Làm mới dòng ca khúc cách mạng

Thể hiện trọn vẹn tinh thần của ca khúc cách mạng luôn là thử thách đối với ca sĩ thế hệ sau và thậm chí có nơi, có lúc, những yếu tố mới mà nghệ sĩ trẻ đưa vào đã gây tranh cãi. Nhưng có một điều tất yếu, muốn có được đời sống tiếp nối lâu dài trong lòng khán giả hôm nay và tương lai, dòng ca khúc cách mạng cần được "làm mới".
0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Đăng Dương (áo đỏ) biểu diễn cùng nhóm Oplus liveshow " Tổ quốc gọi tên mình", tối 26/8/2023.
Ca sĩ Đăng Dương (áo đỏ) biểu diễn cùng nhóm Oplus liveshow " Tổ quốc gọi tên mình", tối 26/8/2023.

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Tối 26/8 vừa qua tại Hà Nội, ca sĩ Đăng Dương đã làm nức lòng khán giả yêu dòng nhạc cách mạng bằng show diễn "Tổ quốc gọi tên mình". Khán giả nhiều thế hệ ngồi chật khán phòng và không ngớt vỗ tay cho các tiết mục biểu diễn của Đăng Dương cũng như các nghệ sĩ tham gia chương trình. Vẫn là những ca khúc cách mạng mà ai cũng thuộc nằm lòng, như "Người chiến sĩ ấy", "Đường chúng ta đi", "Hành khúc ngày và đêm", "Tình ca",... nhưng Đăng Dương đã thổi vào đó một tinh thần mới qua những bản phối vừa hiện đại, phù hợp tâm lý người nghe hôm nay, vừa giữ được những gì là tinh túy, đặc sắc vốn có của dòng ca khúc cách mạng.

Giữa những làn sóng âm nhạc thịnh hành và chiều chuộng thị hiếu khán giả hôm nay, dòng ca khúc có âm hưởng hùng tráng, "kể chuyện" đất nước một thời gian lao vất vả với nhiều đau thương, khát vọng, may thay, vẫn còn không ít nghệ sĩ quan tâm, lựa chọn là con đường nghệ thuật để theo đuổi. Đăng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ, Việt Hoàn, Lan Anh,… là những cái tên tiêu biểu được nhắc đến khi nói về thế hệ kế cận những tên tuổi Trung Đức, Thu Hiền, Thanh Hoa, Quang Thọ đã vang danh. Những ca sĩ nhạc nhẹ như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Hà Trần cũng từng có những đóng góp đáng kể trong làm mới không ít ca khúc cách mạng.

Còn nhớ năm 2012, ca sĩ Tùng Dương với bản thể hiện lại "Chiếc khăn piêu" - ca khúc của nhạc sĩ Doãn Nho, sáng tác từ năm 1954, đã gây cơn sốt trong khán giả bởi tinh thần mới mẻ từ cách thể hiện của ca sĩ và bản phối khí. Tiết mục giành giải thưởng Bài hát của năm (chương trình Bài hát yêu thích của Đài Truyền hình Việt Nam). Ca sĩ Mỹ Tâm được khán giả nhiều lứa tuổi đặc biệt yêu thích khi thể hiện lại các ca khúc "Và ta lại viết sử xanh" (Kim Phụng), "Biển hát chiều nay" (Hồng Đăng). Đức Tuấn từng khiến khán giả ngạc nhiên thú vị khi phát hành album nhạc cách mạng "Những bài ca không quên". Thay vì thể hiện cái bi hùng một thời trong ca khúc ấy, Đức Tuấn bay bổng, sâu lắng, nghiêng nhiều về chất "tình" trong mỗi ca khúc, khiến cho không gian của bài hát trở nên ngọt ngào, tình cảm hơn qua những bản phối hiện đại mà tinh tế. Ca sĩ Vũ Thắng Lợi, một giọng nam trẻ gần đây để lại dấu ấn sâu đậm trong khán giả khi thể hiện những ca khúc cách mạng theo phong cách nhạc nhẹ cổ điển, trữ tình, gần gũi. Giọng ca sinh năm 1995 Thu Hằng - quán quân dòng nhạc dân gian giải Sao Mai cũng vừa phát hành album gồm 15 ca khúc cách mạng. Chị mong muốn mang đến sự tươi mới, bay bổng, mãnh liệt của tuổi trẻ qua cách thể hiện mạnh mẽ, trong sáng của mình. Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền thổ lộ: "Tôi rất bất ngờ với cách làm mới của Thu Hằng, hát trong tâm thế người kể chuyện, dễ nghe, dễ cảm thụ".

Một số ca sĩ trẻ thế hệ 8X, 9X còn mạnh dạn sáng tác ca khúc có chủ đề về Đảng, về cách mạng. Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng với ca khúc "Lá cờ", Hoàng Hồng Ngọc với "Lời Đảng hiệu triệu trái tim", Tạ Duy Tuấn với "Việt Nam ngày nắng mới",... những ca khúc này đã gây xúc động người nghe, tạo cơn sốt trên các nền tảng mạng xã hội.

Ranh giới mong manh

Các ca khúc cách mạng ra đời là để cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, truyền đạt lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước,... Để duy trì sự phổ biến của dòng ca khúc này trong đời sống hôm nay, cách thức đưa các ca khúc ấy đến với công chúng, nhất là công chúng trẻ, cần có những thay đổi sao cho phù hợp sự tiếp nhận của họ. Nhưng thay đổi, đổi mới như thế nào để mà vẫn giữ được những yếu tố cốt lõi của ca khúc cách mạng lại là câu hỏi không dễ trả lời.

Có không ít trường hợp cho thấy, sự "làm mới quá đà" của nghệ sĩ khi trình bày một ca khúc cách mạng đã gây ra hiệu ứng ngược. Trong chương trình Thần tượng đối thần tượng (The Heroes), phát sóng trên kênh VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) cách đây chưa lâu, một nữ ca sĩ trẻ "làm mới" ca khúc "Cô gái mở đường" (nhạc sĩ Xuân Giao) theo cách mặc đồ gợi cảm, hát và nhảy trên nền nhạc điện tử, khiến khán giả bức xúc, bởi nó hoàn toàn không phù hợp với một bài hát có nội dung ca ngợi lý tưởng cao đẹp của lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến. Ca sĩ này sau đó phải công khai xin lỗi khán giả. Thực tế đó cho thấy, ranh giới giữa việc làm mới và làm hỏng một ca khúc về chủ đề cách mạng là rất mong manh, đòi hỏi ca sĩ và đội ngũ thực hiện phải có sự am hiểu sâu sắc nội dung, tinh thần, thông điệp, hoàn cảnh ra đời của từng ca khúc, nhất là phải thấm nhuần được đặc điểm thẩm mỹ của ca từ và giai điệu - yếu tố mà các nhạc sĩ thế hệ trước hết sức chú trọng.

Sáng tạo luôn cần thiết nhưng không bao giờ được xa rời nền tảng cốt lõi của tác phẩm, không biến tác phẩm trở thành xa lạ với chính nó, và xa lạ với người nghe. Với các ca sĩ trẻ, thử thách lớn nhất là sự trải nghiệm trong giọng hát cũng như cuộc sống để có thể truyền tải một cách sâu sắc nội dung bài hát. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Minh Tâm, người chuyên hát ca khúc cách mạng, ông luôn giữ nguyên vẹn tinh thần hào sảng của mỗi ca khúc và "làm mới" dựa trên hòa âm, phối khí để mang hơi thở đương đại.