Hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Nam Định

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được thông qua tại Hội nghị T.Ư 8 (khóa XI), với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và tinh thần nghiêm túc, tích cực triển khai, ngành giáo dục tỉnh Nam Định đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Giờ học tại Trường THCS Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng.
Giờ học tại Trường THCS Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng.

Thời gian qua, Nam Định đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Tỉnh chú trọng triển khai thực hiện đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020, quan tâm việc tích hợp, lồng ghép nội dung thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp giáo dục giá trị và kỹ năng sống.

Giáo dục mầm non đạt nhiều thành tựu. Tính đến hết tháng 12-2017, toàn tỉnh đã có 176 trong số 266 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 66,5%; 73 trong số 266 trường mầm non đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, chiếm tỷ lệ 27,4%. Sau một năm thực hiện kế hoạch chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, cấp tỉnh đã xây dựng ba mô hình điểm chuyên đề đại diện cho các vùng miền, 19 mô hình điểm cấp huyện.

Nam Định đã triển khai xây dựng đề án ngoại ngữ 2020 và đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông với giáo viên nước ngoài, thực hiện giảng dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm (tại 48 trường THCS và 23 trường THPT); tăng cường dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (tại 56 trường với 15.600 học sinh), hằng năm phối hợp tổ chức IIG đánh giá năng lực tiếng Anh đầu ra cho học sinh các cấp học. Nam Định được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong chín tỉnh điển hình triển khai đề án ngoại ngữ 2020; kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 môn tiếng Anh của tỉnh đứng thứ chín toàn quốc và thứ hai miền bắc (sau Hà Nội).

Ngành giáo dục tích cực đổi mới hình thức dạy học, triển khai mô hình trường học mới. Ở cấp tiểu học, toàn tỉnh có 147 trường thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (chiếm 50%), trong đó, ba huyện Xuân Trường, Vụ Bản, Trực Ninh triển khai thực hiện ở tất cả các trường tiểu học. Với cấp THCS, từ năm học 2015-2016, tỉnh Nam Định triển khai thí điểm mô hình trường học mới tại 19 trường THCS trong tỉnh, sau đó mở rộng lên 22 trường với phương châm mềm dẻo, linh hoạt, khai thác những thành tố tích cực của mô hình trường học mới kết hợp với yếu tố “tinh hoa” của phương pháp dạy học truyền thống.

Hình thức và phương pháp thi cũng được cải tiến. Ở cấp trung học, từ năm học 2016-2017, Nam Định đã chuyển đổi từ môn thi thành bài thi, trong đó học sinh phải làm ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Bài tổng hợp. Bài thi tổng hợp gồm ngoại ngữ (học sinh được chọn một trong ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nga), khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, học sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm theo mẫu quy định. Việc tổ chức thi bài thi tổng hợp đáp ứng yêu cầu việc thực hiện đề án Ngoại ngữ đến năm 2025 vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện và tiếp cận với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay. Những đổi mới đột phá trong công tác tuyển sinh là một định hướng đúng, đã được chuẩn bị và có lộ trình; tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới kiểm tra đánh giá định hướng phát triển năng lực theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Mạng lưới trường lớp các cấp học duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện nay, cấp mầm non có 266 trường (262 trường công lập, bốn trường tư thục); cấp tiểu học có 292 trường; cấp THCS có 237 trường; cấp THPT có 57 trường (45 trường công lập, 12 trường tư thục). Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được đầu tư xây dựng mới với 12 nhà học đa năng trị giá gần 90 tỷ đồng, 10 nhà công vụ gần 30 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa hàng trăm phòng học, phòng học bộ môn với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Toàn tỉnh có 289 thư viện tiểu học, 174 thư viện trường THCS và 20 thư viện trường THPT đạt chuẩn, trong những năm học vừa qua tỉnh đã trang bị gần 500 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng và thông dụng cho các nhà trường.

Trên tinh thần sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các đơn vị đã thực hiện rà soát lại cán bộ, sắp xếp lại công việc cho phù hợp với khả năng cán bộ, viên chức và bố trí cán bộ kiêm nhiệm để giảm nhẹ bộ máy. Chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức nhìn chung bảo đảm, tuy nhiên theo quy định tại Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (ngày 16-3-2015) về việc quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tỉnh còn thiếu hơn 2.000 giáo viên.

Kỳ thi THPT quốc gia năm học 2017 - 2018, Nam Định tiếp tục nằm trong tốp đầu với điểm bình quân các môn thi xếp thứ nhì toàn quốc; tám trong chín môn thi trong tốp 10 địa phương có điểm bình quân cao nhất cả nước. Năm 2018, tỉnh có 89 học sinh tham dự ở 11 bộ môn thi học sinh giỏi quốc gia, đoạt 73 giải. Bảy học sinh ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham dự vòng 2 chọn đội tuyển Việt Nam tham gia Ô-lim-pích quốc tế năm 2018. Trong đó, em Hoàng Thanh Tùng, học sinh lớp 12 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đoạt Huy chương bạc quốc tế môn Hóa học tại Séc và Xlô-va-ki-a.

Thời gian tới, Nam Định tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung, mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành; đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông…