Kỳ vọng vị thế ngành y tế trong giai đoạn mới

Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, ở đó hệ thống y tế cần thực hiện tốt đồng thời cả ba vai trò: là trụ cột vững chắc về an sinh xã hội; bảo đảm an ninh y tế; là ngành dịch vụ đặc biệt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ca phẫu thuật bằng robot cho bệnh ung thư đường tiêu hóa. (Ảnh: nhandan.vn)
Các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ca phẫu thuật bằng robot cho bệnh ung thư đường tiêu hóa. (Ảnh: nhandan.vn)

Những năm qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong hành trình bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đến nay, mạng lưới cơ sở y tế ở nước ta phát triển rộng khắp từ trung ương xuống đến địa bàn cơ sở đã từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân mọi vùng miền từ ban đầu, cơ bản đến chuyên sâu. Đội ngũ nhân lực y tế cũng ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng với gần 500 nghìn người, trong đó có nhiều người là chuyên gia y tế có trình độ chuyên môn ngang tầm thế giới, thực hiện các kỹ thuật y học tiên tiến không thua kém các nước phát triển.

Năng lực cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không ngừng được nâng cao về cả số lượng, chất lượng, phạm vi và mức độ chuyên sâu của dịch vụ. Tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gia tăng bình quân hằng năm 5% trong giai đoạn 2015-2024, đạt tổng cộng 186,2 triệu lượt vào năm 2024.

Chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng được nâng cao, Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y khoa (ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai…). Nhiều kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao từ bệnh viện trung ương cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện các địa phương trong cả nước.

Với nỗ lực của cả hệ thống y tế, các chỉ số đầu ra sức khỏe của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt qua các năm. Tuổi thọ trung bình của người dân năm 2024 là 74,7 tuổi, đã đạt và vượt mức chỉ tiêu giao theo NQ 20 là 74,5 tuổi, cao hơn trung bình thế giới (73,3). Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế. Sức khỏe thể chất người Việt Nam được cải thiện đáng kể, cả về chiều cao và tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em.

Kết quả đánh giá về thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam năm 2023 đạt 68/100 điểm cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (62 điểm). Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm, từ năm 2019, Việt Nam đã được xếp vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao và duy trì cho đến nay.

Theo báo cáo Phát triển con người năm 2024 của UNDP, chỉ số HDI của Việt Nam đạt 0,726 xếp 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong ba chỉ số thành phần, thành tựu về sức khỏe đạt mức cao nhất.

Điều đáng ghi nhận xu hướng cải thiện các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam được đánh giá khá bền vững, ngay cả trong giai đoạn chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Mức độ tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân được tăng lên. Số liệu báo cáo từ các bệnh viện cho thấy năm 2024, tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú là 96,14%; người bệnh nội trú là 95,14%. Còn theo kết quả khảo sát độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, tỷ lệ hài lòng tăng từ 85,3% năm 2016 lên 85,8% năm 2020 và năm 2024 đạt 90,5%.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Đối với ngành y tế, vấn đề đặt ra là đóng vai trò ra sao và đóng góp như thế nào trong kỷ nguyên phát triển đó. Tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới.

Những thách thức này không chỉ đến từ những yếu tố nội tại của ngành mà còn bởi các yếu tố kinh tế, xã hội và công nghệ. Một trong những thách thức lớn nhất của ngành y tế là thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, tạo được nguồn nhân lực chất lượng tốt cho xã hội, tạo được cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc cho mọi người dân. Ai cũng được chăm sóc sức khỏe để đạt được mong muốn kéo dài tuổi thọ và có cuộc sống mạnh khỏe, xã hội trong lành, không có dịch bệnh, không có nguy hiểm.

Để giải quyết các thách thức đối với ngành y tế hiện nay và trong nhiều năm tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực y tế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh mười hai nội dung, từ đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế, nâng cao y đức trong cán bộ y tế, đến củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, hoàn thiện pháp luật y tế…

Theo PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), để có thể phát triển một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai, trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, hệ thống y tế cần nhận diện, tận dụng tốt những cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức của môi trường bên ngoài cũng như bên trong mà hệ thống y tế đang đối mặt.

Trong giai đoạn phát triển mới, hệ thống y tế cần thực hiện tốt đồng thời cả ba vai trò: là trụ cột vững chắc về an sinh xã hội và phát triển con người; là lá chắn bảo đảm an ninh y tế; là ngành dịch vụ đặc biệt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Trước hết, hệ thống y tế phải được phát triển tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, với mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thứ hai, hệ thống y tế phải có đóng góp tích cực và hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Sự đóng góp này có thể được thể hiện trên nhiều khía cạnh như chăm sóc sức khỏe bảo đảm nguồn nhân lực khỏe mạnh, góp phần cải thiện năng suất lao động toàn xã hội; chăm sóc sức khỏe là ngành kinh tế thu hút nhiều lao động, chủ yếu là lao động chất lượng cao; chăm sóc sức khỏe là ngành dịch vụ có doanh thu lớn, nhiều tiềm năng đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế...

Thứ ba, hệ thống y tế cần bảo đảm lan tỏa những thành quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội tới người dân, người dân được thụ hưởng những thành quả của quá trình tăng trưởng kinh tế, đó là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng với đặc trưng là dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, mang lại lợi ích trực tiếp và dễ nhận biết.