Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43 tranh Cúp PetroVietnam-PVCFC năm 2025

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng

NDO - Không chỉ là nơi quy tụ những tay vợt xuất sắc nhất cả nước, Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43 còn ghi dấu bằng những câu chuyện đời thường đầy xúc động và nhân văn. Những lát cắt tưởng chừng nhỏ bé ấy đã cùng nhau góp nên một kỳ giải đậm chất thể thao, đậm tình người.
0:00 / 0:00
0:00
Ít ai để ý đến một nữ trọng tài với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc cột gọn gàng, ngày ngày đi xe máy tới Cung Thể thao Tiên Sơn.
Ít ai để ý đến một nữ trọng tài với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc cột gọn gàng, ngày ngày đi xe máy tới Cung Thể thao Tiên Sơn.

Người “chị cả” 37 tuổi, một biểu tượng truyền cảm hứng

Giữa dàn tay vợt trẻ trung của kỳ giải vô địch bóng bàn quốc gia năm nay, cái tên Mai Hoàng Mỹ Trang tiếp tục thu hút sự chú ý đặc biệt. Ở tuổi 37, cô là vận động viên lớn tuổi nhất giải, và cũng là gương mặt kỳ cựu hàng đầu của đoàn bóng bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Mỹ Trang đã gần như “vô đối” ở nội dung đơn nữ với 13 lần vô địch. Không chỉ sở hữu hàng chục danh hiệu quốc gia, cô còn là “tượng đài” của bóng bàn nữ Việt Nam. Tại giải năm nay, dù tuổi tác không còn là lợi thế, nhưng kỹ năng, kinh nghiệm và sự “lì lợm” của cô vẫn khiến nhiều tay vợt khác e ngại, dè chừng.

Đặc biệt, hình ảnh Mỹ Trang luôn chỉn chu, nghiêm túc từ luyện tập đến thi đấu, chính là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo. Sự bền bỉ của Mỹ Trang không chỉ là nỗ lực cá nhân, mà còn là tinh thần thể thao đỉnh cao, không ngừng rèn luyện, không bao giờ từ bỏ. Đó cũng là thông điệp đẹp từ một nữ vận động viên tiêu biểu của giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 1

Ở tuổi 37, Mai Hoàng Mỹ Trang là vận động viên lớn tuổi nhất giải, và cũng là gương mặt kỳ cựu hàng đầu của đoàn bóng bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: DUY LINH)

Kỷ lục 3 giờ "rượt đuổi" nghẹt thở

Vòng loại nội dung đồng đội nam của giải năm nay đã chứng kiến một trận đấu kịch tính kéo dài kỷ lục hơn 3 giờ giữa hai đội Lâm Đồng 2 và Công an nhân dân T&T 3. Đây cũng là trận đấu có thời lượng thi đấu lâu nhất tính từ đầu giải đến thời điểm hiện tại.

Ngay từ những ván đầu tiên, cả 2 đội đã thể hiện quyết tâm cao độ. Thế trận giằng co liên tục, từng điểm số được giành giật trong những pha bóng dài hơi, căng thẳng. Không ít lần khán giả phải nín thở theo dõi những tình huống cứu bóng ngoạn mục và màn rượt đuổi tỷ số sít sao giữa hai bên.

Bằng sự bền bỉ, bản lĩnh và tinh thần đoàn kết, đội Lâm Đồng 2 đã vượt lên, giành chiến thắng chung cuộc 3-1. Trận đấu được xem là một trong những điểm nhấn giàu cảm xúc nhất của vòng loại, góp phần khẳng định sức hấp dẫn và cạnh tranh khốc liệt của nội dung đồng đội nam tại giải năm nay.

Cả nhà tiếp lửa cho "Nam Bo"

Trong khuôn khổ nội dung đồng đội nam tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43 năm 2025, trận đấu giữa Đà Nẵng 1 và Khánh Hòa 1 không chỉ gây chú ý bởi những pha bóng quyết liệt, mà còn bởi một khoảnh khắc xúc động trên khán đài - nơi cả gia đình tay vợt Nguyễn Thành Nam (biệt danh “Nam Bo”) cùng nhau đến cổ vũ cho anh thi đấu.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 2

Mẹ vợ, vợ và hai con tới Cung Tiên Sơn, Đà Nẵng cổ vũ cho vận động viên "Nam Bo" của đoàn chủ nhà.

Ở tuổi 30, Thành Nam là một trong những tay vợt giàu kinh nghiệm của đội chủ nhà. Nhưng đằng sau sự điềm tĩnh trên bàn đấu là một hậu phương đầy tình cảm.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hoa, mẹ vợ của anh, địu trên lưng cô cháu gái mới 5 tháng tuổi, chăm chú theo dõi từng đường bóng và thỉnh thoảng không ngần ngại hô lớn: “Nam Bo cố lên!”. Bên cạnh là vợ và cậu con trai 4 tuổi, cũng theo dõi trận đấu bằng ánh mắt rạng ngời tự hào.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hoa địu cháu gái cổ vũ cho cậu con rể "Nam Bo".

Trận đấu khép lại với phần thắng nghiêng về đội Khánh Hòa 1, và Đà Nẵng 1 dừng bước tại vòng 16.

Dù kết quả không như mong đợi, nhưng đối với Thành Nam, khoảnh khắc cả nhà có mặt trên khán đài để ủng hộ là phần thưởng tinh thần lớn nhất. “Tôi thật sự xúc động. Gia đình là nguồn động lực lớn để tôi vượt qua áp lực thi đấu”, Thành Nam chia sẻ.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 4

Với vận động viên Nguyễn Thành Nam (biệt danh “Nam Bo”), khoảnh khắc cả nhà có mặt trên khán đài để ủng hộ là phần thưởng tinh thần lớn nhất.

Chàng trai quê Hòa Bình đến với bóng bàn từ năm lên 5, dưới sự hướng dẫn của người cha với mong muốn rèn luyện sức khỏe. Sau nhiều năm theo đuổi môn thể thao này, anh đầu quân cho đội Đà Nẵng và đã gắn bó tại đây suốt 7 năm.

Thành Nam cho rằng, điều khó nhất của bóng bàn không nằm ở kỹ thuật đánh bóng mà ở việc di chuyển linh hoạt, giữ được sự tỉnh táo và bền bỉ suốt trận đấu, điều chỉ có thể xây dựng qua rèn luyện nghiêm túc và lòng đam mê.

Dù phải dừng bước sớm, Nam Bo vẫn để lại hình ảnh đẹp không chỉ bởi tinh thần thi đấu nghiêm túc, mà còn bởi tình yêu gia đình lặng lẽ nhưng đầy sâu sắc, tiếp thêm sức mạnh cho hành trình bền bỉ cùng bóng bàn Việt Nam.

Gần nửa thế kỷ “cầm còi”

Tuổi 73, nhiều người đã an nhàn với cuộc sống nghỉ hưu, nhưng trọng tài Vũ Tuấn vẫn đều đặn xuất hiện tại các giải bóng bàn lớn nhỏ trên khắp cả nước với dáng người nhanh nhẹn, ánh mắt tinh nhanh, phong thái điềm đạm.

Gắn bó gần nửa thế kỷ với chiếc còi trọng tài, ông hiện là người có thâm niên lâu nhất Việt Nam trong nghề, một biểu tượng sống cùng chặng đường phát triển của bóng bàn nước nhà.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 5

Năm 2026, trọng tài Vũ Tuấn đạt mốc 50 năm gắn bó với sự nghiệp cầm còi.

Ông bắt đầu nghiệp “cầm còi” từ năm 22 tuổi tại cấp thành phố, sau đó thi qua các cấp khu vực, tỉnh và chính thức được công nhận trọng tài quốc gia vào năm 1976. Từ đó đến nay, ông gần như không vắng mặt ở bất kỳ mùa giải nào. Với ông, một nguyên tắc sống rất giản dị: “Còn sức khỏe là còn đi!”

Theo trọng tài Vũ Tuấn, một trọng tài giỏi không chỉ ở chuyên môn, mà còn ở tác phong, sự chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp.

Tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43 năm 2025, ông đánh giá cao sự tiến bộ vượt bậc của giải, từ tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, quy củ trong điều hành đến cơ sở vật chất hiện đại, nhà thi đấu rộng rãi và hệ thống điều hòa mát mẻ giúp vận động viên thi đấu với trạng thái tốt nhất.

“Tôi thật sự ấn tượng với nề nếp của giải năm nay. Rất chỉn chu, bài bản, đúng tinh thần thể thao đỉnh cao”, ông chia sẻ.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 6

Trọng tài Vũ Tuấn chụp ảnh kỷ niệm với đồng nghiệp trong giờ giải lao.

Khi nhắc đến kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp, ông không quên những hình ảnh đầy cảm xúc vào năm 1982, tại một kỳ Giải vô địch quốc gia tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, sức hút của bóng bàn vô cùng lớn, cổ động viên chen chúc ngồi kín khán đài, thậm chí có người bị ngã từ trên xuống hàng rào chắn sân vì quá đông và quá hào hứng.

“Khi chứng kiến cảnh đó, tôi vừa lo vừa xúc động. Nó cho thấy tình yêu mãnh liệt của người dân dành cho bóng bàn. Lúc ấy làm trọng tài vừa áp lực nhưng cũng rất tự hào”, ông nói.

Năm tới, Vũ Tuấn sẽ chính thức kỷ niệm 50 năm làm trọng tài bóng bàn. Và với ông, cột mốc này không chỉ mang giá trị thời gian, mà còn là minh chứng cho lòng tận tâm, sự bền bỉ và tình yêu thể thao chưa từng phai nhạt theo năm tháng.

Nét duyên thầm của nữ trọng tài đất Đà thành

Giữa nhịp sôi động của Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43, trong khi khán giả hướng mắt theo từng đường bóng quyết liệt, ít ai để ý đến một nữ trọng tài với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc cột gọn gàng, ngày ngày đi xe máy tới Cung thể thao Tiên Sơn, cần mẫn như chính nhịp sống của thành phố bên sông Hàn. Đó là chị Đỗ Thị Nga, một trong 10 nữ trọng tài đang âm thầm góp phần vào thành công của giải.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 7

Chị Đỗ Thị Nga, một trong 10 nữ trọng tài đang âm thầm góp phần vào thành công của giải.

Năm nay 55 tuổi, chị Nga quê ở Đà Nẵng và đã có 5 năm liên tiếp làm nhiệm vụ tại giải đấu này. Điều thú vị là chị vốn không xuất thân từ bóng bàn. Trước đây, chị là vận động viên của đội cầu lông thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng. Rồi cơ duyên đưa đẩy, chị bén duyên với nghề trọng tài bóng bàn một sự “lấn sân” nhẹ nhàng nhưng lại gắn bó bền lâu.

“Thực ra tôi đến với bóng bàn là do đơn vị thiếu người làm trọng tài, mình thử một lần rồi không dứt ra được nữa” chị cười hiền. Và thế là từ một tay vợt cầu lông, chị trở thành người bắt nhịp từng cú giao bóng, theo dõi từng pha đôi công đầy tốc độ.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 8

Trọng tài Đỗ Thị Nga (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm với các đồng nghiệp tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43.

Dù không còn ở tuổi đôi mươi, chị Nga vẫn rất nghiêm túc với công việc. Trong những ca trực kéo dài, chị luôn giữ được sự điềm tĩnh, công tâm và đặc biệt là thái độ gần gũi, nhẹ nhàng với các vận động viên trẻ. Với chị, được sống trong không khí thể thao, được thấy các thế hệ sau trưởng thành là niềm vui lớn nhất.

“Càng làm càng yêu, càng thấy thể thao là một phần cuộc sống”, chị Nga tâm sự. Ở một góc lặng lẽ trên bàn bóng, nữ trọng tài ấy đang thầm lặng giữ cho trận đấu diễn ra công bằng, bằng cả đam mê và lòng yêu nghề của người con gái Đà thành.

Cha truyền con nối trên bàn bóng

Tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43, bên cạnh những màn tranh tài đỉnh cao, người hâm mộ còn đặc biệt chú ý đến những “cặp đôi bố con” đầy cảm xúc, nơi tình thân và đam mê thể thao cùng song hành trên từng cú giật bóng.

Nổi bật trong số đó là gia đình bóng bàn 3 thế hệ Phan Huy Hoàng-Phan Huy Tiến, đến từ đội nam 1 Công an nhân dân T&T. Huy Hoàng, cựu vận động viên đội tuyển quốc gia và hiện là huấn luyện viên của đội, không giấu nổi niềm tự hào khi nói về cậu con trai 16 tuổi: “Hai bố con cùng đam mê, nên từ nhỏ Tiến đã theo tôi ra sân. Bàn bóng với cháu giống như sân chơi tuổi thơ vậy”.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 9

Gia đình bóng bàn Phan Huy Hoàng-Phan Huy Tiến-Phan Huy Minh.

Huy Tiến bắt đầu làm quen với vợt bóng từ năm 10 tuổi, theo con đường chuyên nghiệp từ 2021. Cậu từng vô địch đồng đội lứa tuổi 12-13 năm 2022, đoạt Á quân đôi nam Giải trẻ quốc gia 2024. Ở giải lần này, huấn luyện viên Huy Hoàng vừa nghiêm khắc chỉ đạo kỹ thuật, vừa lặng lẽ cổ vũ con trai bằng những ánh nhìn đầy xúc động.

Càng bất ngờ hơn khi biết Huy Tiến còn có một cậu em út là Phan Huy Minh hiện là vận động viên đội trẻ Hải Dương. Năm ngoái, Huy Minh giành giải đồng đội lứa tuổi U10-U11. Ít ai biết rằng, ông ngoại của hai anh em chính là ông Nguyễn Đức Long, cựu huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, nguyên Trưởng Bộ môn bóng bàn của Cục Thể dục thể thao. Một gia đình mà đam mê bóng bàn đã trở thành “huyết mạch”.

Một “cặp bố con” thú vị khác là Hồ Ngọc Thuận-Hồ Trần Đức Hiếu của đoàn Tiền Giang. Dù không còn thi đấu, anh Thuận vẫn đều đặn đồng hành cùng con trong từng buổi tập. “Nhìn con thi đấu, tôi như sống lại thời thanh xuân”, anh cười nói.

Trên khán đài hay bên mép bàn bóng, không cần nhiều lời, chỉ vài ánh nhìn, vài cái vỗ vai cũng đủ thấy rõ, bóng bàn không chỉ là thể thao, đó còn là sợi dây nối truyền đam mê và tình thân bền bỉ giữa các thế hệ.

Đội bóng nhỏ nhưng “có võ”

Làng bóng bàn Việt Nam chẳng còn lạ gì với cái tên “Times City”, đội bóng nhỏ nhưng có võ, đến từ Hà Nội. Tham dự Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43, đây đã là lần thứ 4 đội góp mặt tại sân chơi đỉnh cao này.

Nhưng điều khiến Times City khác biệt không nằm ở thành tích mà ở tinh thần truyền thông chuyên nghiệp hiếm thấy.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 10

Vận động viên Nguyễn Tùng Lâm thực hiện các động tác kỹ thuật livestream trận đấu của đội nhà Times City để lan tỏa tình yêu bóng bàn tới công chúng.

Đội chỉ có 3 thành viên, trong đó nổi bật là Nguyễn Tùng Lâm và Đinh Minh Vũ, những tay vợt “tay trái cầm vợt, tay phải cầm máy quay”. Ngay từ năm 2012, đội đã lập kênh YouTube riêng để đăng tải clip thi đấu, chia sẻ kỹ thuật và lan tỏa tình yêu bóng bàn.

Đặc biệt, từ năm 2017, Tùng Lâm đều đặn livestream các giải bóng bàn quốc gia với tâm niệm: “Mình xem được thì người khác cũng nên xem được”.

Nhờ tinh thần “làm bóng bàn là phải… có view”, hình ảnh bóng bàn Việt Nam đã đến gần hơn với công chúng, thậm chí vươn ra quốc tế. Tùng Lâm chia sẻ vui: “Càng nhiều người xem thì càng dễ gọi tài trợ. Có khi doanh nghiệp xem xong lại lập luôn đội bóng bàn của riêng mình”.

Những câu chuyện chung quanh bàn bóng ảnh 11

Vận động viên Nguyễn Tùng Lâm (biệt danh Lâm Làng Sét) trong một pha giao tranh tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43.

Với giải đấu năm nay tại Đà Nẵng, Tùng Lâm phấn khởi: “Có thêm bàn tập luyện, ánh sáng chuẩn, truyền thông sôi nổi, thậm chí có cả livestream quốc tế. Một giải đấu mà dân nghiệp dư như bọn mình cũng thấy sướng”.

Times City không chỉ đánh bóng mà còn “đánh tiếng”, âm thầm tiếp lửa đam mê bóng bàn theo cách rất riêng, dí dỏm, tận tụy và đầy sáng tạo.

Ban tổ chức giải Báo Nhân Dân cảm ơn Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau và các nhà tài trợ đồng hành cùng giải đấu.