Ý nghĩa từ những điều kiện thiết yếu
Vừa được các anh chị áo xanh, đại diện Đoàn thanh niên các cấp của tỉnh tặng quà, các em phấn khởi hơn. Cầm trên tay những gói kẹo mang hương liệu trái cây, chai nước suối và những ổ bánh mì còn nóng, các em ăn thật ngon.
Các cụ bà, cụ ông cũng rất hào hứng, với những gói quà vừa được Tỉnh đoàn Quảng Bình trao tặng. Không lâu nữa sau cuối mùa hè 2022 này, họ sẽ được sở hữu những nhà tiêu hợp vệ sinh và một số công trình khác do Tỉnh đoàn Quảng Bình vừa khởi công xây dựng. Cả bản K-Ai vui như ngày hội, bởi hôm nay tại đây, Tỉnh đoàn Quảng Bình phối hợp chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tổ chức Lễ ra quân thanh niên tình nguyện hè và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022, với nhiều hoạt động rất sôi động và nhân văn.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ra mắt 5 đội hình thanh niên tình nguyện, giao nhiệm vụ và triển khai các công trình, phần việc thanh niên cho 14 đơn vị, trao tặng 20 phần quà cho bà con dân bản có hoàn cảnh khó khăn, 20 suất quà cho học sinh vượt khó học giỏi. Cùng đó, chương trình còn tặng 50 áo phao cho thanh niên, thiếu nhi, 5 bộ máy vi tính cho các trường học trên địa bàn bản K-Ai; đồng thời hỗ trợ xây dựng 10 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình khó khăn… với tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Sau lễ ra quân, tại Hạt kiểm lâm bản K-Ai, các đại biểu cùng đoàn viên, thanh niên tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con; tổ chức làm vệ sinh môi trường tại các trục đường, cống nước, những điểm rác thải ứ đọng trên toàn xã Dân Hóa; cắt tóc miễn phí cho các em học sinh tại điểm Trường mầm non Bản K-Ai; khởi công xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho Trường tiểu học Bãi Dinh, công trình tập kết rác thải cho các điểm trường mầm non và khánh thành Nhà nhân ái tại bản K-Ai.
Ông Hồ Xuân Thái, Phó Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa xúc động chia sẻ: “Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân xã nhà, góp phần giúp bà con bớt đi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tuổi trẻ Quảng Bình và Bộ đội Biên phòng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở bản K-Ai xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chúng tôi”.

Còn khó nhưng còn hy vọng
Từ thị xã Ba Đồn, vượt hơn 120km theo quốc lộ 12A, đoàn chi hội văn học nghệ thuật Quảng Trạch - Ba Đồn đã khá thấm mệt, nhưng ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi khi chạm đến đỉnh Trường Sơn lộng gió. Các tác giả đã trân trọng, tặng phòng đọc của đơn vị hơn 30 ấn phẩm, gồm các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, thơ và lý luận phê bình...
Cổng trời Cha Lo là một di tích thuộc quần thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Một “chứng nhân” gắn liền nhiều sự kiện lịch sử hào hùng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1965 đến 1973, nơi đây là trận địa pháo phòng không của Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân anh hùng, để bảo vệ an toàn con đường cho những đoàn xe ngày đêm ra tiền tuyến. Nhà văn Hoàng Minh Đức nhớ lại: Nơi này có cái hang mà nhà văn Trần Khởi từng tạm trú, để chuyển một liệt sĩ về hậu cứ, trong đêm đầu anh ra mặt trận. Năm 2018 trở lại Cổng Trời, anh đã nhảy xuống hang và khóc nức nở, khi “sống lại” tuổi 18 thời mới nhập ngũ.
Trong câu chuyện thân tình của các chiến sĩ bên lề cuộc hội ngộ, chúng tôi đã hiểu được rằng, trụ sở của các anh hiện ở còn gặp nhiều khó khăn, được xây dựng tạm bợ sau vụ sạt lở núi kinh hoàng hồi cuối tháng 10/2020, làm hư hỏng nhiều hạng mục, đặc biệt là khu nhà ở của cán bộ, chiến sĩ bị sụp đổ hoàn toàn, trong đó có khu vực chỉ huy tác chiến. Hiện, toàn bộ công trình này đã phải di dời hoàn toàn và một công trình đồn biên phòng mới cũng đang trong quá trình xây dựng.
Phía trước còn nhiều khó khăn, từ trong cuộc sống đồng bào các dân tộc, từ trong sinh hoạt hằng ngày của cán bộ chiến sĩ, khi phải sống trong lều trại tạm bợ. Những tập tục cổ hủ, lạc hậu vẫn còn đeo bám như tục cưới vợ ba lần, tục chôn người chết không có nấm mồ và nhanh chóng bị khỏa lấp theo cát bụi thời gian mà không để lại hương khói, thờ phụng... Phụ nữ Khùa, Mày rất vất vả, cứ 4 giờ sáng dậy rang lúa, giã gạo rồi địu con lên nương, lên rẫy đến chiều mới về. Cuộc sống cứ thế trôi đi và kinh tế gia đình chủ yếu có được từ nguồn trợ cấp của chính quyền. Nhưng Cha Lo đang hứa hẹn nhiều sự đổi thay, bởi nơi đây nhiều công trình giao thông, dịch vụ thương mại và du lịch đang lần lượt hoàn thiện. Những ngôi trường mới, trạm y tế tiếp tục khởi công xây dựng; ngay cả con đường 12A độc đạo lên với Cha Lo cũng đang được cải tạo và mở rộng thêm.
Chia tay, lòng dạt dào xúc động, những âm vang còn ngân lên phía mờ xa: “Ơi Cha Lo! Hỡi Cha Lo! Nơi rừng núi miền tây Tổ quốc, bừng sáng lung linh một vì sao...”.
Địa hình quanh cổng trời Cha Lo khá hiểm trở, rừng và rừng cứ chen chúc nhau tầng tầng lớp lớp, chốc chốc những ngọn núi sừng sững vút cao. Đặc biệt nhất ở đây, các loài lan rừng sống bám chi chít trên các cành, thân cây, tỏa hương ngạt ngào, hòa cùng hương liệu của nhiều loài thảo dược, tạo ra trong không gian thứ mùi thơm dễ chịu của xứ núi rừng miền biên viễn.