Nghề làm rượu cần dưới chân núi Lang Biang

Rượu cần là đồ uống không thể thiếu trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người Cơ Ho Lạch sinh sống dưới chân núi Lang Biang, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Không chỉ gắn bó với đời sống văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, rượu cần ngày nay còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Bon Đing Thanh Hiền mong muốn bảo tồn và phát triển nghề làm rượu cần truyền thống của dân tộc mình.
Chị Bon Đing Thanh Hiền mong muốn bảo tồn và phát triển nghề làm rượu cần truyền thống của dân tộc mình.

Chúng tôi được anh Krajăn Meng Nôl, cán bộ văn hóa thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), dẫn đi tham quan một số hộ dân người Cơ Ho còn giữ nghề làm rượu cần truyền thống dưới chân núi Lang Biang.

Tại nhà bà Me Bla Phúi ở tổ dân phố Đăng Gia, người đã có 45 năm gắn bó với nghề làm rượu cần, nhiều chóe rượu cần ủ sẵn được đặt ở góc nhà. Theo bà Phúi, để làm nên một chóe rượu cần thơm ngon, công đoạn chuẩn bị rất công phu.

Nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên như gạo, vỏ trấu, ngô, sắn,… và đây cũng chính là yếu tố quyết định chất lượng của chóe rượu. Cơm sau khi nấu chín, để nguội được trộn với men, trấu, cho vào chóe, đậy nắp thật chặt rồi đem cất trong nhà. Khoảng từ một tháng rưỡi đến hai tháng, chóe bắt đầu có rượu. Chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, bà Me Bla Phúi cho biết: “Men là nguyên liệu quan trọng nhất khi làm rượu cần, quyết định đến chất lượng của hũ rượu.

Trước đây, người Cơ Ho chúng tôi thường vào rừng hái lá, vỏ, rễ của các loại cây thảo dược về làm men rượu cần. Tuy nhiên, hiện nay, một số loại thảo dược gần nhà cũng làm được men rượu cần. Để làm được những chóe rượu thơm ngon, mỗi người, mỗi gia đình có bí quyết riêng. Những bí quyết này chỉ truyền lại cho con cháu”.

Cách nhà bà Me Bla Phúi không xa, chị Bon Đing Thanh Hiền, 26 tuổi, đã học nghề làm rượu cần của ông bà đến nay được sáu năm. “Rượu cần là bản sắc văn hóa của dân tộc Tây Nguyên nói chung và của người Cơ Ho. Mình mong muốn được lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình”, chị Thanh Hiền chia sẻ.

Anh Krajăn Meng Nôl cho biết, rượu cần là một trong những nét đẹp văn hóa gắn chặt trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được lưu giữ từ rất lâu đời. Trước đây, rượu cần được sử dụng trong các dịp, như lễ tế thần linh, lễ hội, đám cưới, đám hỏi, đãi khách… Đến nay, rượu cần trở thành sản phẩm du lịch độc đáo tại Lạc Dương.

Hiện tại trên địa bàn thị trấn Lạc Dương có khoảng 200 hộ làm rượu cần, trong đó có nhiều hộ sản xuất thường xuyên. Rượu cần được cung cấp cho các khu, điểm du lịch để phục vụ du khách trong các buổi giao lưu văn hóa, biểu diễn cồng chiêng, lửa trại… Đây đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Cơ Ho tại địa phương.

Anh Dagout Liêm, chủ hội quán Bàng Yô ở thị trấn Lạc Dương cho biết, rượu cần là một trong những sản phẩm không thể thiếu trong các chương trình cồng chiêng, giúp du khách trải nghiệm văn hóa bản địa. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức loại rượu cần độc đáo của bà con dân tộc Cơ Ho, mà còn mua về làm quà biếu cho người thân và bạn bè.

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây luôn được cấp ủy, chính quyền thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương hết sức quan tâm.

Trong đó, rượu cần là một nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Cơ Ho đã và đang được địa phương bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, việc đưa rượu cần vào phục vụ du lịch ở Lạc Dương không chỉ giúp bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo cơ hội để người dân tham gia các hoạt động du lịch, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.