Hải Phòng sẽ chính thức đón nhận danh hiệu “Thành phố Anh hùng” vào ngày 13/5, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2025), một dấu mốc lịch sử quan trọng, càng làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị của danh hiệu đối với mỗi người dân thành phố Cảng.
Với quyết định này, Hải Phòng vinh dự sánh vai cùng các đô thị lớn trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” năm 2005 và Thủ đô Hà Nội, được phong danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000.
Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ, đóng góp to lớn của các thế hệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh để Hải Phòng phát huy truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, tiếp tục vững bước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
THÁI BÌNH ĐẦU TƯ GẦN 5.000 TỶ ĐỒNG LÀM ĐƯỜNG NỐI VỚI HƯNG YÊN
Tỉnh Thái Bình quyết định đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi huyện Hưng Hà kết nối với tỉnh Hưng Yên với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.928 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách của tỉnh và Trung ương hỗ trợ; thời gian thực hiện từ 2025-2028.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 24,8 km, đi qua thành phố Thái Bình, huyện Vũ Thư, huyện Đông Hưng và huyện Hưng Hà, sử dụng 182,23 ha diện tích đất. Điểm đầu của dự án tại nút giao giữa đường vào Khu công nghiệp Sông Trà với Quốc lộ 10 (tuyến tránh S1), trên địa phận thành phố Thái Bình; điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Luộc, trên địa phận xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà.
Hiện Thái Bình cũng đang triển khai các dự án giao thông khác, như: Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43 km; “siêu” dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, trong đó đoạn qua tỉnh Thái Bình có chiều dài hơn 33 km; tuyến đường từ Thái Bình đi Cồn Vành; đường từ thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn và một loạt các tuyến đường trục quan trọng khác trong Khu kinh tế Thái Bình.
HƠN 1.654 KM ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐƯỢC CHIẾU SÁNG
Nhờ chủ trương hỗ trợ kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình thông qua Chương trình “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay toàn tỉnh đã có 227 lượt xã đăng ký tham gia và được phê duyệt thực hiện với chiều dài hơn 1.654 km đường giao thông nông thôn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 29,3 tỷ đồng.
Chương trình không chỉ thắp sáng các tuyến đường quê, làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân. Đồng thời khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ưu tiên khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch để phục vụ sản xuất, đời sống.
HẢI DƯƠNG TĂNG CƯỜNG TIÊM PHÒNG SỞI CHO TRẺ
Các cơ sở y tế ở Hải Dương vừa đồng loạt tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em. Tổng số trẻ được tiêm đợt này là 3.980 em, gồm 1.750 bé từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và 2.230 học sinh từ 11 đến dưới 15 tuổi.
Trước đó, trong chiến dịch tiêm phòng sởi vào cuối tháng 3, toàn tỉnh có 9.573 trẻ được tiêm phòng, đạt tỷ lệ 95,27%. Trong đó, tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng đạt 90,3%; từ 1-5 tuổi đạt 97,14% ; từ 6-10 tuổi đạt 97,08%.
Từ đầu năm đến cuối tháng 4, Hải Dương ghi nhận gần 700 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2024 không xuất hiện ca nào. Khoảng 92% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh đã giảm, tuy nhiên việc phòng chống bệnh sởi không được chủ quan. Tiêm vaccine phòng sởi là giải pháp tối ưu để tạo miễn dịch cộng đồng, hạn chế bệnh lây lan.
Dự kiến, các trạm y tế xã, phường, thị trấn ở Hải Dương sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em bổ sung trong 2 ngày 9 và 10/5.
BẮC NINH LẦN ĐẦU PHÁT HIỆN TƯỜNG THÀNH NGOẠI LUY LÂU XÂY GẠCH
Trong đợt khai quật khảo cổ học tại vị trí tường thành ngoại phía tây, thành cổ Luy Lâu (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được thực hiện từ ngày 25/3 đến 29/4/2025 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh thực hiện, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc quý giá. Đặc biệt là đường móng kiến trúc xây bằng gạch chữ nhật mầu xanh xám dài khoảng 3,3m, xây tường đôi rộng 40cm chạy dọc tường thành hướng về phía sông Dâu. Việc lần đầu tiên xác định tường thành ngoại phía tây được xây bằng gạch là một phát hiện quan trọng, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về kiến trúc thành cổ Luy Lâu trong dòng chảy lịch sử.
Đợt khai quật này cũng thu được nhiều di vật phong phú, gồm các loại gạch xây, trang trí hoa văn tinh xảo; ngói ống, máng và đồ gia dụng bằng đất nung, sành, gốm men như bát, đĩa, bình, vò... Một số viên gạch mang ký tự Hán cổ cung cấp những tư liệu quý cho việc xác định niên đại và bối cảnh văn hóa, chính trị của thành Luy Lâu. Các nhà khoa học kiến nghị cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương sớm có phương án bảo vệ hiện trạng, nghiên cứu phương án phát huy trưng bày tại chỗ; góp phần quảng bá giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của thành cổ Luy Lâu tới công chúng và bạn bè quốc tế.