Thực tiễn triển khai mô hình
Chủ trương dạy học hai buổi/ngày đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp vào Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, bắt buộc triển khai ở cấp tiểu học. Năm 2019, gần 80% học sinh tiểu học trên cả nước đã học hai buổi/ngày. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, hiện nay 100% trường tiểu học thực hiện mô hình này, và số trường THCS áp dụng cũng tăng đáng kể so với 5-10 năm trước.
Mặc dù Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 thiết kế cho cấp THCS dạy học một buổi, nhưng từ năm 2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các địa phương tự nguyện triển khai dạy học hai buổi/ngày nếu đủ điều kiện. Đến năm học 2024-2025, đã có hơn 20 tỉnh/thành phố, đặc biệt là các tỉnh miền bắc như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ triển khai đại trà mô hình này ở cấp THCS. Các địa phương tổ chức học 5 ngày/tuần, mỗi ngày không quá 7 tiết, và phần lớn không thu học phí buổi thứ hai để tạo sự đồng thuận từ phụ huynh.
Mô hình dạy học hai buổi/ngày tại bậc THCS đã được một số trường thực hiện hiệu quả, cho thấy sự sáng tạo trong tổ chức dạy học và khi có tâm huyết và quyết tâm, điều tưởng chừng khó khăn lại trở nên khả thi. Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) triển khai mô hình này từ năm 2013. Khi khái niệm “chương trình nhà trường” còn mới mẻ, học sinh đã được tham gia các tiết học lồng ghép trải nghiệm thực tế, như tham quan Bảo tàng và Vườn Sinh học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để khám phá, tự nghiên cứu và tạo sản phẩm học tập. Ngoài ra, trường còn tổ chức nhiều lớp nghệ thuật và thể thao tự chọn, từ sáo trúc, nhạc cụ dân tộc đến bóng đá, võ thuật, giúp học sinh theo đuổi đam mê và phát triển toàn diện. Thành công của chương trình này xuất phát từ sự đồng lòng của đội ngũ giáo viên trong việc xây dựng nội dung và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Không chỉ ở các thành phố lớn, nhiều trường ở vùng khó khăn như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Dế Xu Phình (Yên Bái), Trường THCS Tả Ngải Chồ (Lào Cai)… cũng triển khai thành công mô hình học hai buổi/ngày, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận giáo dục chất lượng. Các trường này không chỉ chú trọng đến giảng dạy mà còn đặc biệt quan tâm phát triển kỹ năng sống cho học sinh, tận dụng sự hỗ trợ từ cộng đồng và tích hợp các hoạt động văn hóa, thể thao vào các môn học chính khóa. Các hoạt động như dạy mỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường, tổ chức nhảy dân vũ vào giờ ra chơi, phát triển câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật và kỹ năng sống giúp học sinh phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, việc triển khai ở cấp THCS vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, nơi chỉ 50–60% học sinh THCS tại một số quận nội thành học hai buổi/ngày. Khó khăn chính bao gồm thiếu phòng học, thiếu giáo viên một số môn như Âm nhạc, Thể dục, Tin học, và việc thiết kế chương trình buổi chiều phù hợp, sau khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Hiện nay, nhiều trường THCS công lập ở Hà Nội thu học phí chính khóa (155.000 đồng/tháng) và phí học hai buổi (235.000 đồng/tháng) theo Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Điều này khiến một số phụ huynh băn khoăn chương trình buổi chiều không khác gì “học thêm trá hình”, gây tâm lý e ngại đối với việc mở rộng mô hình. Dự kiến, từ năm học 2025-2026, khi chủ trương miễn phí buổi học thứ hai được triển khai, những rào cản về tâm lý và tài chính sẽ dần được tháo gỡ.
Vì mục tiêu phát triển con người toàn diện
Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương tổ chức dạy học hai buổi/ngày đã bước sang một giai đoạn mới với tính đồng bộ và chiến lược rõ nét. Chỉ đạo mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng: từ năm học 2025–2026, các trường tiểu học và THCS sẽ triển khai dạy học hai buổi/ngày theo lộ trình phù hợp điều kiện từng địa phương, hoàn toàn miễn phí. Mục tiêu không chỉ là giảm áp lực học tập, mà còn tăng cường giáo dục văn hóa, nghệ thuật, thể chất, qua đó bảo đảm sự phát triển toàn diện cho học sinh. Để hiện thực hóa, Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư, đồng thời khuyến khích xã hội hóa.
![]() |
Những tiết học stem, chế tạo robot của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Đồng Văn (Hà Giang). |
NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định chủ trương này là minh chứng sống động cho quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tuy nhiên, để quốc sách ấy trở thành hiện thực, cần được thể hiện cụ thể qua từng quyết định nhỏ: từ thời khóa biểu, nội dung chương trình buổi chiều, suất ăn trưa cho học sinh, đến không gian nghỉ ngơi cho giáo viên. Đổi mới giáo dục không chỉ nằm ở chương trình hay sách giáo khoa, mà đòi hỏi sự chuyển mình trong tư duy lãnh đạo, cơ chế quản lý và phương thức tổ chức thực hiện.
Còn với nhà giáo Hà Trung Hưng, người sáng lập mô hình Trường THPT Trí Đức (Hà Nội) thì cho rằng đó chính là lời cam kết mạnh mẽ về một nền giáo dục công bằng, chất lượng với thông điệp: Mỗi học sinh đều có quyền được học tập đầy đủ và hạnh phúc. Một lớp học hiện đại không chỉ có bảng đen, phấn trắng, mà còn là nơi khơi dậy sáng tạo, nuôi dưỡng nhân văn, và mang lại những giờ học ý nghĩa.
Chủ trương tổ chức dạy học hai buổi/ngày miễn phí từ năm học 2025-2026 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và tích cực từ đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý và các chuyên gia giáo dục trên khắp cả nước. Bên cạnh niềm tin và kỳ vọng lớn lao, vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng trước những thách thức thực tế khi triển khai chủ trương này.
Bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội) cho biết: “Học hai buổi miễn phí chắc chắn sẽ giảm áp lực kinh tế cho nhiều gia đình, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có môi trường phát triển toàn diện hơn. Đây cũng là cơ hội để các nhà trường tự khẳng định mình. Tôi rất ngưỡng mộ sự sáng tạo của nhiều hiệu trưởng ở mọi miền đất nước. Họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn để phát triển chương trình nhà trường. Ở những ngôi trường đó, giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà còn là hành trình nuôi dưỡng học trò trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.
Đồng quan điểm này, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh nhấn mạnh: “Đây là một quyết sách đúng đắn và đầy tính nhân văn, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một nền giáo dục công bằng, chất lượng cao. Tuy nhiên, thành công của chủ trương sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên một cách kỹ lưỡng và đồng bộ. Trường chúng tôi hiện chỉ có 19 phòng học cho 36 lớp, phải tổ chức học luân phiên sáng chiều mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Muốn triển khai học hai buổi/ngày thì trường cần gấp đôi số phòng học hiện tại. Chúng tôi mong rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất để chủ trương này thật sự đi vào thực tế”.
Tại TP Hồ Chí Minh - nơi có tỷ lệ trường học hai buổi/ngày rất cao, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bảo Quốc khẳng định đây là một bước tiến quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường học tập lý tưởng cho học sinh phát triển hài hòa về phẩm chất và năng lực. Tuy nhiên, ông Quốc cũng không tránh khỏi lo ngại về vấn đề kinh phí: “Việc không thu phí buổi thứ hai sẽ tạo áp lực rất lớn lên ngân sách nhà nước và nguồn lực của các trường. Chúng tôi mong muốn sớm có hướng dẫn cụ thể từ cấp trên để có thể chủ động hơn trong việc triển khai, tránh bị động và lúng túng”.
Tại các tỉnh miền núi, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, sự kỳ vọng đi kèm với những băn khoăn thực tế hơn. “Điều kiện cốt lõi là phải xây dựng được một chương trình dạy học hai buổi/ngày thật phù hợp, đúng nghĩa. Bởi câu chuyện không chỉ đơn giản là mở cửa trường cho học sinh được tự do vui chơi, trải nghiệm, tận dụng cơ sở vật chất của các nhà trường. Nếu không tính kỹ, việc tổ chức buổi học thứ hai sẽ dễ biến tướng thành những hoạt động dạy thêm, học thêm trá hình”, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) chia sẻ.
Để chủ trương này thật sự thành công đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, giải quyết thấu đáo các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Và khi tất cả học sinh các trường tiểu học, THCS được học đủ, học tốt trong lớp học hai buổi/ngày chính là minh chứng sống động cho chủ trương đúng đắn thành hiện thực.