Người Cơ Ho làm giàu từ hoa hồng

Giữa xã vùng sâu Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, vùng đất có đông đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Cơ Ho sinh sống, ông Ha Biêng là người Cơ Ho đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ vườn càphê năng suất thấp, sang canh tác hoa hồng giống ngoại mang lại hiệu quả cao.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Ha Biêng thu hoạch hoa hồng trong nhà kính.
Ông Ha Biêng thu hoạch hoa hồng trong nhà kính.

Trong vườn hoa hồng của gia đình mùa thu hoạch, ông Ha Biêng vừa cắt hoa để đóng gói giao hàng vừa chia sẻ về quá trình thay đổi trong sản xuất của gia đình: khu vườn của gia đình trước đây trồng cà-phê, nhưng qua thời gian trở nên già cỗi, cộng với địa hình không thuận lợi để phát triển loại cây này nên năng suất đạt thấp.

Sau quá trình tìm hiểu, học hỏi thực tế từ những mô hình canh tác hoa hồng của những hộ người Kinh trong vùng, ông Ha Biêng quyết định chuyển đổi cây trồng, làm nhà kính trồng loài hoa biểu tượng của tình yêu. Trước khi xuống giống những cành hoa hồng đầu tiên, ông Ha Biêng đã cất công tìm kiếm và ký kết với một cơ sở thu mua hoa hồng cắt cành.

“Tôi phải nghiên cứu, tìm tòi và kết nối được đầu ra ổn định mới dám mạnh dạn phá bỏ cà-phê để làm nhà kính trồng hoa hồng. Bởi hoa hồng canh tác trong nhà kính đầu tư ban đầu khá lớn, nếu không có đầu ra ổn định sẽ gây thiệt hại nặng”, ông Ha Biêng chia sẻ.

Để xây dựng vườn hoa hồng đạt chất lượng, ông Ha Biêng đào từng gốc cà-phê, dựng nhà kính đúng chuẩn. Từ kinh nghiệm đã học hỏi, ông quyết định trồng các giống hoa hồng ngoại, chủ yếu là hồng Pháp.

Nhiều nhà vườn thường mua cây hoa hồng đã ghép sẵn về trồng, nhưng Ha Biêng chọn trồng gốc hồng dại để có giống khỏe khi đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng và giảm chi phí. Ông dùng cây hồng dại, thường gọi là tầm xuân bản địa để làm cây mẹ.

Sau khoảng sáu tháng, khi những gốc tầm xuân ra rễ, sinh trưởng tốt, người trồng ghép những chồi hồng ngoại có mầu sắc ưng ý, được thị trường ưa chuộng theo tư vấn của cơ sở ký kết thu mua.

Qua quá trình chăm sóc, sau khoảng bốn tháng, những cành hoa hồng đỏ Pháp, nữ thần, ánh trăng… bắt đầu ra hoa để thu hoạch. Hiện tại, vườn hoa hồng của gia đình ông đang cho thu hoạch từ 500 đến 600 cành mỗi lứa cắt, trung bình mỗi tháng ông thu được 7 đến 8.000 cành hoa hồng, thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng.

Theo ông Ha Biêng, đầu tư cho canh tác hoa hồng khá cao, nhưng bù lại, khi liên kết làm ăn sẽ có thu nhập ổn định. Những dịp lễ, Tết, hoa hồng có giá rất cao và được thu mua với giá rất tốt.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đưng K’Nớ Liêng Hót Ha Chú cho biết, gia đình ông Ha Biêng là nông hộ người dân tộc bản địa đầu tiên tại địa phương canh tác hoa hồng trong nhà kính. Ông Ha Biêng đã thương thảo, ký kết hợp đồng với cơ sở thu mua nên bảo đảm đầu ra ổn định.

Từ mô hình của Ha Biêng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây biết được hiệu quả của chuyển đổi cây trồng hợp lý, gợi mở sinh kế mới cho cư dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.