Kế hoạch không rõ, làm không dễ

Ngày 12/7, trước ba ngày so hạn định, Bộ Công thương đã có Tờ trình số 4548/TTr-BCT tới Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tuy nhiên, nhiều vấn đề và giải pháp được nêu ra trong bản kế hoạch vẫn chưa rõ ràng, nhất là các cơ chế, giải pháp cụ thể để nhà đầu tư tính toán rót vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Hà Dung
Nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Hà Dung

Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII gồm chín chương, nhằm cụ thể hóa các nội dung chủ yếu như: Dự báo chi tiết kết quả nhu cầu phụ tải điện; kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện; kế hoạch nhu cầu sử dụng đất cho đầu tư phát triển điện lực; các giải pháp, nguồn lực thực hiện…

Quy định, quy trình đánh đố thực thi

Theo dự thảo trên, tổng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 là hơn 86.000 ha, trong đó giai đoạn 2022-2025 là khoảng 46.000 ha. Nhu cầu diện tích mặt biển cần sử dụng vào khoảng 111.600 ha trong giai đoạn tới năm 2030.

Việc huy động vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 57,1 tỷ USD (nguồn điện là 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải là 9 tỷ USD) và của giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD (nguồn điện là 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải là 5,9 tỷ USD) đã ghi trong Quy hoạch điện VIII cũng được nhắc lại. Trong danh mục hơn 500 dự án lưới điện, có sự phân chia dùng vốn nhà nước hay để xã hội hóa…

Tuy vậy, được hỏi về dự thảo này, nhiều nhà đầu tư điện và các tư vấn vẫn còn khá băn khoăn bởi kế hoạch được xây dựng khá gấp gáp trong khi công tác thu thập, xử lý khối lượng số liệu và tính toán vô cùng lớn. Chẳng hạn như, một số nội dung chính phải làm theo trình tự, với kết quả bước trước là đầu vào cho tính toán bước sau nên cần khoảng ba đến bốn tháng (nếu dùng phương pháp gần đúng) và từ năm đến sáu tháng (nếu dùng phương pháp chi phí tối thiểu) để thực hiện.

Cần nhắc lại, Viện Năng lượng - cơ quan tư vấn lập Quy hoạch điện VIII từng lưu ý, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ cần phải chi tiết hóa các mục tiêu định hướng của quy hoạch được phê duyệt, tính toán quy mô cụ thể và tiến độ các dự án về lượng công suất nguồn điện và lưới điện cần thiết phát triển đồng bộ trong kỳ quy hoạch. Về điểm này, không ít chuyên gia năng lượng cho rằng, Dự thảo Kế hoạch chưa đưa ra các cơ chế, chính sách cụ thể, không có giá và chưa rõ người chịu trách nhiệm nên khó cho thực thi, nhất là khi nhìn vào những bế tắc tại các dự án cụ thể hiện nay.

Thêm nữa, Báo cáo "Rà soát quy định pháp luật liên quan tới việc xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện" của Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II vừa được hoàn tất tháng 6/2023 cũng đưa ra nhận xét, quy trình điều chỉnh quy hoạch phức tạp và khó khăn là không phù hợp quá trình đầu tư của ngành điện, không theo kịp thực tế phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, đề xuất, nên có cơ chế linh hoạt để thực hiện việc điều chỉnh này.

Như vậy, cần có nghiên cứu bổ sung các quy định, hướng dẫn liên quan điều chỉnh cục bộ quy hoạch thông qua kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó quy định về tiêu chí, nguyên tắc điều chỉnh cục bộ; quy định về trình tự, thủ tục, điều chỉnh cục bộ vừa bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình xem xét điều chỉnh cục bộ quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện trung hạn, trên cơ sở đó, Bộ Công thương phê duyệt Kế hoạch thực hiện hằng năm).

Loay hoay không chốt nổi giá điện

Ở Phụ lục II của Quy hoạch điện VIII có danh mục cụ thể tên 15 dự án điện khí LNG, trong đó có 11 dự án được ghi chú "Đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh" - nghĩa là chủ đầu tư không cần phải chờ tới khi Quy hoạch Điện VIII hay Kế hoạch triển khai được ban hành mới biết mình có thể làm gì. Tuy nhiên, các dự án điện khí LNG này cũng đã bế tắc thời gian dài trước đó và đến giờ chưa nhìn thấy lối thoát.

Lý giải về sự vướng mắc tồn tại đã lâu tại dự án Điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 của PV Power, phía PV Power cho hay, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo "đây là thỏa thuận sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", còn Bộ Công thương nhấn mạnh "đơn vị cần báo cáo cấp cao hơn", trong khi EVN thì cho biết "không đủ thẩm quyền để quyết định".

Tại Dự án điện khí LNG Bạc Liêu của nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, từng rất sôi động trên nghị trường Quốc hội khi có nhiều đại biểu quan tâm về việc sao không cấp giấy phép sớm, cũng không sáng sủa gì. Dù đã được cấp Chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2020, nhưng tới tháng 7/2023, vẫn chưa có tín hiệu gì về hoàn tất đàm phán giá điện và Hợp đồng mua bán điện (PPA) bởi vướng mắc trong giải quyết những điều kiện "chưa có tiền lệ".

Điều đáng nói, Quy hoạch điện VIII nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh. Phần lớn các dự án này được lên kế hoạch hoàn thành trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, với thực tế triển khai hiện nay của Dự án điện khí LNG Bạc Liêu, ngay cả khi đàm phán được về PPA đi nữa, cũng phải mất một năm để đóng tài chính và 42-48 tháng xây dựng… Cơ hội về đích trước năm 2030 rất hãn hữu.

Từ trường hợp này, chủ đầu tư những dự án điện khí LNG khác cũng có thể nhìn ra tương lai. Sẽ khó có dự án nào dám dấn thân như Dự án Nhơn Trạch 3-4, cứ triển khai xây dựng dù chưa thỏa thuận xong các điều kiện về mua bán điện và huy động nhà máy.

Nói về vấn đề này, PGS, TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực Miền Bắc nhấn mạnh, giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện. Trong chuỗi giá trị của ngành điện, gồm sản xuất - truyền tải - phân phối, khu vực tư nhân hiện chủ yếu tham gia khâu sản xuất điện (chiếm khoảng 70% chi phí cung cấp điện). Lợi nhuận của sản xuất điện được quyết định bởi hai yếu tố là giá điện và sản lượng điện thông qua thời gian vận hành công suất cực đại.

Với thực tế nguồn LNG phụ thuộc nhập khẩu là chính, giá LNG có thể vọt lên hơn 30 USD/triệu BTU như năm 2022 và dù đang xuống cũng như được dự báo sẽ ở mức 12-13 USD/triệu BTU trong lâu dài, thì giá điện sản xuất từ khí LNG vẫn là thách thức lớn đối với bên mua điện. Bên bán khó lòng chốt được giá mong muốn để đầu tư xây dựng và có được lợi nhuận ngay khi nhà máy điện được vận hành. Nghĩa là, dù có dự án được ghi trong Quy hoạch, thậm chí chủ đầu tư được xác định rõ ràng đi nữa, vẫn không chắc đã xây dựng nổi nhà máy điện.

Hệ quả của việc không có nhà máy điện mới vào hoạt động cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về điện của nền kinh tế có thể lỡ nhịp. Thực tế thiếu điện trong cuối tháng 5 và tháng 6 vừa qua ở miền bắc, khiến phải cắt điện luân phiên cũng là một minh chứng cụ thể cho nguyên nhân chính của việc thiếu nguồn. Với thực tế 6-7 năm trở lại đây không có nhiều nguồn điện mới và lớn, đủ khả năng chạy nền được xây dựng ở miền bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Mặc dù một lượng lớn điện năng lượng tái tạo đã được bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, song việc cấp điện ổn định cho nền kinh tế vẫn chưa được đáp ứng. Nguyên do, để phát huy các nguồn năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào thời tiết đòi hỏi phải có thêm hệ thống pin lưu trữ, các nhà máy thủy điện tích năng, các nhà máy điện linh hoạt (bổ sung kịp thời công suất năng lượng tái tạo hao hụt khi thời tiết biến động) hay hệ thống truyền tải lớn (để dẫn điện năng sản xuất ra tới những khu vực có nhu cầu tiêu thụ lớn).

Và tất cả các yếu tố này đều đòi hỏi nguồn đầu tư lớn để rồi cuối cùng vẫn tính vào giá điện. Đó là lý do vì sao mà mới đây, EVN lại tiếp tục đề nghị tăng giá điện từ tháng 9/2023. Không khó để nhìn ra thực tế, nếu giá điện không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, không đủ sức làm chuỗi giá trị của ngành điện thu được lợi nhuận để quay lại tái đầu tư, thì dù có xây dựng kế hoạch thế nào đi nữa, mọi mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII vẫn thật khó được hiện thực hóa.

Tính toán của đề án Quy hoạch điện VIII cho thấy, giá LNG (quy về năm 2020, không tính trượt giá) đến Việt Nam được dự báo là 10,6 USD/mmBTU giai đoạn 2021-2045 và giá đến nhà máy điện trung bình là 11,8 USD/mmBTU (1 mmBTU = 1 triệu BTU). Với mức này, giá điện sản xuất ra vào khoảng 9,2 UScent/kWh - cao hơn khoảng 1,1 UScent/kWh so chi phí sản xuất điện bình quân của hệ thống hiện nay.