“Đây chính là cách để gia tăng tính bi kịch, cho một thảm kịch!” - ông Volker Turk, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền (UNHCHR), thốt lên. Theo ông, việc Israel tiếp tục sử dụng vũ lực sẽ chỉ làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của người dân Palestine - vốn đã phải chịu đựng những điều kiện thảm khốc, kể từ khi cuộc xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas bùng nổ.
Từ nước Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmytri Peskov cảnh báo: “Tình hình đã trở nên trầm trọng hơn, với một vòng xoáy leo thang khác”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto nhận định: Đợt không kích này sẽ “không chỉ làm gián đoạn lệnh ngừng bắn, mà còn làm gián đoạn con đường đưa tất cả các con tin (người Israel) trở về nhà”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập, nước làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Gaza cùng với Qatar và Mỹ, khẳng định: Đây là sự “vi phạm trắng trợn” lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 19/1, “đe dọa gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định của khu vực”. Qatar cũng lên tiếng chỉ trích các cuộc không kích của Israel, đồng thời nhấn mạnh cần nối lại đàm phán. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, cường quốc hàng đầu cộng đồng Arập Hồi giáo, thậm chí lên án “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất”, và kêu gọi cộng đồng quốc tế vào cuộc, để chấm dứt những gì họ mô tả là “tội ác chống lại người Palestine”.
Song, bất chấp tất cả những phản ứng gay gắt đó, Tel Aviv vẫn thể hiện một sự cứng rắn đáng sợ. Trên truyền hình ngày 18/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: Quân đội Israel sẽ trở lại các cuộc giao tranh với tất cả nguồn lực, và chiến dịch quân sự hiện nay sẽ tiếp diễn cho đến khi Israel đạt được toàn bộ các mục tiêu, bao gồm “giải thoát các con tin, loại trừ Hamas và bảo đảm rằng Gaza sẽ không còn mối đe dọa tiềm ẩn nào cho Israel”.
Theo ông, áp lực quân sự là một điều kiện cần thiết để có thêm con tin được phóng thích, sau khi phía Hamas bác bỏ đề xuất của Israel và Mỹ, nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn giai đoạn đầu kể trên (vốn đã kết thúc từ ngày 1/3). Cùng lúc, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Sa'ar cho biết: Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump “đã được thông báo trước và đã ủng hộ đợt tấn công này”.
Ngược trở lại quá khứ, với những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ lần trước của đương kim Tổng thống Mỹ, chúng ta sẽ thấy một bức tranh toàn cảnh với nhiều khía cạnh rõ ràng hơn. Khi đó, ông chủ Nhà trắng hiện tại đã đưa ra một cách tiếp cận mới đối với khủng hoảng ở Trung Đông. Ông công nhận Jerusalem là thủ đô mới của Israel. Ông thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Hồi giáo Arập láng giềng, thông qua hệ thống Hiệp định Abraham- được đặt trên cơ sở là các lợi ích hợp tác kinh tế, khiến lần lượt Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Sudan, Maroc và Bahrain “xiêu lòng”, nhưng ngược lại, hạ thấp lợi ích hợp pháp của phía Palestine, đồng thời xóa nhòa triển vọng về “giải pháp hai nhà nước” đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Do đó, những động thái từ Tel Aviv không làm giới quan sát bất ngờ.
Và câu hỏi nhức nhối nhất đặt ra lúc này: “Làm thế nào để ngăn chặn tấn thảm kịch tiếp diễn?” cũng vẫn chưa có lời giải.
Sát cánh với người dân Palestine trong một thông cáo chung, Chính phủ Brazil khẳng định sự ủng hộ đối với các quyền hợp pháp của người dân Palestine, bao gồm quyền tự quyết dựa trên giải pháp hai nhà nước, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu thiết lập một cơ chế bảo đảm việc tiếp nhận viện trợ nhân đạo, cũng như nhắc lại kế hoạch phục hồi, tái thiết và phát triển Gaza - đã được Liên đoàn các quốc gia Arập thông qua ngày 4/3.
Có điều, trong hiện thực, những cơ sở y tế đã thật sự quá tải trên khắp Gaza, như đánh giá của Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế. Điện đã bị cắt. Còn các hoạt động viện trợ nhân đạo, hiển nhiên, không thể tiến hành. Ở bên kia chiến tuyến, cả Hamas lẫn lực lượng Houthi cùng tuyên bố: Họ sẽ lại cầm súng lên...