu với các tài liệu. Bằng những kiến thức về phương pháp nghiên cứu lịch sử trong những năm được đào tạo bồi dưỡng, thầy Tường khẳng định đây đúng là rìu đá của người Việt cổ. Nhưng sao người nông dân kia cũng có rìu đá, chứng tỏ rằng ở Phú Định có những thứ này.

Sáng sau, mang hiện vật rìu đá lên nói chuyện trên lớp, thầy Tường giải thích học sinh biết và đề nghị bố mẹ không chữa bệnh theo cách phản khoa học, đồng thời phát động phòng trào nhỏ “chúng em làm khảo cổ” nhằm khuyến khích học sinh thu thập, tìm kiếm các hiện vật bằng đá cổ.

Kết quả thật bất ngờ chỉ trong một thời gian ngắn, các học sinh lớp 6 đã tìm thấy nhiều hiện vật rìu đá cổ từ lòng khe suối, từ những lần chăn trâu trên nương. Có em tìm được hai hiện vật rìu đá gửi cho thầy. Cứ em nào tìm được, thầy cho điểm 10 nên ai cũng vui.

Gần 30 năm theo nghề dạy học cũng là chừng ấy thời gian thầy Lê Quốc Tường theo đuổi công việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật đá cổ. Bộ sưu tập có 50 hiện vật nhưng thầy gửi tặng một số cho giáo viên trong trường và người thân quen làm kỷ niệm, chỉ giữ lại 36 hiện vật, trong đó chủ yếu là các loại rìu đá.

Thầy trân trọng lưu giữ cẩn thận các hiện vật tìm được, chia từng loại rìu vai ngang, rìu vai xuôi, lưỡi cuốc, bôn, mảnh tước thành từng hộp dùng làm bộ đồ dùng dạy học; đồng thời tiếp tục tra cứu tài liệu khảo cổ để nghiên cứu, tìm hiểu về thời kỳ xuất hiện các hiện vật đồ đá tại Quảng Bình, về những di chỉ của các nền văn hoá trong khu vực.

Giờ học sử (phần thời nguyên thủy của Việt Nam) đối với các học sinh lớp 6 Trường THCS Phú Định là vui nhất, sinh động nhất. Thầy giáo Lê Quốc Tường sử dụng những rìu đá, bôn đá để giảng giải cho các em nghe về đời sống của người Việt cổ. Các công cụ bằng đá đơn sơ buổi đầu bình minh ấy cho thấy bước tiến dài của người Việt trong lịch sử.

Thông qua các công cụ đồ đá thời nguyên thủy, thầy Tường đã thổi vào đó sự sinh động để học sinh đam mê hơn, yêu thích hơn với môn lịch sử.

Địa chỉ khảo cổ học cần sớm được nghiên cứu

Thầy Lê Quốc Tường cho rằng, giá trị của những hiện vật mà ông sưu tập được không phải ở số lượng mà chính là sự đa dạng, phong phú về chủng loại, hình thức và chất liệu đá. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để các nhà khảo cổ học tiếp cận, tìm hiểu và có những lý giải sâu hơn về dấu tích của người Việt cổ ở vùng đất Phú Định này.

Đặc biệt, ngoài những mẫu vật rìu Hoà Bình, Quỳnh Văn, Hạ Long, Phùng Nguyên, Bàu Tró, thầy Tường còn sưu tập được một mẫu vật rìu đá Bắc Sơn. Đây là những hiện vật mà những nhà khảo cổ học trong và ngoài nước chưa phát hiện được trong những lần khai quật vào các năm 1923 và 1980 tại Quảng Bình.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Vùng đồi Phú Định có gì khác biệt mà ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử thông qua việc phát hiện được nhiều hiện vật đồ đá của người Việt cổ”? Thầy Tường nói: “Theo suy nghĩ của tôi, Phú Định là một vùng đất khá đặc biệt, với địa hình nhiều hang đá, rèm đá, khe suối nên có thể người nguyên thuỷ di cư, đến đây cư trú tạm thời. Và có thể tại đây đã diễn ra việc trao đổi công cụ sản xuất giữa các nhóm người, từ đó tạo sự có mặt những hiện vật của các nền văn hoá”.

Thầy Tường nhận định, những di chỉ của các nền văn hoá được phân bố theo hình cánh cung từ huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá về Khương Hà, Phú Định (Bố Trạch) xuống tận Bàu Tró (TP Đồng Hới, Quảng Bình).

Trưởng Phòng nghiệp vụ Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình Trần Thị Diệu Hồng cho biết, toàn bộ hiện vật mà thầy Lê Quốc Tường sưu tập được đều thuộc giai đoạn đầu của nền văn hóa Hòa Bình kéo dài đến hậu kỳ đồ đá mới Bàu Tró, có niên đại từ 6.000 đến 3.500 năm trước Công nguyên, trong đó có nhiều hiện vật chưa từng được tìm thấy ở Quảng Bình.

Với những hiện vật phát hiện hết sức độc đáo và có giá trị khoa học vô cùng to lớn mà thầy Lê Quốc Tường cung cấp đã đánh dấu địa danh Phú Định trở thành một địa chỉ mới trên bản đồ khảo cổ học của tỉnh Quảng Bình, rất cần sớm được khai quật, nghiên cứu.

Thầy Lê Quốc Tường tâm sự, niềm đam mê thu thập, sưu tầm các hiện vật đá cổ của mình nay được nhiều người biết đến. Ngày 27-3, thầy đã tặng Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình 28 hiện vật trong bộ sưu tập của mình, giờ chỉ lưu giữ lại một số hiện vật để giảng dạy và nghiên cứu, trong đó có chiếc rìu bằng đá cẩm thạch. Ông chỉ mong các hiện vật mà ông hiến tặng sẽ là cơ sở khoa học để các nhà khảo cổ đến với Phú Định để tìm hiểu sâu hơn về những giá trị khảo cổ tiềm ẩn trên vùng quê mới này.

Ông giáo làng và bộ sưu tập đồ đá cổ ảnh 1

Bộ rìu đá thời nguyên thủy- bộ đồ dùng dạy học của thầy giáo Lê Quốc Tường.

Ông giáo làng và bộ sưu tập đồ đá cổ ảnh 2

Thầy Lê Quốc Tường giới thiệu những chiếc rìu đá trong giờ lịch sử với các em học sinh lớp 6 Trường THC