Logistics xanh tạo nền tảng phát triển bền vững

Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vị trí quan trọng cho Đồng bằng sông Cửu Long như một trụ cột về nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
0:00 / 0:00
0:00
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ. (Ảnh TTXVN)
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ. (Ảnh TTXVN)

Tuy nhiên, một trong những "nút thắt" lớn kìm hãm đà phát triển của khu vực chính là hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics chưa đồng bộ, chưa xứng tầm với vai trò, tiềm năng sẵn có. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy đầu tư phát triển đúng mức cho hệ thống logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang là yêu cầu cấp thiết.

Tận dụng tiềm năng lớn

Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều lợi thế để phát triển logistics. Theo các chuyên gia, điểm mạnh dễ nhận thấy trong phát triển logistics của miền Tây chính là hệ thống cảng trải dài trên khu vực sông Hậu và sông Tiền; 5 tuyến hành lang đường bộ nối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Mạng lưới đường thủy tại đây cũng lớn và chất lượng cao hơn so với các vùng trong cả nước với hệ thống sông, kênh dài 28.000 km; có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra vào sông Hậu.

Tuy nhiên, hiện nay khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu của vùng phải trung chuyển qua Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, gây tốn thời gian, đội chi phí vận chuyển lên từ 10- 40%. Dù sở hữu hệ thống đường thủy dày đặc, với 23.000 km có thể khai thác vận tải, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu những trung tâm logistics quy mô, đồng bộ và bài bản. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: "Miền Tây chưa có logistics đúng nghĩa, các kho hàng lạnh rời rạc, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ khiến doanh nghiệp logistics rất e dè khi đầu tư".

Hiện nay, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đa phần các trung tâm logistics còn nhỏ lẻ, rời rạc, chủ yếu ở Long An, Cần Thơ và Hậu Giang với quy mô công suất 50.000 tấn. Số lượng này quá ít so với nhu cầu của cả vùng, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu trữ nông sản. Hệ thống giao thông kết nối giao thương hàng hóa trong khu vực, cũng như các thành phố lớn chưa bảo đảm, trong khi yêu cầu bảo quản nông sản sau thu hoạch là càng sớm càng tốt.

Thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùng, đang có những bước đi tích cực trong định hướng quy hoạch logistics. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ cho hay: "Thành phố hiện đang có 22 cảng, trong đó các cảng như Cái Cui, Hoàng Diệu và Tân Cảng-Cái Cui đã được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu lớn 10.000-20.000 tấn".

Khơi thông "mạch máu" kinh tế miền Tây

Ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chia sẻ: Khi logistics được đầu tư đúng hướng, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp, nông sản bán giá cao và ổn định, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực. Vì vậy, cần sớm hình thành hành lang logistics liên kết Cần Thơ- Thành phố Hồ Chí Minh, gắn với các tuyến cao tốc và cảng biển. Từng tỉnh, từng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tháo gỡ vướng mắc và tổ chức hiệu quả hoạt động logistics. Logistics của vùng phải được khơi thông đồng bộ, hiện đại.

Đề án xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là 1 trong 6 nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 45/2022/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ. Hiện nay, thành phố Cần Thơ đang triển khai công tác quy hoạch sử dụng đất. Khi hoàn thành, trung tâm này có vai trò gắn kết 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; hình thành các kho lạnh cấp vùng; bảo đảm nguyên liệu đầu vào. Với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, trung tâm thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết để các doanh nghiệp, người dân tiến hành sản xuất, chế biến, giao dịch trong nước và xuất khẩu, chào bán nông sản không cần phải qua khâu trung gian, điều mà người nông dân mong ước nhiều năm qua. Đặc biệt, cùng với việc hình thành các kho lạnh cấp vùng, có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như trước đó, giúp người dân không còn chịu áp lực về thời điểm quyết định giá bán, tìm đầu ra phù hợp cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận “công bằng” so với lao động. Đồng thời, doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu đầu vào, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản trong thời gian qua. Trung tâm dự kiến thu hút khoảng 150 doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản, với vốn đăng ký dự kiến trên 1,2 tỷ USD, doanh thu trung bình dự kiến mỗi dự án khoảng 6,5 triệu USD/năm, tổng doanh thu dự kiến của toàn trung tâm ước khoảng 975 triệu USD/năm.

Việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng tại Cần Thơ được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản vùng, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hệ thống logistics; nâng cao giá trị sản phẩm và góp phần ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.