Thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, các trường đại học trên cả nước đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị.
Đưa lý luận chính trị gần hơn với sinh viên
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Công tác giảng dạy lý luận chính trị luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc, các đơn vị trực thuộc quan tâm sâu sắc. Đại học Kinh tế quốc dân đã thành lập Khoa Lý luận chính trị để thực hiện đào tạo lý luận chính trị cho sinh viên, học viên. Nhà trường thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó lồng ghép hiệu quả vào nội dung giảng dạy. Đội ngũ giảng viên không chỉ đạt chuẩn về chuyên môn mà còn dày dạn kinh nghiệm, nhiệt huyết với nghề, luôn tích cực trau dồi kiến thức và đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp sinh viên tiếp cận sâu sắc và hiệu quả hơn với các môn Lý luận chính trị.

Khảo sát việc đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân
Với tinh thần lấy người học làm trung tâm, nhà trường chú trọng phát huy tính tự giác và sáng tạo của sinh viên thông qua đa dạng các hình thức học tập như: Giảng lý thuyết, thảo luận nhóm, khuyến khích tự học, tự nghiên cứu. Nội dung giảng dạy cũng được xây dựng theo hướng gắn kết lý luận với thực tiễn của đất nước. Giáo trình không ngừng được cập nhật theo những quan điểm của Đảng và Nhà nước trong giải quyết các vấn đề chính trị-xã hội qua từng giai đoạn lịch sử và những định hướng của Đảng trong giải quyết các vấn đề liên quan trong tương lai.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên từng bước lượng hóa thông tin, xác định rõ các nội dung cốt lõi và điểm nhấn quan trọng để phân tích, luận giải, giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ. Điều này góp phần làm kết quả học tập các môn học Lý luận chính trị có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sinh viên đạt điểm giỏi và xuất sắc tăng lên rõ rệt, số lượng sinh viên đạt điểm khá cũng cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, sinh viên không còn thờ ơ mà tích cực tham gia thảo luận, tương tác nhóm, phản biện về các vấn đề được đặt ra, tạo nên không khí học tập sôi nổi và hiệu quả.
Còn ở Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường cũng không ngừng đổi mới và đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, giúp sinh viên tiếp cận môn Lý luận chính trị một cách sinh động, trực quan và hấp dẫn hơn. Theo Tiến sĩ Trần Việt Thắng, Phó trưởng khoa Lý luận chính trị, giảng viên đã linh hoạt sử dụng các phương tiện giảng dạy tiên tiến như máy chiếu, máy tính, video, phần mềm dạy học, giúp sinh viên hứng thú hơn trong quá trình học tập và nắm bắt kiến thức hiệu quả hơn, nâng cao trải nghiệm học tập.
Song song với các lớp học trực tiếp tại giảng đường, giảng viên thuộc các nhóm chuyên môn còn chủ động thiết lập lớp học trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams. Việc này giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập, trao đổi thông tin, cũng như ôn tập kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả. Các nhóm chuyên môn cũng đã hoàn thiện bài giảng theo hình thức giảng dạy kết hợp trực tiếp-trực tuyến, giúp người học có thêm nguồn tài liệu số.
Không chỉ dừng lại ở giảng đường, Đại học Bách khoa Hà Nội thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, thành lập Câu lạc bộ Lý luận trẻ cũng như các cuộc thi tìm hiểu về lý luận chính trị. Những hoạt động này tạo cơ hội để sinh viên thảo luận, phản biện, lồng ghép lý luận với thực tiễn, giúp các em rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, nâng cao hiểu biết về các vấn đề thời sự, chính trị.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại nhiều trường đại học đã mang đến không khí học tập sôi nổi và hứng thú hơn cho sinh viên. Em Nguyễn Phương Thảo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, giờ đây sinh viên được chia thành các nhóm học tập, thảo luận, phân tích sâu hơn về các khái niệm phức tạp. Không còn là những buổi học thụ động, sinh viên được khuyến khích đặt câu hỏi, phản biện, chủ động tìm hiểu thêm tài liệu để chia sẻ với bạn bè. Em Nguyễn Quang Kiên, sinh viên ngành Truyền thông Marketing (Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ: “Chúng em không chỉ học kiến thức lý luận mà còn được hướng dẫn làm việc nhóm, tiếp cận nhiều đề tài thực tiễn. Nhờ vậy, chúng em không chỉ học để nhớ, mà còn học để hiểu và áp dụng vào thực tế”.
Cần thêm nhiều "hơi thở" thực tiễn
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, quá trình giảng dạy các môn Lý luận chính trị cũng đối mặt với không ít thách thức. Đặc thù môn học mang tính trừu tượng, nặng về lý thuyết hàn lâm, khiến một bộ phận sinh viên ngại học, có tư tưởng xem nhẹ, coi đây là môn học phụ, ít giá trị thực tiễn. Thêm vào đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội tác động không nhỏ tới hoạt động giảng dạy và học tập, yêu cầu giảng viên phải liên tục cập nhật kiến thức mới, bổ sung vào bài giảng, định hướng sinh viên nhận thức đúng đắn về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Như Lôi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân nhận xét, hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, đào tạo lý luận chính trị chậm được đổi mới; nội dung chương trình còn nặng về lý thuyết; chế độ, chính sách cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị chưa được quan tâm đúng mức.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương thống nhất thời lượng giảng dạy đối với các môn lý luận chính trị tại các trường đại học, bảo đảm vị trí của các môn học là như nhau; đồng thời, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo mở các lớp cập nhật kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học cho đội ngũ giảng viên, tổ chức hội thảo khoa học và các cuộc thi về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để thu hút sự tham gia của giảng viên và sinh viên. Đại học Bách Khoa cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong việc sắp xếp các môn học lý luận chính trị theo sự thống nhất chung, phân bổ hợp lý theo các học kỳ; nhất là, cần xem xét lại tính trùng lặp về nội dung giữa học phần Triết học Mác-Lênin ở bậc đại học và cao học để tối ưu hóa thời gian và kiến thức cho người học.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Ngô Đông Hải: Trung ương, Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo cao cấp luôn khẳng định và nhất quán quan điểm giáo dục lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ dành riêng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn mở rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trước yêu cầu phát triển mới, vấn đề đặt ra là làm thế nào để công tác giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường thật sự đi vào chiều sâu, trở nên thực chất, phù hợp và được nhìn nhận, đầu tư đúng với vai trò, vị trí vốn có. Đây chính là nền tảng để hình thành ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh vững vàng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng đội ngũ kế cận đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Do vậy, cần để cả người dạy và người học thấy rõ đây là một lĩnh vực có vai trò thiết thực. Việc giảng dạy phải hài hòa giữa tính đảng, tính chính trị và tính khoa học, tạo nên sự cân đối và phù hợp trong quá trình truyền đạt. Về phía sinh viên, các em cần cùng với giáo viên nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, coi những môn học lý luận chính trị là những môn học hữu ích, quan trọng, không chỉ giúp mở rộng kiến thức mà còn định hình nhân sinh quan, phát triển phương pháp tư duy đúng đắn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để các em tiếp tục học tập, nghiên cứu và cống hiến hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị trong nhà trường cần được triển khai một cách toàn diện. Ý nghĩa và mục đích của các môn lý luận chính trị là rất lớn, nếu kết quả đạt được không tương xứng, các thầy giáo, cô giáo cần lưu tâm nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo sự hấp dẫn và hữu ích thật sự cho sinh viên.