Lò lửa đã lại bùng lên

Tình trạng bạo lực đột ngột leo thang ở Syria, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đang đặt ra những câu hỏi nhức nhối. Không ai dám chắc, tiến trình hòa giải dân tộc tại Syria đã, đang và sẽ còn bị đẩy lùi đến đâu. Và hơn thế, vào lúc này, cộng đồng quốc tế có thể tác động tới hiện trạng Syria theo cách nào?
0:00 / 0:00
0:00
Bỏ lại nhà cửa sau lưng, hàng nghìn người dân Syria lại lên đường tị nạn.
Bỏ lại nhà cửa sau lưng, hàng nghìn người dân Syria lại lên đường tị nạn.

Sau khi chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria sụp đổ, chính phủ mới do thủ lĩnh Ahmed al-Sharaa lãnh đạo đã cam kết thiết lập một "nền hòa bình dân sự", và sẽ nỗ lực đoàn kết các tầng lớp người dân Syria.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, Syria lại một lần nữa chìm trong hỗn loạn. Bạo lực bùng phát dữ dội tại các tỉnh ven biển Latakia và Tartus, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng chỉ trong vài ngày. Xung đột diễn ra giữa lực lượng chính phủ Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm trung thành với chế độ cũ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Hàng chục nghìn người thuộc cộng đồng Alawite đã phải chạy trốn sang Lebanon tị nạn, làm gia tăng thêm căng thẳng cho khu vực Trung Đông – vốn cũng đã vô cùng ngổn ngang. Tình hình cấp bách đến độ Nga và Mỹ đều lên tiếng kêu gọi triệu tập họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm cân nhắc các khả năng, với mục tiêu tránh cho Syria rơi vào một cuộc nội chiến mới, ngay sau khi cuộc nội chiến dài cả thập niên chỉ vừa khép lại.

Những nguyên nhân bề nổi của đợt bùng phát bạo lực này được giới quan sát quốc tế nhanh chóng chỉ ra: Mâu thuẫn giáo phái sâu sắc giữa cộng đồng thiểu số Alawite và nhóm Hồi giáo Sunni đang nắm quyền, cũng như tâm lý “trả thù” không bị kiểm soát.

Cộng đồng Alawite (dòng Hồi giáo Shiite, chiếm 15% dân số Syria) trung thành với cựu tổng thống Bashar Al Assad, từ lâu đã là “cái gai trong mắt” nhóm HTS. Là một tổ chức Hồi giáo Sunni có khuynh hướng cực đoan, HTS coi nhánh Hồi giáo Alawite là "những kẻ ngoại đạo". Quan điểm này đã châm ngòi cho các cuộc tấn công có hệ thống nhằm vào cộng đồng Alawite - hiện đã không còn đủ khả năng tự bảo vệ.

Nhưng ở sâu xa hơn, có lẽ, tất cả đều bắt nguồn từ các toan tính về quyền lực và chính trị. Hãng tin Reuters dẫn lời Ahmad Aba Zeid, một nhà nghiên cứu độc lập người Syria, nhận định rằng chính quyền HTS không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến vào khu vực bờ biển để ngăn chặn lực lượng đối lập mở rộng lãnh thổ hoặc cố thủ tại đây. Và chiến dịch này đã được triển khai thiếu tổ chức, với thành phần tham gia tương đối phức tạp (bao gồm cả các lính đánh thuê người nước ngoài và dân quân địa phương), dẫn đến những hành vi tàn bạo đối với thường dân Alawite.

Các cựu sĩ quan quân đội Syria thuộc cộng đồng Alawite như Muqdad Fteiha và Ghiath Suleiman Dalla đã tập hợp lực lượng phản kháng, đánh trả lực lượng an ninh chính phủ mới, từ đó đẩy cao thêm căng thẳng, khiến quân đội chính quyền HTS tiến hành đàn áp đẫm máu. Không chỉ vậy, sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài cũng góp phần làm tình hình thêm rối ren.

Điều đáng sợ nhất là, sinh mạng con người tại Syria lại đã bị đẩy vào một vòng xoáy vô định mới. Theo số liệu từ Đài quan sát Nhân quyền Syria, ít nhất 1.300 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột gần đây, trong đó có 800 dân thường, phần lớn thuộc cộng đồng Alawite.

Bên cạnh đó, một tấn thảm kịch nhân đạo mới cũng đã và đang dần thành hình, khi hàng nghìn người Syria phải bỏ nhà cửa đi tị nạn. Bạo lực còn làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các cộng đồng tôn giáo, khi thù hận giữa hai cộng đồng Sunni và Alawite đã bị đẩy tới mức cao nhất. Không những thế, tác động của bạo lực đã vượt ra khỏi biên giới Syria. Tại Lebanon, đụng độ đã xảy ra giữa các nhóm Sunni và Alawite ở thành phố Tripoli, tái diễn những cuộc xung đột giáo phái từng khiến 500 người thiệt mạng trong giai đoạn 2008-2014.

Diễn biến tình hình mỗi lúc một tồi tệ. Nhưng đến thời điểm này, Liên hợp quốc mới chỉ lên tiếng kêu gọi mở cuộc điều tra về các hành vi bạo lực nhằm vào dân thường.

Có lẽ, như thế vẫn là quá ít ỏi, để cứu vớt những người dân đang tuyệt vọng, trong một đất nước vốn đã chất chồng đau thương.