Đây là dấu mốc quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975-2025). Năm 2025 cũng đánh dấu 30 năm thành lập của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) - một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Hoạt động từ năm 1995 đến nay, GBA đã trở thành một trong những tổ chức đại diện doanh nghiệp lớn mạnh và có ảnh hưởng sâu rộng với gần 400 hội viên, đóng vai trò là cầu nối chiến lược giữa doanh nghiệp Đức và các cơ quan Chính phủ Việt Nam.
Tọa đàm do Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức Martin Koerner chủ trì, với sự tham gia của Tổng Lãnh sự quán Đức, các lãnh đạo cấp cao từ GBA, AHK (Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức) cùng đại diện nhiều doanh nghiệp lớn như Adidas, Allianz Partners, BASF, Bayer, Fischer Asia, Mercedes-Benz, NFQ, World Cat (Puma), Roedl & Partner, STADA Pymepharco.
Các đại biểu đã thảo luận những vấn đề xoay quanh tầm nhìn và kỳ vọng trong giai đoạn hợp tác tới đây, trong đó có nhu cầu triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và trao đổi nội bộ giữa các công ty con trong tập đoàn đa quốc gia. Theo đại diện Adidas, để thúc đẩy trao đổi nhân lực quốc tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết có cơ chế phù hợp để xóa bỏ rào cản từ các quy định liên quan visa và giấy phép lao động.
Bên cạnh đó, đại diện Puma bày tỏ sự quan tâm đến sự ổn định chính sách và định hướng phát triển dài hạn của Việt Nam, bởi đây là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch mở rộng đầu tư một cách bền vững. Một điểm sáng là STADA Pymepharco đã giới thiệu hai nhà máy đạt chuẩn EU-GMP tại Tuy Hòa (Phú Yên), đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xuất khẩu dược phẩm sang Đức và các nước EU. Đây là minh chứng tiêu biểu cho sự hợp tác đổi mới giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực công nghiệp có yêu cầu kiểm soát.
Trao đổi ý kiến với phía Đức, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Đắc Thành nhấn mạnh vai trò trung tâm của ngoại giao kinh tế trong mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia. Ông đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững - những lĩnh vực trụ cột giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Việt Nam khi tiếp cận thị trường Đức và châu Âu.
Đại sứ khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có việc giảm số cấp quản lý từ ba xuống còn hai cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh rằng, việc đơn giản hóa thủ tục lao động và visa cho các chương trình đào tạo là một phần trong nỗ lực xây dựng hệ thống đào tạo quốc gia cởi mở, công bằng và hội nhập. Đại sứ cũng nêu bật các nỗ lực đối ngoại cấp cao nhằm giảm thiểu tác động từ môi trường kinh tế quốc tế và thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.
Ông Trần Duy Phong, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất việc thúc đẩy kết nối giữa các SMEs của hai nước, đặc biệt trong các ngành then chốt như năng lượng tái tạo, sản xuất thông minh, công nghiệp tri thức và công nghệ số, đồng thời tăng cường hợp tác trong nghiên cứu - phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề ở các lĩnh vực thế mạnh của Đức như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp từ cả hai bên.
Buổi tọa đàm không chỉ là cơ hội để chia sẻ tầm nhìn chiến lược mà còn là minh chứng cho vai trò của GBA trong việc kết nối doanh nghiệp Đức với Chính phủ và các đối tác Việt Nam, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và hướng tới tương lai bền vững.