Giúp người dân có cơ hội điều trị bằng kỹ thuật y tế tiên tiến

Kể từ ca đầu tiên cách đây một năm, đến nay, 10 người bệnh tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được ghép thận thành công, sức khỏe tiến triển tốt. Việc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ làm chủ kỹ thuật ghép thận đã mang lại niềm hy vọng cho hàng nghìn người bệnh tại khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Một ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Một ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Nói về ca ghép đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, đây là bệnh nhân nam 35 tuổi, trú tại tỉnh Bến Tre. Năm 2022, người bệnh được bệnh viện chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối và chỉ định lọc máu cấp cứu, đồng thời tiến hành thẩm phân phúc mạc. Khi được biết tin Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não, người bệnh đã tự nguyện đăng ký chờ ghép thận.

“Để có được ca ghép đầu tiên thành công, chúng tôi phải trải qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ cơ sở pháp lý, đội ngũ chuyên môn, cơ sở vật chất cho đến trang thiết bị. Hơn 20 bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện bao gồm các ê-kíp lấy, rửa, ghép thận đã phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với sự hỗ trợ trực tiếp của ê-kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau 5 giờ phẫu thuật, ca ghép nối thận thành công trong sự mừng vui vỡ òa của ê-kíp cả hai bệnh viện. Ngày 25/4/2024 đã đánh dấu cột mốc quan trọng với ca ghép thận đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long. Sau ca ghép thận, sức khỏe của bệnh nhân được phục hồi, người bệnh không phải thường xuyên đến bệnh viện lọc máu định kỳ..."-bác sĩ Phong chia sẻ.

Thành công của ca ghép thận trên đã đánh dấu cột mốc đặc biệt quan trọng trong công tác phát triển chuyên môn tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ nói riêng.

Theo các chuyên gia, phẫu thuật ghép thận là kỹ thuật đặc biệt, chỉ được thực hiện ở các trung tâm y tế lớn trên cả nước, đòi hỏi chuyên môn và kỹ thuật cao. Để triển khai được kỹ thuật này, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của rất nhiều chuyên khoa: Nội Thận - Thận nhân tạo, Ngoại Thận - Tiết niệu, Gây mê hồi sức, phẫu thuật mạch máu cùng hệ thống cận lâm sàng hỗ trợ như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh…

Để đáp ứng các yêu cầu cho một trung tâm ghép thận được thành lập theo quy định của Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các trang thiết bị, máy móc, đào tạo đội ngũ chuyên khoa từ bác sĩ đến điều dưỡng. Về nhân sự, bệnh viện đã đào tạo cho 18 bác sĩ, 21 điều dưỡng, kỹ thuật viên từ ngoại khoa đến nội khoa, gây mê hồi sức, theo dõi chăm sóc và điều trị bệnh sau ghép.

Sau 1 năm kể từ ca ghép thận thành công đầu tiên, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã có cột mốc mới khi thực hiện thành công ca ghép thận thứ 10 từ người hiến sống. 10 ca ghép liên tiếp đều đạt kết quả tốt. Việc Đồng bằng sông Cửu Long làm chủ được kỹ thuật ghép thận mang lại hy vọng cho rất nhiều người bệnh, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Điều trị ngay tại thành phố Cần Thơ giúp họ thuận lợi hơn về kinh tế cũng như quá trình chăm sóc, tái khám sau ghép. Người bệnh không phải vượt đường xa lên tuyến trên như trước đây. Chưa kể, trong 10 ca ghép thận thành công, bệnh viện đã đồng hành cùng 4 ca ghép thận có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ chi phí điều trị nội khoa 1 năm cho 3 người bệnh nhằm giúp họ yên tâm trong tiến trình tái khám sau ghép thận.

Chị Đỗ Thị Hằng Xuyến, 34 tuổi, trú tại tỉnh Hậu Giang vừa thực hiện ghép thận thành công cách đây hơn một tháng. Đến nay, sức khỏe đã ổn định, chị Xuyến chia sẻ: “Tôi phát hiện bệnh từ mấy năm trước và phải chạy thận trong một thời gian dài. Trước đây, nghĩ đến cảnh phải lên các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh để ghép thận, tôi rất lo lắng. Một phần vì quãng đường di chuyển xa, sức khỏe lại không được tốt, bản thân cũng mắc thêm nhiều bệnh nền, một phần chi phí đi lại, ăn ở, điều trị rất tốn kém. Sau khi biết tin có thể ghép thận tại Cần Thơ, tôi lập tức đăng ký và được chỉ định ghép thận sau 7 tháng. Quá trình tái khám sau này việc điều trị, di chuyển cũng rất thuận lợi. Việc có thể điều trị ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long mang đến rất nhiều hy vọng cho những người bệnh như tôi”.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hoàng Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết, trong 10 trường hợp đã được ghép thận, có 3 trường hợp là người hiến sống khác huyết thống (vợ hiến thận cho chồng), minh chứng cho sự phát triển vững chắc về chuyên môn, cũng như niềm tin của cộng đồng vào đội ngũ y bác sĩ. Thành công của các ca ghép thận đã đánh dấu cột mốc đặc biệt quan trọng trong công tác phát triển chuyên môn tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng chính là kết quả của quá trình đào tạo, hợp tác chuyên môn sâu rộng và sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ y tế bệnh viện, mở ra hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân suy thận tại Tây Nam Bộ. Tiếp nối những thành công trong lĩnh vực ghép tạng, hiện tại, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch đưa nhân sự đi đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật ghép gan, với mục tiêu thực hiện ca ghép gan đầu tiên vào năm 2026. Đích đến quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng điều trị cho người dân, giúp người dân có cơ hội tiếp cận, điều trị tốt nhất bằng những kỹ thuật cao, tiên tiến nhất ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long.