Ông Lê Xuân Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính do Sở Nông nghiệp và Môi trường phối với các công ty: NetZero Carbon; BSB Nanotech và Spiro Carbon (gọi tắt là BNS) thực hiện tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo. Tổng diện tích thực hiện mô hình gần 86ha (vượt 26ha so với kế hoạch). Trong đó huyện Điện Biên 53ha; Mường Ảng 23ha và Tuần Giáo 10ha.
Toàn bộ diện tích canh tác lúa thông minh được áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp, bảo đảm cân bằng dinh dưỡng đầu vào và đầu ra; rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ (AWD); quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ: chế phẩm ECO-OK; phân bón trung vi lượng Cherry; chế phẩm vi sinh; công nghệ đo lường phát thải khí mê-tan trong quá trình canh tác lúa và báo cáo lượng khí giảm phát thải CO2e quy đổi và được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải nhà kính.
![]() |
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cùng đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Điện Biên đánh giá các bước thực hiện theo quy trình canh tác lúa thông minh tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. |
Sau một mùa vụ triển khai, với sự đồng hành tích cực của cán bộ nông nghiệp và nỗ lực của nông dân, mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính mang lại kết quả tích cực.
Cụ thể, năng suất lúa Đài thơm trồng theo mô hình đạt khoảng 74,56 tạ/ha (cao hơn 3 tạ/ha); séng-cù đạt hơn 51 tạ/ha (cao hơn 5 tạ/ha) so với phương pháp truyền thống. Phát thải carbon giảm từ 2-3,5 tấn/ha; tổng cộng mô hình giảm 172 tín chỉ carbon.
Mô hình không chỉ giảm chi phí, tăng năng suất mà còn giúp nông dân có thêm thu nhập khoảng 880.000 đồng/ha từ bán tín chỉ carbon, nâng tổng thu nhập tăng thêm từ 4,8-9,3 triệu đồng/ha. Mô hình cũng góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng.
Đại diện các hộ dân và lãnh đạo các huyện có diện tích lúa tham gia theo mô hình đều đánh giá cao hiệu quả mô hình; đồng thời, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng Công ty NetZero Carbon, BSB Nanotech tiếp tục hỗ trợ xử lý rơm rạ sau thu hoạch, sớm chi trả tiền tín chỉ carbon và bố trí kinh phí để nhân rộng mô hình trong các vụ lúa tiếp theo.