Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Quỹ thúc đẩy hợp tác “Truyền thống và hữu nghị” và Đại học Herzen đồng phối hợp tổ chức, đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ và giao thoa văn hóa giữa hai nước.
Đây cũng là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Saint Petersburg trong khuôn khổ Tuần Việt Nam đang diễn ra tại thành phố này.

Sôi nổi Ngày hội tiếng Việt tại thành phố quê hương V.I.Lê-nin
Tham dự sự kiện, có ông Vyacheslav Kalganov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg; bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Bí thư Thứ nhất, Phụ trách Bộ phận Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga; ông Sergey Tarasov, Hiệu trưởng Đại học Herzen; ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác “Truyền thống và hữu nghị”; cùng đông đảo sinh viên Nga nghiên cứu tiếng Việt và sinh viên Việt Nam đang học tập tại các học viện, nhà trường ở Nga.
![]() |
Ông Vyacheslav Kalganov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg phát biểu. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Bày tỏ vui mừng và vinh dự khi thành phố Saint Petersburg được chọn là nơi tổ chức Ngày hội tiếng Việt lần thứ 5, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg Vyacheslav Kalganov nhấn mạnh, Đại học Herzen có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.
Tại ngôi trường này hiện nay có nhiều sinh viên Việt Nam đang học tập. Nhiều cựu sinh viên Việt Nam của trường hiện đang giữ những vị trí rất quan trọng tại Việt Nam.
Ngày nay, hợp tác với Việt Nam đã trở thành lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động đối ngoại của chính quyền Saint Petersburg và sự hợp tác này đang mở ra những triển vọng rất lớn.
![]() |
Bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa khẳng định, Ngày hội tiếng Việt hôm nay là sự kiện đặc biệt quy tụ những người coi trọng sự phong phú của văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Phát biểu khai mạc, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa khẳng định, Ngày hội tiếng Việt hôm nay là sự kiện đặc biệt, quy tụ những người coi trọng sự phong phú của văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Trong 5 năm qua, Ngày hội đã trở thành diễn đàn đối thoại, nơi ươm mầm ý tưởng và truyền thống sống động.
Năm nay, sự kiện mang một ý nghĩa đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam-Liên bang Nga kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kể từ đó, hàng chục nghìn chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo tại Liên Xô và nước Nga, hàng trăm dự án chung đã được tổ chức, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học và văn hóa.
Saint Petersburg xứng đáng được quan tâm đặc biệt, vì thành phố này đã tăng cường hợp tác nhiều mặt trong những năm qua với Việt Nam.
![]() |
Đông đảo sinh viên Nga và Việt Nam tham dự Ngày hội tiếng Việt. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Chia sẻ cảm nhận với những người tham dự sự kiện, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” Nguyễn Quốc Hùng xúc động cho biết, Ngày hội tiếng Việt đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ và giao thoa văn hóa giữa hai nước.
Ông Nguyễn Quốc Hùng tin tưởng rằng, sự kiện hôm nay và những sự kiện tương tự như vậy sẽ giúp thế hệ trẻ hai nước hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn.
Thay mặt Quỹ, ông Nguyễn Quốc Hùng cảm ơn chính quyền thành phố, nhà trường và các sinh viên đã chung tay làm nên ngày hội, tạo nên niềm cảm hứng để thế hệ trẻ hai nước sánh vai vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thịnh vượng của những tâm hồn đồng điệu và sâu sắc.
![]() |
Bạn Stefania Loginova, sinh viên Nga hát bài hát bằng tiếng Việt tại lễ khai mạc. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Sau lễ khai mạc, những người tham dự Ngày hội được thưởng thức các tiết mục biểu diễn do sinh viên Việt Nam và Nga thể hiện. Đặc biệt, các giảng viên, sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở Saint Petersburg được tham gia lớp học tiếng Việt kết hợp kể chuyện do các nhà Việt Nam học lên lớp.
Tại đây, họ được giới thiệu các xu hướng ngôn ngữ hiện đại, từ vay mượn, tiếng lóng Internet và từ vựng của giới trẻ, tìm hiểu về phương ngữ tiếng Việt và làm quen với các quy tắc văn hóa của tiếng Việt. Và cuối cùng diễn ra cuộc thảo luận về chủ đề “Toàn cầu hóa so với bản sắc dân tộc”.