Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - một đời tận hiến vì Tổ quốc và nhân dân

Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ trần là một tổn thất lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp gỡ tài năng trẻ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và thể thao (Hà Nội, 23/1/2000). (Ảnh TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp gỡ tài năng trẻ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và thể thao (Hà Nội, 23/1/2000). (Ảnh TTXVN)

Đối với tôi, đó là mất mát một người anh, một người đồng chí suốt mấy chục năm gắn bó trên con đường cách mạng.

Anh Trần Đức Lương thuộc thế hệ trí thức đầu tiên được Đảng rèn luyện, đào tạo. Từ một kỹ sư địa chất, anh trưởng thành qua thực tiễn cách mạng, để rồi bước vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước bằng chính tài năng, nhân cách và bản lĩnh vững vàng của mình.

Trong ký ức của tôi, anh Trần Đức Lương là người giản dị mà sâu sắc, nghiêm khắc mà hiền hậu; có tư duy sắc sảo, có sự quyết liệt của một nhà lãnh đạo, có chiều sâu trí tuệ cùng sự nghiêm túc của một nhà khoa học.

Trong ký ức của tôi, anh Trần Đức Lương là người giản dị mà sâu sắc, nghiêm khắc mà hiền hậu; có tư duy sắc sảo, có sự quyết liệt của một nhà lãnh đạo, có chiều sâu trí tuệ cùng sự nghiêm túc của một nhà khoa học.

Tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé khi vùng đất này đang còn ở thời kỳ rất nhiều gian khó. Trước yêu cầu bức thiết của cuộc sống người dân, tập thể lãnh đạo tỉnh đã đề xuất chủ trương chia đất hoang hóa, đất rừng nghèo cho dân canh tác.

Khi báo cáo ra Trung ương, đề xuất đó lúc đầu còn có nhiều ý kiến băn khoăn. Anh Trần Đức Lương cùng anh Nguyễn Công Tạn, khi ấy đang là Phó Thủ tướng, được Thủ tướng Chính phủ cử nhiều lần trực tiếp vào Sông Bé, lắng nghe ý kiến, nhìn nhận rõ thực tế, đi tới sự đồng thuận.

Các anh là người thay mặt Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ các rào cản, để chính sách đó sớm được triển khai, để hàng ngàn hộ dân được giao đất, ổn định đời sống, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Sự ủng hộ đó khi ấy là không chỉ mang tính điều hành, mà còn thể hiện sự thấu hiểu thực tiễn và tấm lòng vì dân.

Cũng thời kỳ ở Sông Bé, tôi đã trăn trở, nơi này khi làm cách mạng thì dân đánh giặc giữ đất, hy sinh xương máu không tiếc, mà sao hòa bình rồi mãi chưa hết nghèo. Từ trăn trở đó, lãnh đạo địa phương đã khởi xướng mô hình khu công nghiệp tập trung - một khái niệm còn mới.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, mọi nút thắt được tháo gỡ, các khu công nghiệp dần hình thành, tạo đà vững chắc để sau này Bình Dương vươn lên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước. Đó là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo luôn vì sự phát triển của đất nước.

Khi tôi về với thành phố mang tên Bác nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, lúc này anh Trần Đức Lương đã ở cương vị Chủ tịch nước, thường xuyên trực tiếp vào thăm và có những chỉ đạo sát với thực tế nhằm có những sáng tạo đột phá phát triển thành phố.

Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố, anh luôn gần gũi, lắng nghe và có những chỉ đạo sát sao. Việc Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai Khu công nghệ cao - một ý tưởng mới mẻ lúc đó, cũng một phần nhờ vào sự ủng hộ rất quan trọng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Đó là sự ủng hộ của một nhà khoa học làm quản lý nhà nước, có chiều sâu trí tuệ, dám nghĩ, dám làm.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng thời kỳ đổi mới. Tôi lại có dịp làm việc cùng Chủ tịch nước nhiều lần, nhận sự chỉ đạo hết sức tỉ mỉ, trách nhiệm từ anh để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại đó.

Nụ cười rạng rỡ tự hào của đồng chí đồng bào Thành phố mang tên Bác ngày ấy, vẫn ghi dấu trong tôi đến bây giờ.

Anh Trần Đức Lương nắm giữ trọng trách Chủ tịch nước trong giai đoạn đất nước chuyển mình, tăng tốc quá trình hội nhập, khẳng định vị thế trên trường quốc tế, mở rộng quan hệ ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa.

Trên cương vị này, anh luôn thể hiện một hình ảnh Việt Nam đổi mới, hòa bình, hợp tác và phát triển, thúc đẩy gia nhập ASEAN, chuẩn bị vững chắc và chứng kiến tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Có thể khẳng định, anh Trần Đức Lương là người đã góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, thông qua nhiều chuyến thăm cấp cao, các cuộc tiếp xúc lãnh đạo các nước. Phong thái điềm đạm, tư duy vững vàng, mềm mại nhưng kiên định của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế, góp phần khẳng định hình ảnh một Việt Nam đổi mới, hội nhập và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Năm 1997, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Đây là sự kiện đối ngoại có quy mô lớn mà chúng ta đăng cai tổ chức kể từ sau đổi mới, đồng thời cũng là lần đầu tiên một quốc gia châu Á chủ trì một hội nghị cấp cao của Cộng đồng Pháp ngữ.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đọc diễn văn khai mạc bằng tiếng Pháp, gây bất ngờ lớn cho đại diện cấp cao của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong cộng đồng Pháp ngữ, trong đó có 35 nguyên thủ. Điều này như một thông điệp nhấn mạnh thiện chí và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, đồng thời là một dấu ấn ngoại giao quan trọng, thể hiện trình độ ngoại giao cấp cao của ta trong thời điểm hội nhập, thể hiện bản lĩnh, sự tự tin và vị thế của Việt Nam trong thời điểm cần thiết đó.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac lúc đó tham dự Hội nghị đã đánh giá cao và gọi Việt Nam là biểu tượng của sự hội nhập.

Hẳn chúng ta còn nhớ chuyến thăm chính thức tới nước ta của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton năm 2000, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm kể từ sau chiến tranh. Cuộc gặp lịch sử này có thể ví như con tàu phá băng, đưa những nồng ấm đầu tiên vào quan hệ hai nước sau nhiều gián đoạn, đánh dấu bước bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước.

Tổng thống Bill Clinton lúc đó đã bày tỏ ấn tượng sâu sắc về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, và đặc biệt cảm phục phong thái ôn hòa nhưng kiên định của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chính tinh thần đó, phong thái đó thể hiện trong những sự kiện mang tính bước ngoặt, đã góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trong thời điểm hội nhập.

Có thể ví, những thành tựu về công tác đối ngoại của đất nước trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước của anh Trần Đức Lương như một dòng sông đã khai mở, và tôi là người kế nhiệm, tiếp tục nhiệm vụ cùng tập thể lãnh đạo đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn.

Với vai trò Chủ tịch nước, anh Trần Đức Lương luôn coi trọng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng phát huy dân chủ gắn với giữ vững kỷ cương, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Khi Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, đã phân công anh làm Trưởng ban. Với nhiệm vụ quan trọng này, anh đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, hết sức quan tâm chỉ đạo kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật, nâng tầm của công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu của Đảng và nhân dân giao cho công tác tư pháp.

Kết quả sau 5 năm đầu tiên thực hiện cải cách tư pháp, tình hình đã có sự thay đổi rõ rệt, công tác tư pháp ngày càng được chú trọng, luật pháp càng ngày càng được tăng cường, các cơ quan pháp luật ngày càng hoàn thiện, vững mạnh. Điều vui mừng nhất, là người dân ngày càng có ý thức tuân thủ pháp luật, việc giáo dục ý thức pháp luật của người dân được nâng cao và đi vào nền nếp.

Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực thi đua-khen thưởng, đặc xá, những chính sách thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo, vì con người, vì sự tiến bộ của xã hội. Anh thường nhấn mạnh: Thi đua phải thực chất, khen thưởng phải công minh, đặc xá phải mang lại cơ hội làm lại cuộc đời cho người biết hối cải.

Chủ tịch nước được coi là biểu trưng của một đất nước, phải mẫu mực, liêm chính, gần dân, hiểu dân, vì dân, được dân thương, dân kính, và anh Trần Đức Lương là một biểu trưng đẹp đẽ trong mắt nhân dân ta cũng như bạn bè quốc tế. Anh em, đồng chí từng được làm việc, gần gũi anh đều nhớ về một nhà lãnh đạo có tầm vóc, một nhà khoa học trí tuệ, một tấm gương giản dị, trong sáng.

Anh đã ra đi, lặng lẽ như chính cách sống khiêm nhường của mình, để lại niềm tiếc thương trong lòng đồng chí, đồng bào, và cả sự kính trọng của bạn bè quốc tế. Sự nghiệp và nhân cách của anh sẽ mãi là hình ảnh cao đẹp của phẩm giá người cán bộ cách mạng, sẽ mãi là ngọn lửa âm thầm mà bền bỉ, truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp bước trên con đường phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.