EU nhất trí dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria

Syria đánh giá cao quyết định dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt kinh tế của EU, cho biết quyết định này ghi dấu "sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Syria-châu Âu".
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tại thủ đô Damascus, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân tại thủ đô Damascus, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/5, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Syria nhằm giúp nước này phục hồi sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X sau cuộc họp cấp ngoại trưởng EU tại Brussels (Bỉ), Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh, bà Kaja Kallas nêu rõ: "Chúng tôi muốn giúp người dân Syria xây dựng lại một Syria mới, toàn diện và hòa bình".

Các nhà ngoại giao EU cho rằng động thái này sẽ giải phóng tài sản của ngân hàng trung ương và giúp tái hòa nhập các ngân hàng Syria vào hệ thống toàn cầu. Tuy nhiên, EU có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với cá nhân vì gây căng thẳng sắc tộc.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, Bộ Ngoại giao Syria đánh giá cao quyết định của EU, cho biết quyết định này ghi dấu "sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Syria-châu Âu được xây dựng trên sự thịnh vượng chung và tôn trọng lẫn nhau".

Phát biểu họp báo chung với Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đang có chuyến thăm Damascus, Ngoại trưởng Syria Asaad al-Shaibani nhấn mạnh "cánh cửa đang mở" cho đầu tư vào Syria khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng al-Shaibani nêu rõ: "Người dân Syria đang chứng kiến một thành tựu lịch sử khi EU quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến các quốc gia thành viên EU và tất cả những người đã đóng góp vào thành công này".

Ngoại trưởng Syria nói thêm rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để cải thiện "an ninh, ổn định và thịnh vượng" trên khắp Syria, đồng thời kêu gọi thúc đẩy một tầm nhìn quốc gia mới vì tương lai của Syria.

Các lệnh trừng phạt chống lại Syria, lần đầu tiên được áp dụng cách đây hơn 1 thập niên ngay sau khi cuộc xung đột Syria nổ ra vào năm 2011, bao gồm các hạn chế về thương mại, giao dịch năng lượng, ngân hàng và du lịch.

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho quốc gia Trung Đông tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài, thị trường quốc tế và các dự án phát triển nhân đạo.

Ủy ban châu Âu (EC) hiện vẫn chưa công bố quyết định chi tiết về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hoặc các điều kiện kèm theo quyết định này.

Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao tiết lộ động thái mới nhất của EU được đưa ra sau quá trình phối hợp tham vấn và đối thoại bí mật kéo dài nhiều tháng giữa các bên liên quan.

Cùng ngày, phát biểu tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo “có thể chỉ còn vài tuần chứ không phải nhiều tháng nữa”, chính phủ chuyển tiếp Syria có nguy cơ sụp đổ và có thể xảy ra một cuộc xung đột toàn diện quy mô lớn, với hệ quả cơ bản là đất nước bị chia cắt.

Việc tiềm ẩn nguy cơ này có liên quan đến sự trỗi dậy trở lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở những khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ chuyển tiếp.

Ngoại trưởng Rubio đưa ra phát biểu trên sau một loạt vụ tấn công đẫm máu vào các nhóm thiểu số Alawite và Druze ở Syria. Theo ông, Tổng thống Trump còn có kế hoạch miễn trừ Đạo luật Caesar, đạo luật áp đặt lệnh trừng phạt đối với đầu tư vào Syria nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình liên quan đến các hành vi lạm dụng dưới thời Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, các lệnh miễn trừ như vậy chỉ là tạm thời và Syria vẫn bị Mỹ phân loại là quốc gia tài trợ cho khủng bố. Điều này là một trở ngại lớn đối với các giao dịch kinh doanh của Syria.

Trả lời câu hỏi về việc liệu chính quyền Mỹ có tìm cách xóa tên Syria khỏi danh sách đen khủng bố hay không, Ngoại trưởng Rubio đáp: "Có, nếu họ đáp ứng tiêu chuẩn".

Vào tuần trước, trong chuyến thăm Saudi Arabia (Ảrập Xêút), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dưới thời cựu Tổng thống Assad và gặp gỡ Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa.