QUÁ KHỨ LUÔN LÀ THÔNG ĐIỆP
Cứ một công trình nào đó tu bổ cẩu thả đến mức biến dạng, người ta lại mang đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) ra so sánh, qua những trang báo, hẳn anh cũng “sướng âm ỉ” vì toàn nhận được những lời khen?
Không! Với những công trình tu bổ như vậy, một người ngoại đạo cũng còn bức xúc, với tôi một người làm bảo tồn tu bổ thì thấy thương xót di tích vô cùng, giá mà... họ biết nâng niu, biết trọng cái công việc mình làm, sao cho hậu thế không chê trách, tiền nhân cũng hởi dạ hởi lòng.
Di tích của cha ông là thông điệp, là báu vật, là hồn, là cách của người Việt gửi vào từng đường nét, với kiến trúc tổng hòa trong cảnh quan không gian cùng tâm linh, tín ngưỡng. Trải qua bao đời hứng chịu nắng mưa cùng chiến tranh liên miên, di tích xuống cấp chúng ta mới phải bảo tồn, chứ không phải thay đổi, làm mới. Làm vậy còn gì là di tích nữa.
“Bước chân” vào công việc bảo tồn, anh “đặt hàng” với bản thân mình ra sao?
Tôi nghĩ mình mới tận tâm, tận tụy mà di tích là linh hồn của làng, là công sức của bao đời để lại, gửi gắm bao ước nguyện mùa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cùng những nhắn gửi con cháu sống phải biết nguồn cội, tổ tiên. Biết trân trọng, nâng niu những di tích của cha ông để có cách trùng tu cho xứng. Tôi quan niệm, một người được làm bảo tồn di tích là người có phúc mới được giao, có phận mới được làm. Vì lẽ đó, mình phải làm bằng cái tâm, còn cái tầm của mình, tôi tìm đến các nhà chuyên môn tham khảo học hỏi, khi làm thì mình hết sức cẩn trọng chi ly từ con kèo, mọng cột, viên ngói cho đến lớp rêu phủ hàng trăm năm.
Đình Tây Đằng đã được anh triển khai có dựa theo quy trình nào không?
Đây là câu hỏi khó và cũng thú vị để tôi được chia sẻ. Di tích là một phần của quá khứ, là nét tinh hoa, thông điệp của cha ông truyền cho con cháu. Khi bước vào tu bổ, tôi đặt ra hàng loạt câu hỏi cho mình, trước hết, phải hiểu được giá trị của đình. Hơn năm trăm năm cùng tuế nguyệt, các hạng mục đều mục mại, đụng tay vào hạ giải phải đong đếm nâng niu từng viên ngói, cái kèo. Một câu hỏi nữa với tôi, sau khi hạ giải việc bảo quản nó (không cháy, mục, mại, lệch mọng, gá đầu linh tinh...) phải hết sức thận trọng.
Đình có nhiều bức chạm dân gian hết sức tinh tế, mái đình rất cổ, đường cong không cố định nên phải ghi chép, lưu giữ từng bản viết và hình ảnh để khi ráp nối lại như lúc ban đầu, hoàn nguyên cho đình một cách chính xác. Quy trình để bảo tồn hầu như chưa có, tôi đã mời các giáo sư đầu ngành cùng Cục Bảo tồn về làm hội thảo, với sự tham vấn GS Hoàng Đạo Kính, Viện trưởng Lê Thành Vinh, GS Trần Lâm Biền... làm cố vấn. Các chuyên gia của Cục Di sản đóng góp nhiều ý kiến tốt, gợi mở những phương pháp thích hợp nhất cho công trình bảo tồn, đồng thời xây dựng một CD tư liệu về quy trình bảo tồn.
XIN TRẢ LẠI THỜI GIAN
Đặt giả dụ là một người tham quan, mỗi khi đến với di tích, anh đến với cái gì ở di tích đó?
Nét thời gian phản ánh trên di tích. Bảo tồn di tích phải bảo tồn được cả nét thời gian này, cái đẹp nằm ở sự cổ kính lâu đời chứ không phải làm một cái mới nhái lại cái cũ rồi lắp vào. Tu bổ di tích mà thay mới, bỏ cũ thì dễ, giá thành cũng rẻ hơn rất nhiều nhưng như thế thì còn gì là di tích nữa, đó là cách làm mới đặt lên trên nền đất cũ.
Cùng với thời gian, di tích không những bị mối mọt mà còn bị tháo dỡ rồi mang đi ít nhiều. Khi bắt tay vào làm, anh có quan tâm đến chi tiết này không?
Đúng vậy. Người làm trùng tu cần phải tinh ý mới phát hiện được các cấu kiện dù rất nhỏ. Ví như khi trùng tu chùa Bối Khê (xây dựng năm 1338, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chẳng hạn. Tại đao trái chỉ còn một bức có chạm chim thần Cagu- da mà trong tài liệu không có. Tôi mang thắc mắc này về Cục Di sản hỏi và được biết đây là cấu kiện bị tháo mất. Lặn lội về Bảo tàng Hà Tây cũ, tôi tìm được 16 bức và trả lại cho chùa.
Nội lực của mỗi con người được đánh giá giữa tâm và tầm qua các công trình trùng tu?
(Suy nghĩ). Khi bắt tay vào trùng tu chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) nằm trên đỉnh núi cao 70 mét, cùng 28 tháp cổ trên đó. Riêng khoản công vận chuyển nguyên vật liệu lên đó cũng đã rất cao nhưng vận chuyển lên lại phải giữ nguyên hiện trạng cảnh quan mà không một dấu tích mở đường lên núi đã là một bài toán thách thức. Tôi đã cho làm một làn đường xe ray để vận chuyển nguyên liệu. Công trình này được hội đồng khoa học bình xét có sáng kiến kỹ thuật. Với Nhà tù Côn Đảo, tôi đã cắt cánh cửa nhà tù mang về làng rèn Canh thuê họ làm như nguyên mẫu. Nay, khách đến tham quan, những người tù cách mạng xưa trở lại đều không một phàn nàn về việc “làm méo” di tích. Đó là phần thưởng lớn rất hạnh phúc cho tôi.
TU BỔ DI TÍCH PHẢI LÀ NGÀNH KHOA HỌC
“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), qua những công trình bảo tồn trùng tu, hẳn anh có nhiều kinh nghiệm, bài học cho riêng mình?
Ở lĩnh vực nào cũng có chuyên gia của lĩnh vực đó, qua những công trình trùng tu thành công nên cũng được ghi nhận, được giao nhiệm vụ giám sát các đơn vị khác trùng tu. Giám sát đền Quán Thánh, đền Voi Phục, đình Kim Liên, chùa Láng... căn cứ tổng hòa di tích, quy chiếu các văn bản, công ước bảo vệ di sản, Luật Di sản cùng các chuyên gia tham vấn giúp đơn vị thi công thực hiện bài bản hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc?
Đúng. Nếu như mình có quyền quyết định cao hơn cho các di tích sẽ tốt hơn nhưng vì mình phải phụ thuộc vào chủ đầu tư, hệ thống văn bản pháp lý chưa hoàn thiện. Thiết nghĩ, ngành tu bổ phải là ngành khoa học, phải có văn bản pháp lý riêng, quy trình công nghệ riêng và tiêu chuẩn kỹ thuật riêng... Ngành văn hóa cũng đã nỗ lực ra các thông tư, quy định riêng cho di tích. Khi đó, các di tích sẽ được tu bổ bài bản hơn mà không làm mất đi giá trị tinh thần.
Và anh mong muốn điều gì cho ngành tu bổ di tích?
Từ trước tới giờ, những người làm công tác tu bổ di tích đều chưa được đào tạo chính quy bài bản trong các trường đại học về chuyên ngành này, họ đều là những kỹ sư, kiến trúc sư, họa sĩ... tay ngang. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị mới thành lập, chưa đủ năng lực nhưng vẫn được tham gia can thiệp vào di tích dẫn đến nhiều bất cập. Thiết nghĩ, ngành văn hóa nên cấp chứng chỉ hành nghề cho những người đủ năng lực, cần phê duyệt đội ngũ cán bộ của nhà thầu khi tham gia vào dự án trùng tu.
Xin cảm ơn kỹ sư Thái Chung về cuộc trò chuyện!