Đánh giá cán bộ cấp xã bằng KPI
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã hoàn thành 36/38 nhiệm vụ đề ra, đạt hoặc vượt kế hoạch 10/16 chỉ tiêu. Các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS và PCI không ngừng cải thiện cả về điểm số lẫn thứ hạng giúp Bình Định nằm trong nhóm xuất sắc về cải cách hành chính hai năm liên tiếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo tỉnh cũng nhận định vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trong đó một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Hoạt động công vụ cấp xã còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả phục vụ nhân dân. Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính còn thấp, cần có giải pháp nâng cao năng lực quản lý…
Trước thực trạng đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã hoàn thiện bộ chỉ số kinh tế-xã hội cho cấp xã và sẽ sớm triển khai hệ thống KPI cụ thể, nhằm đánh giá hiệu quả công vụ một cách minh bạch và khách quan hơn.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, việc áp dụng hệ thống chỉ số hiệu quả công việc (KPI) sẽ giúp tỉnh đánh giá chính xác hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cách đánh giá này giúp phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tránh tình trạng làm việc hình thức, thiếu hiệu quả. Những cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được tiếp tục giao trọng trách, trong khi những người không đạt chỉ tiêu KPI sẽ bị luân chuyển hoặc thay thế.

Bình Định chú trọng cải cách hành chính
Bên cạnh giao KPI, tỉnh cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra và giám sát định kỳ, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động hành chính.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định nhấn mạnh, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cải cách hành chính giai đoạn 2025-2030 cần được đặt trong tổng thể bối cảnh mới. Đặc biệt là sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Một số lợi thế hiện tại có thể không còn sau sáp nhập, trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng hai con số vẫn giữ nguyên, đây là áp lực rất lớn đòi hỏi sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định yêu cầu, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo toàn diện công tác cải cách hành chính, thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức công việc, thích ứng nhanh với mô hình quản lý mới. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, khẩn trương xây dựng tiêu chí cụ thể, có KPI rõ ràng để đo lường hiệu quả công vụ.
![]() |
Nhân viên xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) hướng dẫn người dân thủ tục hành chính. |
Bước tiến lớn trong quản lý
Bên cạnh việc đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, Bình Định còn tăng tốc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý. Số hóa cơ sở dữ liệu hành chính Ủy ban nhân dân tỉnh đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ số hóa các dữ liệu dùng chung, hướng đến nền hành chính công trực tuyến giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Việc tích hợp công nghệ số không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình xử lý hồ sơ, mà còn giảm tải công việc cho cán bộ, nâng cao tốc độ giải quyết thủ tục hành chính. Mọi cải cách đều hướng tới lấy nhân dân làm trọng tâm, tạo môi trường thuận lợi nhất để giúp người dân tiếp cận hành chính công dễ dàng, không gặp rào cản về thủ tục.
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình 361/TTr-VPUBND ngày 23/4/2025, toàn tỉnh có 1.848 thủ tục hành chính, trong đó có 461 thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết từ 2 ngày trở lên và có phát sinh nhiều hồ sơ (hồ sơ phát sinh chiếm tỷ trọng 50.56%/tổng số hồ sơ); 54 thủ tục hành chính giải quyết trong ngày (hồ sơ phát sinh chiếm tỷ trọng 43,55 %/tổng số hồ sơ); 31 thủ tục hành chính không quy định thời gian giải quyết (hồ sơ phát sinh chiếm tỷ trọng 5,89%/tổng số hồ sơ), còn lại 1.302 thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ.
Với số lượng 407/461 thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được thông qua phương án cắt giảm như nêu trên, tỷ lệ số lượng thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ của tỉnh đạt 88,2%.
Đáng chú ý, với tỷ lệ thời gian giải quyết và chi phí tuân thủ được cắt giảm đạt 43,86% như nêu trên, Bình Định đã thực hiện vượt 13,86% chỉ tiêu được Chính phủ giao (30%) tại Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026.

Bình Định tập trung tinh gọn bộ máy
Thời gian tới, việc áp dụng KPI và đẩy mạnh cải cách hành chính không chỉ tạo ra sự thay đổi trong bộ máy công quyền, mà còn có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của tỉnh.
Nhờ có cơ chế đánh giá rõ ràng, đội ngũ cán bộ, công chức sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, hạn chế tối đa tình trạng trì trệ, thiếu minh bạch.
Với các chỉ số đánh giá cụ thể, hệ thống hành chính trở nên minh bạch hơn, tạo sự tin tưởng từ phía người dân, giúp họ tiếp cận dịch vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Bình Định.
Việc áp dụng KPI trong đánh giá cán bộ cấp xã không chỉ là một bước tiến trong quản lý công vụ, mà còn thể hiện quyết tâm của Bình Định trong đổi mới, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.
Từ quy trình đánh giá minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm đến chuyển đổi số, tất cả đang giúp tỉnh tiến gần hơn đến nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Ai hoàn thành chỉ tiêu sẽ tiếp tục làm, ai không đạt sẽ bị thay thế, điều này sẽ giúp Bình Định xây dựng đội ngũ cán bộ trách nhiệm, tận tâm và hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Do vậy, cải cách hành chính vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là nền tảng để Bình Định vươn lên bứt phá.