Quyết tâm giữ thai cho sản phụ
Sản phụ N.T.H, 37 tuổi từng phẫu thuật điều trị lạc nội mạc buồng trứng và u xơ tử cung. Sau phẫu thuật việc mang thai tự nhiên với chị H. càng khó khăn do giảm dự trữ buồng trứng nghiêm trọng. Chị H. phải thực hiện hỗ trợ sinh sản với số phôi ít ỏi để có thai nhưng không may, thai nhi bị dị tật Trisomy 18 (Hội chứng Edwards) phải đình chỉ ở tuần 19.
Sau nhiều nỗ lực, chị mang thai bé G. Ở tuần thứ 17, khi thực hiện siêu âm hình thái học tại Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Thành phố Hồ Chí Minh thì phát hiện thai nhi có khối u vùng cùng cụt. Lúc này chiều dài khối u khoảng 3-4cm.
Sau khi được các bác sĩ tư vấn, vợ chồng chị quyết tâm giữ lại thai, dù khoảng 17% u quái xương cùng cụt có các yếu tố ác tính, chưa thể khảo sát trong bào thai.
Tuần thai 22, kết quả chụp MRI thai ghi nhận khối u lớn, tăng kích thước nhanh, nhiều mạch máu tăng sinh tại u, và u phát triển ra bên ngoài cơ thể. Đến tuần thứ 30 thì ghi nhận tăng kích thước lên gấp 5 lần, nguy cơ thiếu máu bào thai, suy tim, vỡ u, tử vong thai nhi…
Bác sĩ xác định bào thai có u quái vùng cùng cụt type 1. Khối u phát triển hoàn toàn bên ngoài cơ thể với nhiều mạch máu tăng sinh, một lượng lớn máu từ tuần hoàn thai nhi đi vào nuôi u khiến thai có thể bị thiếu máu nặng dần và dẫn đến suy tim.
Đến tuần thai thứ 34, khối u phát triển gấp đôi kích thước cơ thể bé, đồng thời thai có biểu hiện suy tim. Nếu khối u vỡ sẽ dẫn đến thai sốc mất máu, đe dọa tính mạng cả mẹ và bé.
Liên chuyên khoa Sản-Sơ sinh và Ngoại nhi lên kế hoạch phối hợp theo dõi thai kỳ, sinh mổ, nuôi dưỡng trẻ ngay sau sinh và phẫu thuật khi bé đủ điều kiện sức khỏe.
Hai phòng mổ liền kề được sắp xếp sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất, một phòng gồm ê-kíp bác sĩ Sản-Sơ sinh mổ lấy thai và chăm sóc ban đầu cho hai mẹ con, phòng còn lại gồm bác sĩ Ngoại nhi và Gây mê Hồi sức sẽ phẫu thuật bóc tách u.
![]() |
Hai phòng mổ liền kề được sắp xếp sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất, |
Bốn tiếng cân não loại bỏ khối u quái, bảo toàn tính mạng cho thai nhi
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp thực hiện ca mổ lấy thai cho biết, trường hợp này, nếu tiếp tục kéo dài thêm, thai nhi có thể sẽ đột tử, nếu khối u vỡ trong tử cung sẽ gây mất máu nhiều và đe dọa tính mạng hai mẹ con.
Trong quá trình mổ lấy thai, kíp mổ phải đối diện với nguy cơ làm vỡ khối u khi thực hiện đưa thai nhi ra khỏi tử cung, gây chảy máu nghiêm trọng có thể không cầm được khiến bé có thể tử vong ngay do mất máu khối lượng lớn cấp tính.
Vì vậy các bác sĩ quyết định rạch một đường dọc lớn từ đoạn dưới đến đáy tử cung, thận trọng đưa thai ra an toàn mà không làm vỡ u. Sản phụ được khâu phục hồi nhanh cơ tử cung, không xảy ra băng huyết sau sinh và không cần truyền máu.
Bé G. chào đời an toàn vào cuối tháng 4/2025, nặng 3,4kg, trong đó khối u nặng 1,8kg, dài gần 20cm. Sau khi chào đời, bé được các bác sĩ sơ sinh cho thở oxy, chăm sóc sau sinh, ổn định sinh hiệu. Bác sĩ ngoại nhi thăm khám, quyết định đưa bé về phòng chăm sóc đặc biệt Trung tâm Sơ sinh (NICU), dự kiến sau 24 giờ, khi bé ổn định sẽ được mổ tách khối u.
Hai tiếng sau, bên trong khối u bắt đầu có tình trạng chảy máu, khối u to ra thêm, bé nguy cơ sốc mất máu, đe dọa tính mạng. Bệnh viện lập tức kích hoạt chế độ cấp cứu toàn viện, chuyển ngay bệnh nhi lên phòng mổ.
Ê-kíp bác sĩ ngoại nhi gồm bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Trọng, Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Thiên Kim và Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Tôn Thị Anh Tú lập tức có mặt cùng các bác sĩ gây mê sơ sinh, tiến hành phẫu thuật cầm máu và tách khối u cho bé.
Bác sĩ Trọng cho biết, khối u dính liền với cơ thể, nếu tách ra sẽ khiến bé bị mất một khối lượng máu lớn, vì vậy cần phải vừa hồi sức và vừa phẫu thuật. Ê-kíp bác sĩ Gây mê hồi sức bảo đảm huyết động, bác sĩ phẫu thuật kiểm soát máu chảy. Đồng thời bệnh nhi được dự trữ ngân hàng máu, chuẩn bị tất cả các chế phẩm máu như hồng cầu, huyết tương, tiểu cầu… để bù lại cho bé trong và sau mổ.
Nhận định khối u rất lớn, có thể liên quan tới đại trực tràng, bàng quang, cơ quan tiết niệu sinh dục và các cấu trúc xung quanh, các bác sĩ cần tách trọn vẹn khối u, hạn chế gây mất máu, tổn thương cơ quan xung quanh (thủng trực tràng, âm đạo…), bảo vệ tối đa cơ thắt hậu môn và thần kinh vùng tầng sinh môn, bảo đảm thẩm mỹ cho trẻ.
Sau gần 4 tiếng, khối u được tách ra khỏi cơ thể, bệnh nhi được chuyển về NICU tiếp tục theo dõi.
24 giờ sau ca mổ lấy thai, sức khỏe cả hai mẹ con sản phụ đều ổn định. Người mẹ có thể ăn uống, vận động đi lại được, tử cung co hồi tốt và không ra huyết âm đạo. Em bé ổn định tuần hoàn và hô hấp, được cai máy thở sau một ngày, vết mổ không còn chảy máu. Quá trình trong và sau phẫu thuật, bé được truyền 500ml máu.
Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh cho biết, bé tiếp tục được theo dõi, giữa tháng 5, sức khỏe bé ổn định và được xuất viện.
U quái vùng cùng cụt là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 1/20.000-40.000 ca sinh, được chia thành 4 type (4 loại). Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, với em bé bệnh có thể gây tình trạng suy tim thai, đối với mẹ sẽ gây đa ối và hội chứng xoay gương, dẫn đến phù nhau thai. Đặc biệt khối u có thể vỡ bất cứ lúc nào trước trong và sau sinh khiến cả mẹ lẫn bé bị sốc mất máu, dẫn đến tử vong.
U quái cùng cụt có thể phát hiện sớm thông qua việc siêu âm tiền sản bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại, từ đó đánh giá nguy cơ và lên các phương án điều trị cho trẻ ngay khi vừa chào đời.