CPTPP mang lại nhiều cơ hội quý giá

NDO -

NDĐT- Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bởi Hiệp định này mang lại nhiều cơ hội quý giá cho đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời một số vấn đề đại biểu quan tâm về CPTPP sáng 5-11
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời một số vấn đề đại biểu quan tâm về CPTPP sáng 5-11

Cơ hội nhiều hơn thách thức

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) dẫn các số liệu cho biết, CPTPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% toàn cầu và gần 500 triệu dân.

Theo ước tính của các chuyên gia, lợi ích mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỷ USD trong trung hạn. Hiệp định CPTPP sẽ làm tăng phúc lợi toàn cầu lên khoảng 21 tỷ USD.

“Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là cơ hội đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn của một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu rõ.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội trên càng quý giá.

“Chúng ta kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ Hiệp định này, các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại là động lực và áp lực đẩy nhanh tiến trình cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh”- đại biểu này nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định, việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định CPTPP là quyết định chính trị quan trọng, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước vì lợi ích của đất nước nhưng quan trọng hơn là xây dựng cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực cả chính quyền và doanh nghiệp để thực hiện thành công cơ hội mở ra.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) khẳng định, tham gia CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn là thách thức.

“Về kinh tế, Hiệp định sẽ giúp chúng ta tiếp cận thị trường rộng hơn. CPTPP cũng có nhiều ưu đãi hơn so với các hiệp định thương mại tự do song phương mà chúng ta đã có với 7/10 nước đối tác trong Hiệp định CPTPP hiện nay. Cơ cấu xuất nhập khẩu của ta với 10 nước còn lại mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh và quan trọng hơn, việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tạo điều kiện hơn nữa để chúng ta có thể tiếp tục đổi mới về chính sách để tăng cường hội nhập và phát triển, ông nói.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cho rằng, thực tế 30 năm hội nhập, nhất là từ khi nước ta gia nhập WTO, trước các thể chế, hiệp định có tính bước ngoặt bao giờ cũng có sự ủng hộ và băn khoăn. Nhưng với kinh nghiệm được tích lũy, với bản lĩnh Việt Nam, với quyết tâm cao và các chương trình kịch bản sau Hiệp định chúng ta đều đã vượt qua những thách thức, tranh thủ được thời cơ, khẳng định thành công của từng nấc thang hội nhập.

Ứng phó thách thức

Bên cạnh những cơ hội mở ra khi tham gia CPTPP, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ những băn khoăn về nguy cơ các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực. Các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể để ứng phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội mở ra.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, chúng ta không chỉ thực thi hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến vì lợi ích của doanh nghiệp quốc gia, dân tộc.

“Chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đưa ra những đề nghị rất cụ thể cho các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng của hiệp định. Ông cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế quan theo hiệp định đối với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu. Ngoài ra cần phải thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

“CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung - dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu xây ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước”- đại biểu đến từ Trà Vinh nói.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) đề nghị Chính phủ, trong đó Bộ Công thương, là đầu mối chủ yếu, chủ động xúc tiến thương mại và đầu tư, lựa chọn thị trường và đối tác để bổ sung nguồn vốn và tiếp cận công nghệ hiện đại từ các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

CPTPP mang lại nhiều cơ hội quý giá ảnh 1

Đại biểu Quốc hội thảo luận về CPTPP sáng 5-11.

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng cần phải rà soát lại tổng thể chính sách công nghiệp, thương mại và đầu tư để tìm phương thức tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh mới, nhằm khơi dậy, giải phóng sức sáng tạo, năng lực nội sinh, các nguồn lực và thị trường trong nước.

“Với FDI, cần phải đổi mới tư duy, chính sách theo hướng thu hút FDI có chọn lọc, có điều kiện, không thu hút bằng mọi giá. Với thương mại, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết mở cửa thị trường, chúng ta cần hết sức coi trọng sử dụng các công cụ, biện pháp phòng vệ phù hợp với quy định thông lệ quốc tế để bảo vệ và phát triển sản xuất cũng như thị trường trong nước”, đại biểu Hà nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng cho biết, trong quá trình thực thi hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thường xuyên cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp sau khi phê chuẩn Hiệp định này.