Kinh tế tư nhân - động lực của nền kinh tế và tiến bộ xã hội

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh VDO)
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh VDO)

Đó là: phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất để cùng các khu vực kinh tế khác xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong những năm qua, kinh tế tư nhân đã đóng góp chính cho cuộc sống “ấm no” qua tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam.

Củng cố định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong gần bốn thập niên qua, kinh tế tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ. Với khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, hàng triệu hộ kinh doanh nông nghiệp, trang trại, cá nhân kinh doanh, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Kinh tế tư nhân đã đóng góp mạnh mẽ để nền kinh tế đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, khả năng thích ứng và mức độ chống chịu của nền kinh tế ngày càng được nâng cao. Thực tiễn giai đoạn vừa qua cho thấy, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kinh tế tư nhân đã đóng vai trò trụ cột để Việt Nam vững vàng vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kế đến là sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Kinh tế tư nhân cũng góp phần tạo ra những dấu ấn đặc biệt về sự tăng trưởng kinh tế đi kèm các tiến bộ xã hội, các yếu tố xã hội, bình đẳng, môi trường, sinh thái. Thí dụ, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 1,93% theo chuẩn nghèo đa chiều vào năm 2024, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu nổi bật về nỗ lực xóa đói, giảm nghèo trong số các quốc gia đang phát triển. Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục cải thiện, đạt 0,73 điểm năm 2023, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập và nằm ở top 5 trong khu vực ASEAN.

Gần 40 năm qua, hàng chục triệu việc làm đã được tạo bởi khu vực kinh tế tư nhân. Tính đến thời điểm 2024, có tới hơn 42 triệu người lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra hơn 82% số lượng việc làm, sinh kế cho lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước.

Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước về thu nhập cho người lao động và khoảng cách này ngày một nới rộng hơn. Tổng thu nhập tạo ra cho người lao động bởi doanh nghiệp tư nhân trong nước đạt 1,17 triệu tỷ đồng (46,8 tỷ đô-la Mỹ) vào năm 2023, tương đương với xấp xỉ 10% GDP của cả nước trong cùng năm.

Không chỉ bảo đảm sinh kế, tổng thu nhập ngày càng tăng của các lao động doanh nghiệp tư nhân đã giúp tăng tổng thu nhập khả dụng, khả năng chi tiêu và qua đó quay trở lại thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là qua tăng tiêu dùng nội địa.

Kinh tế tư nhân - động lực của nền kinh tế và tiến bộ xã hội ảnh 1

Công nhân Công ty Tân Á Đại Thành đang làm việc.

Năm 2024, một công nhân trong doanh nghiệp tư nhân trong nước có mức thu nhập là 8,7 triệu đồng mỗi tháng. Trong năm 2024, một công nhân trong doanh nghiệp tư nhân trong nước có thu nhập cao hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 6,5-7 triệu đồng của người lao động trong ngành nông nghiệp.

Hiện thực hóa các giá trị cốt lõi

Kinh tế tư nhân cũng đóng góp quan trọng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Năm 2024, GDP bình quân đầu người của nước ta đạt 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Mức thu nhập này cao gấp hơn 50 lần so với 86 USD/người/năm vào năm 1988, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế.

Tầng lớp trung lưu (có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11-110 USD/ngày) đang hình thành nhanh chóng ở các đô thị lớn, hiện chiếm khoảng 13% dân số và dự báo sẽ tăng lên đến 26% vào năm 2026. Theo thống kê của Tạp chí Forbes (Mỹ), Việt Nam hiện có khoảng 5-6 tỷ phú USD.

Kinh tế tư nhân đã góp phần giúp chúng ta từng bước hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu”. Khái niệm “nước mạnh” có thể được nhìn nhận từ góc độ giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam, khi giá trị này cho tới nay đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.

Dự báo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ chạm cột mốc kỷ lục 800 tỷ USD. Hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cung ứng sẽ có mặt trên hơn 200 thị trường trên thế giới, trong đó có sự đóng góp mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân.

Các doanh nghiệp tư nhân cũng đóng góp đáng kể vào sự mở rộng của phạm vi che phủ của bảo hiểm xã hội và các chương trình an sinh xã hội. Do tổng số lao động trong các doanh nghiệp nhà nước suy giảm, lao động khu vực nhà nước và khu vực công duy trì ở mức ổn định và dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh do quá trình sắp xếp lại bộ máy đang diễn ra, các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế thuộc khu vực kinh tế tư nhân đóng một vai trò chủ chốt trong việc tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước từ 9,2 triệu người năm 2010 lên hơn 19,02 triệu người vào năm 2024.

Hằng năm, bảo hiểm xã hội được mở rộng với sự tham gia mới của khoảng 190.000 người lao động, hầu hết trong số này hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân cũng đóng góp hơn 30% vào con số kỷ lục về thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng trong năm 2024.

Sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân sẽ còn quan trọng hơn nữa đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh nhiều chương trình nhằm gia tăng phúc lợi xã hội cho người dân, thí dụ như các chính sách về miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước; chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035 hay chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và rất nhiều chương trình, chính sách về dịch vụ xã hội và phúc lợi xã hội khác.

Như vậy, kinh tế tư nhân không chỉ là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Sự đóng góp của kinh tế tư nhân về tiến bộ xã hội, phát triển xã hội như đề cập ở trên cho thấy phát triển kinh tế tư nhân không mâu thuẫn với định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nó thực sự hài hòa với con đường xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường chúng ta đã lựa chọn.