Đô thị hóa ở làng cổ La Khê

Vùng đất cổ thành khu đô thị mới

Từ cầu Hà Ðông, đi thẳng thêm 2km nữa trên phố Quang Trung (quốc lộ 6) là đến địa phận của phường La Khê. Ðây là một trong những làng cổ, có lịch sử hình thành gần 1.000 năm, vùng đất Tứ quý danh hương, nổi tiếng với đình làng La Khê nơi có hai di tích lịch sử-văn hóa Bia Bà và Bia Thánh Sư thờ mười ông tổ nghề the lụa. Một làng nghề truyền thống với nghề dệt the từng phát triển rực rỡ, được ca tụng trong dân gian với câu ca "The La, lụa Vạn, chồi Phùng".

Ðến La Khê hôm nay, chẳng còn tiếng canh cửi dệt the lụa, dấu vết ngôi làng cổ mai một dần. Làng cổ nằm ở vị trí "đắc địa" được quy hoạch thành một trong những phường trung tâm của quận Hà Ðông. Hiện nay, La Khê đang là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất quận. Ðường Lê Trọng Tấn, đường Lê Văn Lương kéo dài rộng thênh thang, đoạn nằm trên địa bàn phường đã cơ bản hoàn thành, "kéo" La Khê ngày càng về gần trung tâm thành phố, tạo điều kiện thuận lợi phát triển đô thị cho khu vực. Cả ngôi làng cổ như một công trường xây dựng lớn. Tiếng động cơ chạy ầm ầm trên những con đường đầy bụi, không khí xây dựng khẩn trương ở những khu đô thị mới và cả trong những khu dân cư cũ. Nhà chung cư cao tầng, nhà biệt thự của các khu đô thị, nhà các hộ dân dọc theo những con đường mới mở, mọc lên nhanh chóng từng ngày.

Chủ tịch UBND phường La Khê Nguyễn Duy Hiến cho biết: Trước đây, La Khê có 151 ha đất canh tác, hơn 80% số hộ dân có ruộng. Nhưng chỉ trong vòng hơn hai năm, từ năm 2006 đến 2008, gần như toàn bộ đất canh tác của La Khê đã được bàn giao để thực hiện các dự án làm đường, xây dựng các khu đô thị mới, hiện chỉ còn lại 1,8 ha đất xen kẹt, phường tìm giải pháp chuyển đổi mục đích sử dụng đúng quy hoạch. Trên địa bàn phường đang triển khai đồng thời 14 dự án phát triển nhà ở, đô thị. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm như xây dựng đường Lê Trọng Tấn, đường Lê Văn Lương kéo dài, các dự án xây dựng lớn như dự án khu nhà ở Văn Khê rộng 30 ha, khu đô thị mới Dương Nội rộng 19 ha, khu đô thị Lê Trọng Tấn rộng 44 ha...

Từ làng nghề truyền thống, hôm nay, La Khê đã trở thành vùng đô thị mới, có hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, khang trang, hiện đại ở phía tây Thủ đô.

Thiếu việc làm và ô nhiễm môi trường

Ðến La Khê hôm nay, hiếm thấy căn nhà một tầng, lợp mái ngói. Thay vào đó, là những ngôi nhà bề thế, rộng từ 60-70m2 đến hàng trăm m2 được xây dựng theo phong cách hiện đại. Cán bộ địa chính của phường cho chúng tôi biết: Hai năm gần đây, mỗi năm có hàng trăm hộ dân của phường xây dựng nhà mới. Sáu tháng đầu năm nay, tốc độ xây dựng tuy đã chững lại, nhưng vẫn có tới 30 hộ xây mới, mười hộ cải tạo, sửa chữa nhà. Các tổ dân phố đều có nhà văn hóa mới xây dựng, làm nơi sinh hoạt, hội họp cộng đồng. Ðường nội bộ khu dân cư được quy hoạch rộng rãi, bê-tông phẳng lỳ, ô-tô vào từng ngõ.

Tuy không còn đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện tại mức sống của người dân khá ổn định. Với khoản tiền đền bù khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ gia đình chuyển hướng xây nhà cho thuê, hoặc đầu tư kinh doanh, mở xưởng sản xuất... Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hộ dân sử dụng khoản tiền này hoang phí, không có kế hoạch. Nhiều nhà khi nhận được tiền đã đập nhà cũ, xây nhà mới, rộn ràng mua sắm ti-vi, tủ lạnh, điều hòa, xe máy... tốn kém hàng trăm triệu đồng, có nhà thậm chí bán suất đất dịch vụ để mua sắm. Ðại diện chính quyền phường cho biết: Khi hết đất nông nghiệp, phường đã tuyên truyền, nhắc nhở bà con sử dụng tiền đền bù có kế hoạch, đúng mục đích. Tuyên truyền là thế, còn chi tiêu thế nào các hộ dân tự quyết định. Bà Ngô Thị Nấm, Tổ trưởng dân phố số 4 cho biết: Nhìn hiện tại thì thấy mọi chuyện cũng ổn, vì hầu hết nhà nào cũng rủng rỉnh tiền đền bù khi thu hồi đất. Nhưng mấy năm nữa thì sẽ ra sao khi tiền đền bù tiêu hết, đất ruộng không còn, lực lượng lao động từ 40 tuổi trở lên thiếu việc làm.

Vấn đề việc làm cho người lao động hiện là bài toán nan giải ở La Khê. Trước sức ép về tạo việc làm cho nông dân khi thu hồi đất nông nghiệp, chính quyền phường phối hợp Trung tâm giới thiệu việc làm quận Hà Ðông mở nhiều lớp dạy nghề, trong đó có nhiều lớp miễn phí; liên hệ với công ty xuất khẩu lao động tuyển người đi lao động nước ngoài; ký hợp đồng với một số doanh nghiệp hướng dẫn sản xuất, cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm... cho nông dân, nhưng mọi hình thức đều thất bại. Một cán bộ tổ dân phố cho biết: Chúng tôi đến từng gia đình phát phiếu điều tra nhu cầu chuyển đổi nghề các hộ dân theo nhiều đợt, nhưng số lượng người đăng ký theo học rất ít, vì nhiều người cho rằng những nghề đó không phù hợp vì họ đã lớn tuổi, khả năng tiếp thu hạn chế, mà thu nhập lại thấp...

Chính vì vậy, buôn bán, kinh doanh nhỏ là sự lựa chọn của khá nhiều hộ dân trong phường. Hiện nay, tại khu di tích lịch sử Bia Bà và các khu chợ Ðình, chợ Bông Ðỏ, mỗi ngày có hàng trăm hộ kinh doanh. Tuy mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình, nhưng hoạt động này diễn ra khá lộn xộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự đô thị, trật tự giao thông. Tại khu di tích lịch sử Bia Bà, hàng quán nhiều, bao vây di tích, làm mất không khí tôn nghiêm. Thực tế này đòi hỏi chính quyền phường cần sớm có giải pháp quy hoạch, tổ chức dịch vụ tại cụm di tích này theo hướng văn minh, trật tự.

Mật độ xây dựng dày đặc ở La Khê trong thời gian gần đây là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bụi và úng ngập cục bộ tại các khu dân cư, gây tâm lý bức xúc của người dân.

Khắc phục những vấn đề bức xúc về việc làm cho nông dân sau khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp và ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình đô thị hóa tuy không phải là vấn đề mới, nhưng là vấn đề chung ở các vùng nông thôn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như La Khê. Ðể có giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc trên, ngoài sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành chức năng của thành phố và quận Hà Ðông.

Kiều Hương