Loanh quanh trao và giới hạn quyền tự chủ giáo dục đại học

NDO - NDĐT - Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là một trong những điều quan trọng, chi phối rất nhiều hoạt động của các trường đại học được quy định trong dự thảo Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, vì chất lượng các trường đại học không đồng đều, nên việc trao quyền vẫn phải giới hạn.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến.

Trong phiên thảo luận sáng ngày 25-5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận khá sôi nổi về dự thảo luật Giáo dục đại học.

Trao quyền tự chủ cần có lộ trình

Theo báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở giáo dục đại học, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự thảo luật và được quy định bằng các quy phạm pháp luật cụ thể tại các điều, khoản cụ thể của luật này. Tuy nhiên, do các cơ sở giáo dục đại học phát triển không đồng đều và hiện tại phần lớn các cơ sở giáo dục đại học còn chưa đạt được chuẩn mực của một cơ sở giáo dục đại học thực thụ nên việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp.

Điều 33 của dự thảo luật Giáo dục đại học có hai khoản. Khoản thứ nhất quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm này đã được dẫn chiếu đến 27 điều khác. Khoản 2 có ghi cơ sở giáo dục đại học không đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì tùy theo mức độ bị hạn chế quyền tự chủ.

Đồng ý với giải trình của ông Đào Trọng Thi, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng hiện nay đã có hơn 100 trường trên tổng số 400 trường được thành lập với thời gian 10 năm trở lại đây. Do đó các trường có đặc điểm lịch sử cũng như điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên... còn có sự khác nhau, không đồng đều về quy mô cũng như chất lượng. Vì vậy, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học không thể thực hiện một cách đồng loạt và cào bằng được.

Giao quyền tự chủ cần phải dựa trên cơ sở của điều kiện năng lực, kết quả kiểm định chất lượng của từng trường. Điều này sẽ khuyến khích các đơn vị trường học nâng cao khả năng cạnh tranh để được giao quyền tự chủ.

Cụ thể hơn, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) cho rằng, nội dung của hai điều 35 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh và điều 37 về chương trình giáo dục đại học thể hiện sự trao quyền tự chủ của Bộ GD-ĐT cho các cơ sở giáo dục đại học. Trao nhưng không có công cụ để quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như trong thời gian qua đã có rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm do thừa, không có ai dám thu nhận vì trình độ không đáp ứng được yêu cầu của cơ sở tuyển dụng. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo đề nghị trong hai điều này cần thêm vào nội dung: Bộ GD-ĐT có trách nhiệm duyệt chỉ tiêu tuyển sinh các cơ sở giáo dục đại học đưa ra và chương trình, giáo trình mà các cơ sở giáo dục đại học biên soạn và cần đặc biệt chú ý các trường đại học địa phương, đại học tư thục để tránh phát hiện ra sau khi kiểm định chất lượng thì sự đã rồi phải đi giải quyết hậu quả rất phức tạp và tốn kém.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lại cho rằng, nếu xác định quyền tự chủ giống như một phần thưởng, làm tốt thì cho quyền tự chủ, làm không tốt thì cắt bớt quyền tự chủ là không được. Để thành lập cơ sở trường đại học thì phải qua hai bước rất chặt chẽ, bước thứ nhất là quyết định thành lập do Thủ tướng Chính phủ ký, bước thứ hai là có quyết định được phép đào tạo. Theo đại biểu Hoàng Ngọc Đáng, cơ sở trường đại học nào đã đầy đủ các quyết định đó thì đương nhiên có thuộc tính của nó là quyền tự chủ. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị phải viết lại điều 33 trong dự thảo luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học.

Có nên đề cao vai trò Đại học Quốc gia?

Dự thảo luật Giáo dục dành riêng một chương gồm điều 27 và 28 quy định về vai trò của Đại học Quốc gia. Nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội cũng tập trung bàn thảo hai điều luật này.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) không đồng ý đưa hai điều luật này vào dự thảo, vì tầm quan trọng của Đại học Quốc gia. Mô hình Đại học Quốc gia có nhiều biến động trong điều kiện kinh tế, xã hội nhiều thay đổi nên không giới hạn trong khuôn khổ hai điều luật, mà nên để Chính phủ quy định bảo đảm sự kịp thời và linh hoạt.

Còn đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, không nên quy định Đại học Quốc gia là đại học có chất lượng cao trong khoản 1, điều 27 bởi lẽ đó chỉ là ý chí của Nhà nước, có là đại học có chất lượng cao hay không phải qua một thực tế được kiểm nghiệm. Quy định này sẽ tạo ra phân biệt mất bình đẳng rất lớn giữa đại học quốc gia và các trường đại học khác, tạo ra tâm lý trái chiều cho giảng viên và học sinh, sinh viên. Nhiều người sẽ hiểu như vậy có nghĩa các trường đại học khác thì chất lượng không cao.

Theo ông Hùng, chúng ta phải tạo ra điều kiện để tất cả các trường đại học tiến tới chất lượng cao, được quốc tế công nhận, được xã hội chấp nhận. Việc đạt được chất lượng cao hay không phải do chính các trường đó phấn đấu, đó là nhiệm vụ của giáo viên nhà trường, là thương hiệu và uy tín của trường đó tạo nên trong quá trình phấn đấu của mình, luật cần tạo ra sự cạnh tranh thật lành mạnh, đây là động lực để phát triển sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo

Đề cập đến điều 27 và 28, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói, tư tưởng xác lập Đại học quốc gia ngay từ ngày đầu độc lập đó là một tư tưởng mang tính chủ đạo và tư tưởng ấy nó xuyên suốt mà chúng ta phải kế thừa. Đại học Quốc gia cũng có trải nghiệm hơn hai thập kỷ mặc dầu có thể còn bộc lộ rất nhiều những hạn chế của nó. Với việc ban hành luật này, thì Đại học Quốc gia phải có trách nhiệm tương xứng với danh vị mà nó đang đảm nhận.

Vì thế, ông Dương Trung Quốc cho nghĩ rằng việc một quốc gia có một Đại học quốc gia là rất cần thiết. Nhiều quốc gia trên thế giới, những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cũng đã có những luật riêng cho từng trường đại học quốc gia. Nhưng điều quan trọng là phải tạo ra mặt bằng của sự công bằng và hạn chế xin cho trên tất cả các loại hình mà chúng ta đang cố gắng phân tầng. Và rà soát lại kỹ càng hơn hai điều luật này để loại trừ những yếu tố mang tính đặc quyền, đặc lợi, đồng thời tạo điều kiện cho các trường đại học khác cũng được bảo đảm quyền tự chủ và quyền phát triển một cách bình đẳng nhưng không cào bằng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về những điều luật liên quan đến giảng viên đại học, nghiên cứu khoa học trong trường đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học…